Nghị định 15/2022 quy định các cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT. Tuy nhiên, nhiều cơ sở kinh doanh cho biết đang gặp nhiều vướng mắc cần tháo gỡ kịp thời.
Ngày 11-1, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội (QH) Khóa XV đã biểu quyết giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2022. Đây là điều nhiều doanh nghiệp (DN) trông đợi và vui mừng đón nhận.
Đến ngày 28-1, Nghị định 15/2022 được Chính phủ ban hành, chính thức đưa nghị quyết của QH, trong đó có nội dung giảm 2% thuế VAT đi vào cuộc sống. Một thành viên ban soạn thảo Nghị định 15 cho hay: Trong những ngày trước tết, thực sự “anh em đã làm ngày làm đêm” để Bộ Tài chính kịp trình Chính phủ ban hành nghị định này.
Cái hay của nghị định này là dùng phương pháp “chọn bỏ” theo nghị quyết của QH. Tức là các phụ lục của nghị định chỉ nêu những hàng hóa, dịch vụ không được miễn 2% VAT. Điều ấy được nhiều chuyên gia đánh giá là tiến bộ. DN, người dân chỉ cần soi xem hàng hóa, dịch vụ mình kinh doanh nếu không thuộc danh mục ấy thì tự động kê khai để được miễn 2% VAT.
Tuy vậy, mấy ngày gần đây, nhiều DN than phiền về việc khó hiểu và lúng túng khi triển khai chính sách này, thậm chí ngay cả các cơ quan thuế địa phương khi hướng dẫn cũng chưa rõ ràng khiến nhà kinh doanh càng rối hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng cần phải có thông tư hướng dẫn nghị định trên. Vì thật ra DN và người dân không chỉ bối rối mà còn có chút lo lắng do đã có tiền lệ về những chính sách không nhất quán và “truy thu thuế” trở thành nỗi ám ảnh.
Vậy điều cần thiết hiện nay là các cơ quan thi hành pháp luật như thuế, hải quan… cần hiểu nhất quán Nghị quyết 43 và Nghị định 15 dù danh mục hàng hóa, dịch vụ hiện nay chưa hẳn đã hoàn hảo. Đặc biệt cần khẳng định lại cho người dân và DN rằng những gì đã ghi trong Nghị định 15 là không hồi tố dù sau này danh mục hàng hóa, dịch vụ có thể được thiết kế, định nghĩa lại ra sao đi nữa.
Các cục thuế, hải quan cũng cần nắm chắc và hiểu đúng tinh thần “chọn bỏ” của QH và Chính phủ để thực thi nghiêm, minh bạch cũng như hướng dẫn cụ thể để người dân lẫn DN không quá lo lắng, bối rối.
Song song đó, DN và người dân cũng cần nắm kỹ Nghị định 15 để hiểu được tinh thần “chọn bỏ” mà cơ quan có thẩm quyền đã dùng để thiết kế chính sách này. Điều này giúp DN, người dân chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Chỉ như vậy thì tác động của Nghị định 15 trị giá hơn 50.000 tỉ đồng mới đi vào cuộc sống thật sự.