Nhân viên y tế làm việc tại khoa hồi sức COVID-19 Thủ Đức - Ảnh: DUYÊN PHAN
Dù vậy, với số ca dưới 1.000 vẫn là ở mức thấp theo kịch bản ứng phó dịch của ngành y tế TP.HCM. Sở Y tế TP.HCM cho biết đã dự báo số ca mắc mới có xu hướng tăng nhẹ sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Các hoạt động kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của TP luôn được đảm bảo và tăng cường, đặc biệt đối với biến chủng Omicron.
Ngoài TP.HCM, số ca mắc mới trong những ngày sau Tết cũng tăng tại nhiều địa phương, trong đó Hà Nội đã gần đến mốc 4.000 ca mới/ngày, Thái Nguyên ngày 16-2 tăng vọt lên gần 2.500 ca, Hải Dương gần 1.600 ca, Quảng Ninh trên 1.530 ca, Hải Phòng gần 1.500 ca.
Bộ Y tế cho biết so với trung bình 7 ngày trước, số mắc mới cả nước ngày 16-2 tăng 22,9%, số ca khỏi giảm 1,7%, số ca nặng tăng 2,2%, nhưng số tử vong giảm 6,2%. So sánh tuần này với tuần trước, số mắc mới tăng hơn gấp đôi, số đang điều trị tại bệnh viện tăng 53,9%, nhưng số tử vong giảm 11,6%.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
297 bác sĩ trẻ được bổ sung cho trạm y tế xã, phường, thị trấn tại TP.HCM
Trong ngày 16-2, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức lễ đón 297 bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp tại Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y dược TP.HCM về tăng cường y tế cơ sở năm 2022 cho các trạm y tế phường, xã, thị trấn. Đây là hoạt động đầu tiên trong đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở tại TP.HCM.
Các bác sĩ mới tốt nghiệp được giới thiệu chương trình thí điểm thực hành lâm sàng dành cho bác sĩ y khoa mới tốt nghiệp để cấp chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh đa khoa.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết thêm, vì đây là một chương trình hoàn toàn mới nên sở sẽ chủ động kết nối lắng nghe những ý kiến, đề xuất của các bác sĩ trẻ trong thời gian thực hành tại các trạm y tế. Sở sẽ định kỳ đánh giá, sơ kết rút kinh nghiệm để đạt được kết quả cao nhất có thể và làm tiền đề tốt để duy trì hoạt động này hằng năm.
Bệnh viện điều trị COVID-19 ở Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Dự kiến số ca COVID-19 trẻ em sẽ tăng cao
Tại hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19, các chuyên gia chia sẻ, trong bối cảnh mở cửa trở lại, dự kiến số trẻ mắc cao. Do vậy việc đảm bảo an toàn cho trẻ để phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là những trẻ trong độ tuổi từ 5 - dưới 12 tuổi chưa tiêm vắc xin.
Trong bối cảnh trẻ trở lại trường, hội nghị đã hướng dẫn các biện pháp phòng dịch cho trẻ tại trường học như bố trí nơi rửa tay cho trẻ, vệ sinh khử khuẩn môi trường, mở cửa thông thoáng lớp học...
Khi phụ huynh phát hiện trẻ có triệu chứng tại nhà thì cho trẻ nghỉ học và báo ngay cho nhà trường và cơ quan y tế để xử trí. Trong trường hợp khi phát hiện trẻ mắc COVID-19 tại trường học cần chuyển ngay trẻ bệnh (F0) xuống phòng cách ly tạm thời của trường và thông báo ngay cho cơ sở y tế để cùng xử lý.
Đối với lớp có học sinh F0: cho học sinh ngồi yên tại chỗ, tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế. Tổ chức test kháng nguyên nhanh mẫu gộp cho toàn bộ lớp đó và khử khuẩn toàn bộ lớp học.
Đối với học sinh là F1: cho F1 ở nhà để theo dõi sức khỏe và xét nghiệm theo quy định (F1 đã tiêm đủ liều vắc xin thì ở nhà không quá 7 ngày, F1 chưa được tiêm đủ liều vắc xin ở nhà không quá 14 ngày). Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ họp để điều chỉnh hướng dẫn xử trí mới cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Rất nhiều người đã đến tham gia hiến máu trong Lễ hội Xuân hồng - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Hà Nội trên 99,5% người trên 12 tuổi đã tiêm 2 mũi vắc xin
Theo thông báo của Sở Y tế Hà Nội, tỉ lệ bao phủ vắc xin đủ 2 mũi của người trên 12 tuổi đã đạt trên 99,5%, tỉ lệ đã tiêm mũi nhắc lại (mũi 3) đạt gần 55%.
Qua theo dõi tình hình điều trị trên địa bàn thành phố cho thấy người bệnh COVID-19 phần lớn là các trường hợp nhẹ và không triệu chứng, các trường hợp tử vong chủ yếu là người cao tuổi có bệnh lý nền thuộc nhóm nguy cơ và chưa tiêm vắc xin.
Tiêm vắc xin COVID-19 cho học sinh Thanh Hóa - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội ngày 16-2 vừa ghi nhận 3.888 ca COVID-19 mới, trong đó có 808 ca cộng đồng. TP hiện có khoảng 110.000 F0 đang điều trị, cao nhất từ trước tới nay. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (294), Hoàng Mai (256), Nam Từ Liêm (223), Hoài Đức (186), Chương Mỹ (180). Đến nay, Hà Nội phát hiện 183.105 ca COVID-19.
Trong gần 110.000 F0 đang điều trị ở Hà Nội có 105.214 F0 điều trị tại nhà (chiếm 95%); hơn 800 F0 điều trị tại các cơ sở thu dung của thành phố và quận/huyện; hơn 3.500 F0 điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3); 345 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Ngày 15-2 Hà Nội ghi nhận 15 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số F0 tử vong từ 27-4-2021 đến nay lên 853 người. Hiện nay, tỉ lệ bao phủ vắc xin COVID-19 đủ 2 mũi của thành phố với người trên 12 tuổi đã đạt trên 99,5% và đã tiêm bao phủ mũi nhắc lại (mũi 3) đạt gần 55%.
- Trong 2 ngày qua, tình hình dịch trên địa bàn Hải Dương có dấu hiệu giảm dần số ca mắc. Ngày 16-2, địa phương này phát sinh thêm 1.599 ca COVID-19 mới và 2 bệnh nhân tử vong, nâng tổng số ca tử vong ở đây lên 41 ca. Đến nay, Hải Dương có tổng số ca COVID-19 là 28.453. Hiện còn 13.385 ca đang điều trị và thêm 1.061 bệnh nhân được ra, chuyển viện ngày 16-2.
- Liên tục những ngày qua, số ca COVID-19 tại Hải Phòng tăng từ 1.400 đến 1.600 ca mỗi ngày. Các cơ sở y tế và các địa phương trên địa bàn thành phố đang điều trị trên 49.000 ca COVID-19, trong đó trên 95,7% số bệnh nhân điều trị tại nhà. Hiện các bệnh viện và cả các trạm y tế lưu động tại các quận, huyện của thành phố Hải Phòng đều quá tải.
Hải Phòng hiện có 237 trạm y tế lưu động, với 5 nhân viên/trạm. Trung bình, mỗi trạm y tế lưu động phải quản lý, điều trị hơn 100 F0 tại nhà, trong khi vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch, tiêm chủng tại địa phương.
- Những ngày gần đây, số ca COVID-19 mới ở Lâm Đồng luôn ghi nhận trên 350 ca/24 giờ. Từ ngày 15 đến 16-2 đã có 355 ca COVID-19 mới. Đến 16-2, tổng số người mắc COVID-19 đã phát hiện tại Lâm Đồng là 21.620 ca. Điều trị khỏi, xuất viện 15.286 ca, tổng 82 bệnh nhân tử vong, 16 bệnh nhân về địa phương khác. Địa phương đang cách ly 12.291 người.
- Ngày 16-2, thông tin từ Đồng Nai cho biết, tỉnh chưa ghi nhận ca Omicron. Tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát, số ca tử vong và chuyển nặng được khống chế ở mức thấp. Ngày 15-2, toàn tỉnh ghi nhận 518 ca COVID-19 mới và 2 ca tử vong. Toàn tỉnh có 178 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, hơn 2.900 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà.
TTO - TP.HCM đã đánh giá cấp độ dịch theo quyết định mới của Bộ Y tế từ ngày 14-2. Dù là địa phương tiêm nhiều và có tỉ lệ tiêm vắc xin cao sớm nhất cả nước, nhưng vẫn còn 28 phường xã chưa phủ đủ vắc xin theo quy định và bị nâng cấp độ dịch.