Đại diện Bộ Tài chính cho biết, nguồn lực chủ yếu cho chương trình phục hồi kinh tế sẽ đến từ tăng bội chi ngân sách nhà nước và nguồn tăng thu tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021.
Cuối tháng 1 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Một số nội dung chính của Nghị quyết là đảm bảo an sinh xã hội thông qua gói hỗ trợ nhà ở cho công nhân, cũng như thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay an sinh xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế phục hồi, phát triển sản xuất; đẩy mạnh đầu tư công,...
Ngày 17.2, trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Tân – Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước - Bộ Tài chính cho rằng, chương trình này đòi hỏi rất lớn cả về quy mô và thời gian để thực hiện.
Giá trị của các gói chính sách tài khóa khoảng 291.000 tỉ đồng, bao gồm: Thứ nhất là 240.000 tỉ đồng là chi trực tiếp từ ngân sách (bao gồm 64.000 tỉ đồng miễn, giảm thuế và khoảng 176.000 tỉ đồng là đầu tư công); thứ hai là bố trí khoảng 6.600 tỉ đồng từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để hỗ trợ cho công nhân thuê nhà ở; thứ ba là tiếp tục thực hiện việc giãn, hoãn thuế để ưu đãi cho doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khoảng 135.000 tỉ đồng; thứ tư là tăng bảo lãnh trái phiếu chính phủ cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay các đối tượng chính sách khoảng 38.400 tỉ đồng.
Về nguồn lực để triển khai Chương trình, ông Nguyễn Minh Tân cho biết: “Chúng ta hình dung tổng thể gói hỗ trợ sẽ đến từ nguồn tăng bội chi ngân sách nhà nước và nguồn tăng thu tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021, còn nguồn thứ ba thực chất là giao thoa giữa chính sách tín dụng và chính sách tài khóa, tức là tăng bảo lãnh cho ngân hàng chính sách xã hội và ngân sách nhà nước sẽ cấp bù lãi suất cũng như chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện”.
Tính đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; cho phép doanh nghiệp trích trừ vào chi phí chịu thuế thu nhập đối với khoản đóng góp tài trợ cho phòng, chống COVID-19.
Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và các đơn vị có liên quan để thực hiện hướng dẫn vấn đề thực hiện chính sách tín dụng cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính phục vụ học tập trực tuyến.
Hay như vấn đề cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội, Bộ Tài chính cũng đang khẩn trương tính toán nhu cầu, nguồn lực để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc tăng bảo lãnh chính phủ cho Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành trái phiếu trong nước để thực hiện cho vay các đối tượng chính sách…
Ông Nguyễn Minh Tân cũng cho biết thêm, Bộ Tài chính đang tiến hành phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cũng như rà soát các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước để có nguồn lực đảm bảo tối đa nhu cầu thực hiện của Chương trình, cũng như phù hợp tiến độ thực hiện của Chương trình.
Xem thêm: odl.0905101-2202-man-gnort-et-hnik-ioh-cuhp-hnirt-gnouhc-ohc-uad-o-neit-nougn/et-hnik/nv.gnodoal