Trung Quốc thế chân phương Tây
Chỉ ba tháng sau khi Tập đoàn khai thác Zijin thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc công bố kế hoạch mua lại tập đoàn khai thác mỏ Neo Lithium của Canada trị giá 960 triệu USD, hợp đồng đã được ký kết, rà soát và thực hiện. Ở cấp độ công ty, hợp đồng này hoàn toàn logic.
Hoạt động khai thác mỏ lớn nhất của tập đoàn Neo Lithium là ở Argentina, nơi Zijin quan tâm và đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy lithium cacbonat. Giới chức Canada cho biết, các nhà sản xuất ô tô ở Bắc Mỹ khó có thể sử dụng lithium được sản xuất từ nơi xa.
Tuy nhiên, lithium là một khoáng chất thiết yếu và tốc độ kí kết hợp đồng chóng vánh đã làm dấy lên các lời kêu gọi từ các nghị sĩ và chuyên gia an ninh Canada về việc rà soát kĩ lưỡng hơn các hợp đồng trong lĩnh vực khai thác khoáng sản với doanh nghiệp Trung Quốc.
Phản ứng trái chiều này càng nêu bật những lo ngại ngày càng tăng của phương Tây về việc Trung Quốc kiểm soát chuỗi cung ứng đối với các loại khoáng sản chiến lược và sự phân chia giữa lợi ích quốc gia và những ưu tiên của doanh nghiệp.
Mối lo ngại này đặc biệt sâu sắc ở châu Phi, lục địa trước đây có lĩnh vực khai khoáng do các công ty Châu Âu và Mỹ thống trị nhưng nay đã dần nhường chỗ cho các công ty Trung Quốc, như Huayou Cobalt, Chengtun Mining và China Molybdenum.
Ví dụ như ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi sở hữu 60% trữ lượng coban của thế giới, một thành phần thiết yếu của pin cho các loại xe điện, điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính xách tay.
Lithium được đánh giá là kim loại quý giúp nhiều người dân phương Tây đổi đời. Ảnh: NYT
Công ty Mỹ Freeport-McMoRan có nhiều dự án kinh doanh tại Congo nhưng sau đó đã bán cổ phần của mình cho tập đoàn Molybdenum Trung Quốc. Việc này bắt đầu vào năm 2016 khi China Molybdenum mua Tenke-Fungurume Mining, chủ sở hữu của mỏ coban lớn thứ hai thế giới, từ Freeport-McMoRan. Sau đó, công ty Trung Quốc vào năm 2020 đã mua lại gián tiếp quyền sở hữu 95% khoản thế chấp mỏ đồng-coban Kisanfu của Freeport-McMoRan trị giá 550 triệu USD.
Xa hơn về phía nam, tại Zimbabwe, nhà sản xuất vật liệu pin được niêm yết tại Thượng Hải, Zhejiang Huayou Cobalt vào tháng 12 vừa qua đã thông báo rằng nếu được giới chức địa phương chấp thuận, họ sẽ mua lại mỏ lithium đá cứng Arcadia thuộc sở hữu của công ty khoáng sản pin Prospect Resources có trụ sở tại Australia, với giá 422 triệu USD. Dự án này đặt mục tiêu khai thác 2,4 triệu tấn quặng lithium mỗi năm.
Huayou cũng đã vận hành hai mỏ đồng và coban ở Congo từ năm 2007 và đang đầu tư vào 4 dự án niken và coban ở Indonesia. Năm ngoái, tập đoàn khai thác lithium khổng lồ Ganfeng Lithium của Trung Quốc đã mua lại 1/2 giá trị của hãng SPV có trụ sở tại Hà Lan, công ty con Lithium du Mali sở hữu một dự án spodumene có tên Goulamina tại Mali. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang triển khai các dự án khai thác các loại kim loại quan trọng ở Namibia, Zambia và Ghana.
Các dự án này cũng gây ra những lo ngại ngay tại các nước sở tại. Giới chức Congo có kế hoạch đàm phán lại hợp đồng với các công ty Trung Quốc, cho rằng nguồn lực của họ không mang lại lợi ích cho người dân.
Được ký kết năm 2008 dưới thời cựu chủ tịch Joseph Kabila, đề xuất "đổi cơ sở hạ tầng lấy khoáng sản" trị giá 6 tỷ USD với các nhà đầu tư Trung Quốc đang được xem xét lại.
Thoả thuận này cũng dấy lên tiếng chuông cảnh bảo ở Washington, khi Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật America Competes vào ngày 4/2 vừa qua. Dự luật có mục đích tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc và giải quyết tình trạng thiếu chất bán dẫn của nước này bằng cách tăng cường chuỗi cung ứng, "loại bỏ sự phụ thuộc của Mỹ vào khoáng sản và nguyên liệu khoáng có thể gây gián đoạn nguồn cung".
Nguyên nhân từ đâu?
Mỹ, cũng như các nước phương Tây khác như Australia và Canada, muốn đảm bảo chuỗi cung ứng cho các khoáng sản cung cấp năng lượng cho các ngành quan trọng như thông tin liên lạc, hàng không vũ trụ và quốc phòng, và công nghệ sạch. Nhưng nhiều công ty phương Tây đã rời khỏi ngành này vì lý do thương mại.
“Chúng tôi tiếp tục chứng kiến các công ty Trung Quốc mua lại các doanh nghiệp phương Tây khiến chính phủ của các nước vô cùng lo lắng", nhà phân tích chính sách và khai thác mỏ độc lập Christian Geraud Neema cho biết.
Công nhân Braulio Lopez làm việc tại nhà máy sản xuất lithium Galaxy Resources ở Argentina vào ngày 28/10/2021. Nguồn; Reuters
Ông Neema cho hay, rủi ro về chính trị và uy tín khi kinh doanh ở một quốc gia có vấn nạn tham nhũng tràn lan như Congo sẽ xoá tan khoản lợi nhuận thu được tại đó. Ông này cũng cho biết thêm có nhiều cơ hội khác cho các doanh nghiệp phương Tây trong chuỗi cung ứng từ khâu chiết xuất và chế biến để gia tăng giá trị và lợi nhuận.
"Điều này sẽ giải thích tại sao họ để các tập đoàn khoáng sản Trung Quốc hoạt động tại những nước này khi biết rằng các doanh nghiệp này sẽ không chịu các hình thức giám sát chặt chẽ như doanh nghiệp phương Tây", ông Neema nói.
Ông Neema cho biết, để các công ty Trung Quốc tiếp tục hoạt động và sau đó hợp tác trên chuỗi cung ứng là lựa chọn an toàn hơn nhiều đối với nhiều công ty phương Tây. Lý giải này đóng một vai trò quan trọng trong quyết định của chính phủ Canada về việc chấp thuận quá trình tiếp quản công ty khai thác mỏ Zijin đối với Neo Lithium. Phát biểu trước quốc hội Canada vào tháng trước, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Francois-Philippe Champagne cho biết Neo Lithium không phải là một phần của chuỗi khai thác và chế biến lithium lớn hơn tại nước mình.
"Tại các quốc gia mà các công ty Trung Quốc là một phần của chiến lược quốc gia lớn, các tập đoàn phương Tây phải đối mặt với những ràng buộc và thực tế khác nhau. Đây là lý do tại sao tôi tin rằng các nhà lập pháp Mỹ đã thông qua dự luật America Competes để tạo ra một môi trường cạnh tranh cho công ty khai thác của nước mình", ông Neema bình luận.
Gregory Miller, một nhà phân tích tại Benchmark Mineral Intelligence, cho biết cách tiếp cận dựa trên thị trường của Phương Tây đối với các loại khoáng sản chiến lược đã đẩy các dự án khai khoáng ở Châu Phi vào tay các doanh nghiệp Trung Quốc. “Chủ nghĩa ngắn hạn này đã khiến các doanh nghiệp khai mỏ phương Tây tìm cách bán bớt tài sản tại Châu Phi trong thời kỳ giá hàng hóa sụt giảm sau năm 2008", ông Miller nói.
Ông Miller cũng cho biết lợi nhuận giảm dần khiến cho các chủ doanh nghiệp không mấy mặn mà triển khai các hoạt động kinh doanh tại các khu vực có yêu cầu pháp lý phức tạp trong cùng lúc nhờ các chính sách công nghiệp do nhà nước hậu thuẫn, các công ty Trung Quốc lại đang tăng cường thu mua được các mỏ mới trên toàn cầu.
Nhà phân tích Benchmark Mineral Intelligence cho biết các nước phương Tây ngày càng nhận thức rõ những rủi ro do chuỗi cung ứng do Trung Quốc kiểm soát, đặc biệt là trong bối cảnh thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, hiện tại, các nước này vẫn chưa tiến hành một động thái nào đáng kể nhằm cải thiện tình hình.
Argentina có trữ lượng lithium lớn thứ 2 và hiện là nhà sản xuất lithium lớn thứ 3 thế giới. Nguồn: Reuters
Bà Jacqueline Musiitwa, một luật sư quốc tế và cố vấn môi trường, xã hội và quản trị có kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác, cho biết một số công ty đầu tư khai thác của Trung Quốc đã tăng thêm lợi thể là nhờ khả năng đàm phán các thỏa thuận nợ với chi phí phải chăng và đề xuất "đổi cơ sở hạ tầng lấy khoáng sản".
Bà Musiitwa cho biết các nước châu Phi như Congo nhận thấy mô hình này hấp dẫn vì việc xây dựng đường xá, bệnh viện và các cơ sở hạ tầng cần thiết khác ngay lập tức để đổi lấy cổ phần tại các mỏ. Điều đó cho thấy các chiến thuật đầu tư của Trung Quốc vào lục địa đen đang thay đổi. “Các khoản đầu tư không minh bạch đã dẫn đến những lo ngại về tình trạng nợ công quá lớn khiến mô hình này đang chịu nhiều sự giám sát hơn".
Nữ luật sư nói thêm, trong khi sự tập trung đổ dồn vào nhu cầu về vật liệu quan trọng cho lĩnh vực sản xuất ô tô điện, nước Mỹ cần các loại khoáng sản này vì nhiều lý do, trong đó có yếu tố liên quan đến an ninh quốc gia.
Ông Chris Berry, Chủ tịch của công ty tư vấn hàng hóa House Mountain Partners ở New York, cho biết các tập đoàn sản xuất ô tô Mỹ hiện đang tập trung vào việc đảm bảo các nguyên liệu thô quan trọng như lithium và coban gần với thị trường nội địa hơn.
Ví dụ, hãng Tesla đang tìm cách đảm bảo nguồn cung niken từ một dự án ở bang Minnesota. General Motors đang hy vọng sở hữu nguồn cung lithium từ một dự án địa nhiệt ở bang California. Động thái tương tự cũng đang diễn ra đối với các doanh nghiệp sản xuất ô tô Châu Âu và EU.
https://soha.vn/nhieu-kim-loai-quy-lot-vao-tay-trung-quoc-do-phuong-tay-tu-nhuong-roi-lai-tiec-ngan-ngo-20220214213257534.htm