Kết thúc năm 2021, các doanh nghiệp gạo đều ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan nhờ xuất khẩu gạo tăng cao, tăng trưởng lợi nhuận đều đạt trên hai chữ số.
Doanh nghiệp gạo lãi lớn
Theo báo cáo tài chính quý IV và năm 2021, Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán: LTG) ghi nhận doanh thu đạt 3.110,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 159,72 tỷ đồng. Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 6,2% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 44,1 tỷ đồng về 666,6 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 52,8%, tương ứng tăng thêm 36,18 tỷ đồng lên 104,68 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 5,2%, tương ứng tăng thêm 22,58 tỷ đồng lên 457 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng thêm 55,88 tỷ đồng lên 55,83 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Lũy kế năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu đạt 10.224,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 421,87 tỷ đồng, lần lượt tăng 36,2% và 14,4% so với thực hiện trong năm 2020. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty. Trong cơ cấu doanh thu của Lộc Trời ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể của mặt hàng lương thực.
Năm 2021, LTG đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 400 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính, công ty hoàn thành 105,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, mã chứng khoán: NSC) cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 với doanh thu thuần đạt 749 tỷ đồng, tăng 12,5%. Giá vốn tăng thấp hơn nên lợi nhuận gộp đạt 248 tỷ đồng, tăng 18%. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 31,6% lên 33%.
Sau khi trừ các chi phí, Vinaseed báo lãi quý IV đạt 92 tỷ đồng, tăng 31,4% so với cùng kỳ 2020.
Lũy kế năm 2021 doanh thu Vinaseed đạt 1.931 tỷ đồng, tăng 18,1% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế đath 226 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 219 tỷ đồng.
Cụ thể, trong quý IV/2021, doanh thu thuần của TAR cao kỷ lục, đạt 1.165 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 112 tỷ đồng, tăng 229% so với cùng kỳ.
Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty trong quý IV/2021 là 43,7 tỷ đồng, tăng gần 7 lần cùng kỳ năm 2020. Tổng lợi nhuận trước thuế quý IV đạt 45,8 tỷ đồng, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục tính theo quý trong suốt hơn 20 năm hoạt động của công ty.
Lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần của TAR đạt 3.120 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2020; lợi nhuận gộp đạt 282 tỷ đồng, tăng 32%. Doanh thu từ hoạt động tài chính tăng gấp đôi trong khi chi phí tài chính chỉ tăng 12%. Tuy vậy, chi phí tài chính tăng gấp 3 khiến lợi nhuận trước thuế cả năm của công ty chỉ tăng 8% so với năm trước, đạt 107 tỷ đồng.
Xuất khẩu gạo tăng mạnh
Điểm chung của các ông lớn ngành gạo khiến các chỉ tiêu kinh doanh tăng trưởng mạnh là nhờ xuất khẩu gạo tăng mạnh ngay cả khi chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong năm 2021, Lộc Trời đã xuất khẩu hơn 80.000 tấn gạo tới các đối tác quốc tế ở châu Âu, vương quốc Anh, châu Phi, Úc, khu vực Trung Đông và các nước láng giềng ở châu Á. Tổng giá trị xuất khẩu gạo lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 24% doanh thu gạo của tập đoàn.
Theo Vinaseed, lãi quý IV/2021 tăng cũng nhờ mở rộng thêm được thị trường gạo và xuất khẩu gạo. Đồng thời, các công ty con đều thực hiện vượt mức kế hoạch đề ra. Ngay đầu năm 2021, doanh nghiệp này đã xuất khẩu lô hàng 60 tấn gạo thơm thượng hạng sang Anh.
Với Trung An, những nỗ lực của công ty trong duy trì sản xuất, giữ cho nguồn cung hàng được thông suốt trong suốt mùa dịch nay đã cho quả ngọt. Trung An đã liên tục trúng những gói thầu lớn như xuất khẩu gạo qua Hàn Quốc hay gói cung cấp 25.413 tấn gạo cho Quỹ Dự trữ Quốc gia.
Tính cả năm 2021, Trung An đã trúng thầu tới 48.763 tấn trên tổng số hạn ngạch 50.000 tấn (chiếm 98%) mà Hàn Quốc dành cho các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam. Mức giá trúng thầu của TAR luôn cao hơn 9-10% so với mức giá các doanh nghiệp khác chào thầu.
Triển vọng ngành gạo năm 2022
Số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong các tháng cuối năm 2021, giá gạo Việt Nam luôn duy trì ở mức cao hơn các nước khác. Điển hình như ngày 1/12, giá gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 415 USD/tấn, trong khi Thái Lan ở mức 381 USD/tấn, còn Ấn Độ và Pakistan có giá lần lượt là 348 USD/tấn và 353 USD/tấn.
Đến tháng đầu tiên của năm 2022, xuất khẩu gạo bật tăng mạnh, đạt 505.741 tấn, trị giá 246,02 triệu USD, tăng mạnh 45,4% về khối lượng, tăng 28,2% về trị giá so với cùng kỳ.
Xuất khẩu gạo trong năm 2022 được VFA dự báo tiếp tục duy trì thứ hạng tốt do ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng cải thiện về chất lượng (tỉ trọng gạo thơm, năng suất lúa tăng). Các doanh nghiệp lớn như Lộc Trời, Trung An… tiếp tục được đối tác ký kết các đơn hàng lớn, giá trị cao.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, dự kiến xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn đảm bảo trên 6 triệu tấn. Mục tiêu này đang đi đúng trọng tâm của ngành lúa là giảm sản lượng xuất khẩu và tăng giá trị nhờ vào các chủng loại gạo chất lượng cao, giá cao, giúp tăng kim ngạch xuất khẩu.
Nhưng khó khăn lớn nhất của sản xuất lúa là giá các loại vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu tăng quá mạnh trong năm 2021, đặc biệt với mặt hàng phân bón đã thiết lập mặt bằng giá mới, từ đó ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của người trồng lúa.