Ngay từ đầu tháng 2.2022, khi các thông tin về việc có thể mở lại toàn bộ các đường bay quốc tế được đề cập đến, thị trường chứng khoán đã có những phản ứng tích cực, trong đó có nhóm cổ phiếu ngành hàng không.
Theo đó, đặc biệt là những mã cổ phiếu ngành hàng không như các hãng bay (HVN của Vietnam Airlines, VJC của Vietjet Air) và Tổng công ty cụm cảng hàng không Việt Nam (ACV), đã tăng giá liên tục trong vài phiên với mức khá mạnh. Thậm chí có phiên, điểm tăng đạt mức trần.
Từ ngày 15.2, Việt Nam đã chính thức mở lại các đường bay quốc tế. Tuy nhiên theo ghi nhận tại các cụm cảng và hãng hàng không, khách quốc tế vẫn còn thưa thớt.
Theo bà Bùi Thị Kim – Trưởng phòng kinh doanh Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, một số mã chứng khoán thuộc ngành hàng không đã tăng giá với mức từ 10-15% tính đến thời điểm thông tin mở lại hoàn toàn các đường bay quốc tế được công bố. Tuy nhiên, nhịp tăng trên mang tính chất phản ánh kỳ vọng. Chính vì thế sau mức tăng trên, các mã như VJC, HVN, ACV đã có bước chững lại.
Theo ông Trần Mạnh Đạt – Giám đốc điều hành Công ty du lịch Hồng Ngọc Hà, trong dịp Tết vừa qua, các chuyến bay quốc tế cũng mới chỉ khôi phục lại được khoảng 30% so với thời kỳ bình thường trước đây.
Việc các hãng bay, các công ty cung cấp dịch vụ hạ tầng hàng không như cụm cảng có lại được doanh thu và lợi nhuận đã là một điều đáng mừng. Tuy nhiên theo bà Kim, để giá cổ phiếu nhóm ngành này tăng mạnh, cần thêm một thời gian nữa khi các chuyến bay quốc tế có lượng khách được khôi phục lại như trước đây.
Điều này cần lộ trình mở cửa du lịch và thời gian. Đặc biệt là lộ trình mở cửa cho khách du lịch quốc tế, chính là yếu tố lớn nhất kích cầu ngành hàng không, mang lượng khách lớn không chỉ cho ngành hàng không, các công ty du lịch mà cả đối với các công ty cung cấp dịch vụ, thương mại ở trong nước, có thể hồi phục lại các hoạt động đầy đủ như trước đây.
Vì vậy, cổ phiếu ngành hàng không dù được hưởng lợi từ các thông tin tích cực như mở lại toàn bộ đường bay quốc tế từ 15.2 và dự kiến mở cửa lại du lịch quốc tế từ tháng 3.2022, nhưng không thể hồi phục ngay theo hình chữ V thúc đẩy giá cổ phiếu tăng dựng đứng được.
Theo các công ty chứng khoán, việc xuống tiền đầu tư vào cổ phiếu hàng nên có tầm nhìn chí ít là trung hạn trở đi. Còn về ngắn hạn, chưa thể kỳ vọng nhiều về nhóm ngành cổ phiếu này.
Công ty chứng khoán KB Việt Nam nhận định rằng, chỉ số VN-Index vẫn đang dao động giằng co và rung lắc trong biên độ từ 1.430-1.530 điểm.
Còn trên thực tế 2-3 tuần trở lại đây, chỉ số đang bị tranh chấp giữa lực mua và lực bán trong khoảng vùng đường giá MA20-MA50 từ 1.470-1.500 điểm.
Trong diễn biến rung lắc như hiện tại, nhóm cổ phiếu hàng không khó có thể kéo dài được nhịp tăng giá cho dù thị trường chứng khoán với chỉ số VN-Index được dự báo có thể tăng trở lại đỉnh 1.530 điểm trong tháng 2 này.