Sau khoảng 2 tháng thí điểm, Mobile Money hiện mới có số lượng người dùng khoảng 580.000 thuê bao. Con số này là thấp so với trên 123 triệu thuê bao di động đang hoạt động tại Việt Nam.
Mới đây, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, dịch vụ Mobile Money có hơn 588.000 người dùng trên cả nước.
Trong đó, nhà mạng Viettel có 402.000 khách hàng sử dụng dịch vụ này sau khi bắt đầu triển khai từ tháng 12.2021. VNPT đến đầu tháng 2 năm nay có 186.200 khách hàng Mobile Money. Trong khi đó, Mobifone chưa có số liệu về người dùng, điểm chấp nhận thanh toán.
Trong bối cảnh tính đến cuối năm 2021, số lượng thuê bao di động của Việt Nam ước đạt 123,76 triệu, con số nửa triệu thuê bao sử dụng Mobile Money như trên vẫn còn rất thấp và còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong thời gian tới.
Về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền thông VNPT Media cho biết, điểm quan trọng nhất ở đây là Mobile Money có tệp khách hàng riêng. Đối tượng chính mà dịch vụ này hướng tới là những người không có tài khoản ngân hàng.
"Bản chất Mobile Money cũng là một ngăn chứa tiền, nhưng ngăn chứa tiền đó không liên kết với ngân hàng. Nó không phải trải qua các thủ tục với ngân hàng và cũng không phải ngân hàng nào cũng có khả năng và mong muốn phục vụ tất cả khách hàng. Vì thế, có những đối tượng người dùng chỉ có thể phục vụ bằng Mobile Money" - ông Nguyễn Sơn Hải nói.
Đại diện phía VNPT cũng cho biết, trong thời gian đầu thí điểm, nhà mạng này cũng có cách thức riêng trong việc triển khai: "Nhà mạng phải có rất nhiều cách thức để đánh giá khách hàng của mình và sẽ mở cho khách hàng đảm bảo về mặt định danh, nhân thân, khả năng. Ví dụ bây giờ nói VNPT có 30 triệu khách hàng mà ngày mai bảo 30 triệu thuê bao triển khai Mobile Money là không có. Phải có một lộ trình".
Trong khi đó, một chuyên gia về mảng thanh toán khi trao đổi với Lao Động cho biết, Mobile Money đang có những "thế khó" khi được triển khai ở thời điểm đã có hơn 70% người trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Các phương thức thanh toán không tiền mặt bao gồm: ví điện tử, mã QR,... cũng ngày một phổ biến hơn.
Hơn nữa, nhiều trường hợp khi đăng ký, nạp tiền vào Mobile Mobile phải đến tận điểm kinh doanh, đại lý của nhà mạng cũng là một điều khiến người dùng e ngại.
Trong khi đó, mới đây, phía Ngân hàng Nhà nước cho biết, số liệu về thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam tăng trưởng mạnh hàng năm, 90% về số lượng và 150% về giá trị, nhiều ngân hàng đạt trên 90% giá trị giao dịch thực hiện trên kênh số.
Trước đó, vào cuối năm 2021, 3 đơn vị được Ngân hàng Nhà nước cho phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money trong 2 năm bao gồm VNPT, Mobifone và Viettel.
Dịch vụ này được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ cho nhóm đối tượng người dùng không có tài khoản ngân hàng một kênh thanh toán hiện đại, nhanh chóng và thuận tiện. Đồng thời, Mobile Money cũng giảm thiểu chi phí giao dịch và rủi ro khi dùng tiền mặt; tác động tích cực lên tăng trưởng kinh tế, thông qua hoạt động thúc đẩy kinh tế số.
Xem thêm: odl.2774101-ahp-tub-eht-auhc-yenom-elibom-oas-iv/et-hnik/nv.gnodoal