vĐồng tin tức tài chính 365

Cuộc đua tổng thống Hàn Quốc: Khác biệt lớn về quan điểm Mỹ, Nhật, Trung, Triều

2022-02-16 13:12

Tờ South China Morning Post đưa tin bắt đầu từ ngày 15-2, Hàn Quốc chính thức bước vào chiến dịch tranh cử tổng thống kéo dài 22 ngày để bầu ra Tổng thống thứ 20 tại quốc gia Đông Á này vào ngày 9-3 tới.

Trong suốt thời gian tranh cử, các ứng viên tổng thống được phép tổ chức các cuộc biểu tình và thực hiện các chiến dịch quảng cáo để thu hút các cử tri. 

Cuộc đua tổng thống Hàn Quốc: Khác biệt lớn về quan điểm Mỹ, Nhật, Trung, Triều - ảnh 1
Hàn Quốc bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống kéo dài 22 ngày. Ảnh: KYODO/YONHAP/REUTERS

Ai đang dẫn đầu cuộc đua?

Ít nhất 11 ứng cử viên đã đăng ký trong cuộc chạy đua vào Nhà Xanh với Ủy ban bầu cử quốc gia Hàn Quốc. Tuy nhiên, nổi bật trong số đó là hai ứng cử viên tổng thống hàng đầu: ông Lee Jae-myung của đảng Dân chủ cầm quyền (DPK) và ứng viên Yoon Suk-yeol đến từ đảng Quyền lực của nhân dân đối lập (PPP).

Ông Lee Jae-myung, 57 tuổi, là một luật sư nhân quyền và cựu Thống đốc tỉnh Gyeonggi. Lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó, ông Lee tự nhận mình là nhà đấu tranh cho người nghèo và người kém may mắn, ủng hộ các dự án phúc lợi xã hội táo bạo như khoản tài trợ trị giá khoảng một triệu won (837 USD) hàng năm cho mỗi thanh niên Hàn Quốc. Do đó, nhiều người cáo buộc ông đang theo chủ nghĩa dân túy.

Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của ông Lee là cựu công tố viên Yoon Suk-yeol, 61 tuổi, người đóng vai trò quan trọng trong cuộc điều tra hai cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Lee Myung-bak. 

Mặc dù được Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in bổ nhiệm làm trưởng công tố viên vào năm 2019, nhưng mối quan hệ giữa ông Moon và ông Lee đã trở nên “xấu đi” sau khi ông này mở một cuộc điều tra chống lại ông Cho Kuk, một phụ tá thân cận và được xem là người kế nhiệm tiềm năng của ông Moon. 

Với các điều tra chống lại hai cựu Tổng thống bảo thủ và chính quyền đương nhiệm, ứng viên Yoon đã xây dựng trong mắt người ủng hộ hình ảnh một người ủng hộ công lý và công bằng. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của ông là sự thiếu kinh nghiệm trong nhánh hành pháp.

Một ứng cử viên tiềm năng khác trong cuộc đua tranh cử tổng thống Hàn Quốc kế tiếp là ông Ahn Cheol-soo của đảng Nhân dân. Vào ngày 13-2, ông Ahn đề xuất một cuộc thăm dò với ứng viên Yoon nhằm thống nhất một đại diện của phe bảo thủ. Tuy nhiên ông Yoon đã từ chối đề nghị và kêu gọi ông Ahn đơn phương rút khỏi cuộc đua.

Kết quả thăm dò dư luận do Viện Ý kiến Xã hội Hàn Quốc công bố ngày 14-2 cho thấy ứng viên Yoon Suk-yeol đang dẫn đầu với 43,5% tỷ lệ cử tri ủng hộ, trong khi đó đối thủ Lee Myung-bak xếp thứ hai với 40,4% và đứng thứ ba là ông Ahn Cheol-soo với 7,8%.

Khảo sát về đặc điểm của cuộc bầu cử ngày 9-3, 47,7% cử tri được hỏi nói rằng họ sẽ bỏ phiếu cho ứng viên đảng đối lập, trong khi 42,5% bỏ phiếu cho ứng viên đảng cầm quyền để điều hành ổn định công việc của quốc gia, theo hãng thông tấn Yonhap.

Ngoài ra ít nhất tám ứng viên Tổng thống khác tham gia cuộc đua vào Nhà Xanh, trong đó có ứng viên Sim Sang-jun của đảng Công lý, cựu bộ trưởng Kinh tế Kim Dong-yeon và ông Heo Kyung-young - người nổi tiếng với những phát ngôn gây chú ý như tự nhận có siêu năng lực.

Những mối quan tâm hàng đầu

Các mối quan tâm đối nội nổi trội trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc như giá nhà tăng cao, thất nghiệp, bất bình đẳng và đại dịch COVID-19. Các thanh niên Hàn Quốc thường có xu hướng bầu cho ứng tự do, tuy nhiên vấn đề nhà ở và tỷ lệ thất nghiệp cao trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon đã khiến nhiều cử tri trẻ nghiêng về đảng bảo thủ PPP.

Vấn đề về giới và tâm lý chống Trung Quốc cũng là những yếu tố ảnh hưởng tới lựa chọn của cử tri Hàn Quốc, đặc biệt là ở cử tri trẻ, những người nhìn nhận chính quyền tự do hiện tại “quá kính trọng” Bắc Kinh.

Chính sách Triều Tiên

Bên cạnh đó, những thách thức từ bên ngoài cũng đóng vai trò to lớn đối với cuộc bầu cử chẳng hạn chương trình hạt nhân của Triều Tiên và chiến lược cân bằng của Seoul đối với Mỹ - đồng minh truyền thống và Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất trở nên khó khăn do cạnh tranh giữa hai cường quốc ngày càng gia tăng.

Triều Tiên là mối quan tâm an ninh hàng đầu của Hàn Quốc. Bình Nhưỡng đã tỏ ra ít “mặn mà” đến đối thoại sau hàng loạt các cuộc đàm phán ngoại giao cấp cao về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vào năm 2018 và 2019. Thay vào đó, Triều Tiên đã tăng cường các vụ thử tên lửa khiến cho tình hình bán đảo trở nên nóng trở lại. Chỉ riêng tháng 1-2022, Triều Tiên đã thực hiện tới sáu đợt phóng tên lửa. 

Cuộc đua tổng thống Hàn Quốc: Khác biệt lớn về quan điểm Mỹ, Nhật, Trung, Triều - ảnh 2
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bắt tay với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP

Cả hai ứng viên tổng thống hàng đầu đều bày tỏ sự ủng hộ đối thoại và hợp tác kinh tế với Triều Tiên mặc dù giữa hai người có sự khác nhau về các điều kiện và quy trình.

Ứng viên Yoon theo đuổi lập trường cứng rắn của phe bảo thủ rằng các trao đổi kinh tế với Triều Tiên chỉ tiến hành sau khi quốc gia này thực hiện phi hạt nhân hóa trước. Ông cũng đe dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận liên Triều được ký năm 2018 trừ khi phía Triều Tiên ngừng thái độ gây hấn.

Ông Yoon cho rằng những nỗ lực của phe tự do nhằm đi tới một tuyên bố kết thúc chiến tranh với Triều Tiên là một “sự thỏa hiệp chỉ làm suy yếu thế trận phòng thủ của Seoul” và kêu gọi nối lại các cuộc tập trận quy mô lớn với Mỹ cũng như việc tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ, thậm chí là “tấn công phủ đầu” trong trường hợp các cuộc tấn công hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên sắp xảy ra.

Ngược lại, trong phần tranh luận trên truyền hình, ứng viên Lee cáo buộc ông Yoon đang tìm cách “làm tăng cường đối đầu hơn là tránh chiến tranh và tạo ra hòa bình”. 

“Điều quan trọng là tránh một cuộc chiến tranh nhưng quan trọng hơn là giành chiến thắng mà không có chiến tranh và quan trọng nhất là tạo ra một môi trường không cần đi tới chiến tranh” - ông Lee cho hay.

Ông Lee ủng hộ chính sách can dự của chính quyền đương nhiệm và hứa hẹn sẽ thúc đẩy các nỗ lực của Seoul nhằm làm trung gian giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như gặp gỡ cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để giải quyết cuộc khủng hoảng. 

Lập trường đối với cạnh tranh Mỹ-Trung và quan hệ với Nhật 

Trong cạnh tranh Mỹ-Trung, Hàn Quốc đứng trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Seoul dựa vào đồng minh Mỹ trong các vấn đề an ninh và cân nhắc các biện pháp trừng phạt kinh tế từ đối tác Trung Quốc nếu Hàn Quốc lựa chọn đứng về phía Mỹ.

Ứng viên đảng PPP mong muốn gắn kết ngoại giao với Mỹ gần gũi hơn và cáo buộc chính quyền ông Moon đã làm tổn hại đến quan hệ đồng minh với Washington khi theo đuổi “chính sách ngoại giao thân Trung Quốc và thân Triều Tiên”. Ông cũng kêu gọi triển khai thêm hệ thống tên lửa THAAD nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên.

Tuy nhiên Trung Quốc cho rằng hệ thống này sẽ làm suy yếu an ninh của nước này. Vào năm 2017, Bắc Kinh đã đưa ra các biện pháp trả đũa kinh tế để phản đối quyết định triển khai THAAD của Seoul.

Ngoài ra ông Yoon kêu gọi Hàn Quốc tham gia vào nhóm chia sẻ tình báo Ngũ Nhãn gồm năm thành viên là Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand cũng như hợp tác với nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ.

Trong khi đó, ứng viên đảng cầm quyền DPK cho rằng THAAD không thực tế để bảo vệ Seoul và Hàn Quốc đủ công nghệ và nguồn lực để xây dựng hệ thống phòng thủ của riêng mình.

Ông ủng hộ “chính sách ba không” của Tổng thống Moon, trong đó Seoul sẽ không triển khai thêm THAAD, không tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu do Mỹ lãnh đạo và không tham gia vào một liên minh quân sự với Mỹ và Nhật.

Ông phủ nhận lập trường mềm mỏng của mình với Triều Tiên, kêu gọi tiếp tục tăng cường khả năng răn đe và hợp tác công nghệ với Mỹ để xây dựng tàu ngầm mang năng lượng hạt nhân. 

Trong phần tranh luận ngày 3-2, ông Yoon cho biết ông sẽ gặp Tổng thống Biden trước khi tổ chức các cuộc đối thoại với lãnh đạo Nhật, Trung Quốc và Triều Tiên, trong khi ông Lee chỉ nói rằng ông “sẽ gặp người quan trọng nhất tại thời điểm hữu ích nhất”.

Đối với chính sách Nhật của Hàn Quốc, ứng viên Yoon cáo buộc chính quyền ông Moon đã phá hủy mối quan hệ với Nhật bằng cách theo đuổi chính sách thiên về ý thức hệ với Tokyo. Đồng thời ông kêu gọi tăng cường hợp tác quân sự với Nhật trong khuôn khổ liên minh quân sự ba bên do Mỹ dẫn đầu.

Ngược lại, trả lời với tờ Joongang Ilbo vào năm ngoái, ông Lee cho hay một liên minh quân sự ba bên như thế sẽ “vô cùng nguy hiểm” do Nhật vẫn giữ nguyên tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Dokdo mà Nhật gọi là Takeshima và khuynh hướng “quân phiệt” của Tokyo.


Xem thêm: lmth.7353401-ueirt-gnurt-tahn-ym-meid-nauq-ev-nol-teib-cahk-couq-nah-gnoht-gnot-aud-couc/et-couq/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cuộc đua tổng thống Hàn Quốc: Khác biệt lớn về quan điểm Mỹ, Nhật, Trung, Triều”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools