Tại buổi họp báo tình hình kinh tế xã hội TP.HCM chiều 17-8, phóng viên đặt câu hỏi về việc vì sao Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM đề xuất mức lương tối đa 120 triệu đồng mỗi tháng với chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập?
Mức lương này do Sở Khoa học - Công nghệ TP đề xuất trong dự thảo “quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện, mức chi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học công nghệ công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ” dự kiến trình HĐND TP thông qua trong tháng 9.
Trao đổi vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Sương, trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM, cho biết mục tiêu đề án ngoài tập trung tăng thu nhập cho người làm khoa học còn hướng đến xây dựng một số đơn vị nghiên cứu hàng đầu ở TP.HCM được quốc tế công nhận.
Theo bà Sương, hiện TP có số lượng lớn đơn vị nghiên cứu nhưng chưa có trung tâm tầm cỡ, chuẩn quốc tế. Do vậy, sở đề xuất phát triển các trung tâm này làm đầu tàu thúc đẩy kinh tế bằng các kết quả nghiên cứu.
Theo đó, TP sẽ tập trung nguồn lực vào viện này bằng việc đầu tư trang bị, cơ sở vật chất hiện đại, xây dựng chế độ làm việc cho nhân sự, trong đó có ưu đãi về thu nhập.
Bà Sương cho biết thêm nghị quyết 98 cho phép HĐND TP được quyết định vấn đề tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi với các vị trí lãnh đạo và người làm khoa học trong các tổ chức khoa học công nghệ.
Từ cơ sở này, sở đề xuất cơ chế thù lao tương xứng cho người đứng đầu viện công nghệ tiên tiến để nghiên cứu những sản phẩm TP cần.
Nói về cơ sở đề xuất mức lương gấp 5-6 lần hiện tại, bà Sương cho hay nếu trả thu nhập như một công chức bình thường sẽ khó thu hút những người này. Sở Khoa học - Công nghệ đã khảo sát về chế độ tiền lương khoảng vài chục tổ chức khoa học công nghệ khối nhà nước, tư nhân và của nước ngoài hoạt động tại Việt Nam trong các ngành công nghệ.
Trong nhóm này có đơn vị nước ngoài trả thu nhập cao nhất 360 triệu cho vị trí giám đốc phụ trách phát triển trí tuệ nhân tạo (chưa tính thưởng).
Với khối nhà nước, tổng thu nhập trung bình khoảng 30 - 40 triệu mỗi tháng. Sau khảo sát, chúng tôi tính toán trong điều kiện nhà nước và mức trung bình từ kết quả trên để đề xuất trả thù lao 60 - 120 triệu đồng mỗi tháng cho chức danh lãnh đạo cao nhất. Mức thu nhập này có thể với nhiều người là lớn, nhưng với chuyên gia nước ngoài hay Việt kiều thì ở mức vừa phải.
Nhà khoa học phải có kế hoạch nghiên cứu cụ thể
Bà Sương cho hay để hưởng mức lương trên, lãnh đạo được chọn ngoài đáp ứng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo nhà nước, như bằng cấp, học hàm, học vị…, còn phải thỏa mãn yêu cầu công việc được giao.
Người hưởng mức thu nhập này phải có một kế hoạch cụ thể về chiến lược nghiên cứu phát triển trong giai đoạn 5 năm. Hội đồng khoa học sẽ đánh giá nghiên cứu này có xứng tầm với những gì mà thành phố đầu tư, mang lại hiệu quả thực sự, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội.
Trong đề án này, lãnh đạo phải đưa ra được chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI) rõ ràng về lĩnh vực nghiên cứu, ra được những sản phẩm gì, cách làm ra sao… Việc thẩm định đề án rất quan trọng vì hội đồng sẽ đánh giá năng lực lãnh đạo dựa trên lý lịch khoa học, các vị trí việc làm, bằng sáng chế, các kỹ năng khác…
Khi được phê duyệt đề án, lãnh đạo đơn vị nghiên cứu được tuyển chọn mới được hưởng các cơ chế về tiền lương, cơ sở vật chất. Ngoài ra, họ còn được quyền tuyển chọn các các cấp phó, trưởng và các phó phòng đóng vai trò giúp việc trong đề án.
Cho rằng chính sách tiền lương hiện tại khó giữ chân nhân tài, TP.HCM đề xuất trung ương ban hành chính sách cải cách tiền lương phù hợp, đảm bảo mức lương và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.