Năm thứ 2 COVID-19 - khái niệm mà giờ nhiều người đã thấy quen thuộc. Ăn Tết online - khái niệm thứ 2 của Tết bình thường mới. Thế nên, diễn đàn Tết xưa - Tết nay với chủ đề Hương vị mùa xuân thực sự đã như một bữa tiệc Tết với đủ âm thanh màu sắc hương vị khắp mọi miền quê để mời bạn đọc Tuổi Trẻ ăn Tết 'online'.
Đó là món Cá lóc nướng trui, gà luộc xé phay: Món dân dã mà đậm đà hương vị Tết của tác giả Trần Văn Tám - cái tên quá đỗi quen thuộc trong mọi cuộc thi viết của báo Tuổi Trẻ. Ông Tám kể chuyện chắc khiến nhiều người ứa nước miếng:
"Cá tràu, cá trê, cá rô xỏ đầu vào nhánh trúc cắm xuống đất chất rơm lên đốt lửa nướng, khi rơm tàn lửa chờ chừng năm phút cho cá chín đều lấy cá ra dùng cọng rơm xếp đôi cạo lớp vảy cháy đen rồi bày cá trên cái lá sen, ai thích ăn con cá nào thì cầm nguyên con cá đó lên xé ra chấm với muối ớt, rau sẵn có ngoài đồng gồm có rau muống, cây kèo nèo, lá lụa…".
Một tác giả cũng quen thuộc khác là Nguyễn Thành Úc thì kể về Có một cái Tết không được ăn gỏi gà xé trộn lá vạn thọ của má, bài viết như một cuốn phim quay chậm có cú twist bất ngờ sau khi cho bạn đọc đê mê:
"Lá có mùi thơm thơm, nồng nồng, cứ quyện trên đầu mũi, ăn vào một miếng, tôi cảm nhận được vị the the, cay cay, ấm ấm ngập tràn từ đầu đến cuối lưỡi, không khác chi một viên kẹo bạc hà được ngậm trong mùa đông lạnh giá.
Húp một muỗng cháo gà, gắp một đũa gỏi thơm mùi vạn thọ, chấm nước mắm chua chua ngọt ngọt, đưa vào miệng nhai từ từ đừng nuốt vội, thì có lẽ không có món cao lương mỹ vị nào sánh bằng".
Tác giả Cao Thị Nga với Su hào muối nén - Món ăn thấm vị đợi chờ lại đưa bạn đọc trở về với cái Tết nghèo ở một miền quê xứ Bắc: "Khi trên mâm cỗ Tết ê hề những món thịt cá thì đặt cạnh đó là một đĩa su hào muối chua được cắt tỉa hình hoa lá sẽ làm cảm xúc ẩm thực của ta dịu lại".
Tác giả Tiên Sa gửi đến diễn đàn Tết xưa - Tết nay: Hương vị mùa xuân 20 bài viết, toàn là những bài ẩm thực cùng rất nhiều ảnh đẹp, đọc đã thấy ngon, xem ảnh càng ngon hơn. Cuối năm ăn trả canh môn của Tiên Sa cũng là một trời hoài niệm về những ngày tháng cuối năm ở miền Trung:
"Nhớ canh khoai môn có một, nhưng nhớ đến bà đến mười. Nhớ tấm lưng còng của bà đào khoai môn mỗi khi gió bấc hây hây khi xuân đến Tết về; nhớ đôi tay của bà nhăn nheo, chai sạn lúc gọt môn; nhớ những lời ân cần, khuyên nhủ của bà để lớn lên thành người tử tế…".
Không gian Tết xưa Nam Bộ ngay sau đó lại mở ra khi bạn đọc Dương Van Minh Lộc kể: "Bốn món dứt khoát không thể thiếu trên mâm cơm Tết người phương Nam là thịt kho nước dừa, canh khổ qua, đầu heo ngâm giấm và dưa giá.
Thịt kho tàu hay thịt đùi heo kho chung nước dừa xiêm đắc địa ở chỗ miếng thịt mềm mại tơi từng sợi, mỡ beo béo, nước mắm dừa lửa riu riu trong veo hệt hổ phách, ăn với cơm gạo mới gặt thơm phưng phức. Khổ qua tiếng bóng gió năm mới may mắn tai qua nạn khỏi.
Riêng lỗ tai, mũi heo ngâm giấm quả tuyệt chiêu, giòn giòn chua chua cuốn chung bánh tráng, dưa giá chấm nước mắm ớt ăn hoài không ngán. Xưa kia chỉ cần giở khạp dưa giá ra ỉu xìu là các bà các chị mau mau chắp tay xin trời đất năm tới tai qua nạn khỏi, dưa giá trắng bóc, nhai ròn rã mới tốt cửa tốt nhà".
Cứ thế, cứ thế từng câu chuyện của bạn đọc dẫn chúng ta đi theo ký ức hay ngay đây hiện tại, Tết và hương vị của nó ngập tràn.
Là cái Tết nhớ chợ Viềng của tác giả Dương Hùng, nhớ hoa thược dược và violet tím của bạn đọc Lê Hà, hay Amustang với câu chuyện về những bó lá mùi già thơm cả mùa đông, thơm cả Tết Hà Nội:
"Ký ức cộng đồng về nồi nước mùi già được hình thành rõ rệt quanh mùi hương đó. Nồi nước mùi già trở thành một biểu trưng gắn kết các thành viên trong gia đình, và tạo thành kỷ niệm, hoài niệm mà cứ ngửi thấy mùi hương đó là phải nhớ đến Tết, đến gia đình, đến tục lệ truyền đời".
Thế mới biết, dù cuộc sống có bận rộn thế nào, dù dịch bệnh có làm ta lao đao ra sao thì mỗi năm Tết đến xuân về, cảm xúc trong mỗi người khó mà dửng dưng được. Bao nhiêu bài viết là bấy nhiêu cảm xúc, bấy nhiêu nỗi lòng.
Tết xưa - Tết nay xin được tạm khép lại để gửi một lời hò hẹn đến bạn đọc thương mến, rằng 11 tháng nữa thôi, Tết mới xuân mới sẽ lại về, chúng ta có một điểm chạm vào cảm xúc đang chờ đợi: ấy là lại quay về với câu chuyện Tết xưa - nay.
Đồ hoạ: NGỌC THÀNH
TTO - Đó là tiếng chập cheng nhịp nhàng, tiếng "cắc tùng, cắc tùng" rất điệu nghệ được phát ra từ đầu hẻm. Âm thanh càng lúc càng dồn dập, càng "máu lửa". Tôi nghe rõ tiếng bước chân uy vũ của ông Lân đang tiến vào bái bàn thờ Tổ nào đó...
Xem thêm: mth.8733242161202202-uas-man-cod-nab-neh-nix-ial-pehk-naux-aum-iv-gnouh/nv.ertiout