Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến sức khỏe nhiều người tiếp tục bị ảnh hưởng, trong đó đặc biệt là người lớn tuổi, trẻ em, người lao động ngoài trời.
Có nơi trên 40 độ C
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 2-4 thời tiết các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt. Nhiệt độ cao nhất từ 37-40oC, thậm chí có nơi trên 40oC.
Nam Bộ và các nơi còn lại ở Bắc Bộ nắng nóng đến nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ cao nhất 35-37oC, có nơi trên 37oC.
Ghi nhận tại TP.HCM, nhiều người dân tránh nắng nóng bằng cách tìm đến các quán cà phê, siêu thị, trung tâm thương mại có máy lạnh để nghỉ trưa, làm việc.
Nhiều phòng trọ thấp, sát nhau không có điều hòa khiến sinh viên, người dân tìm đủ cách tránh nóng, hạn chế ở trong phòng vào buổi trưa. Đối với những người buộc phải ra đường, họ đều trang bị quần áo chống nắng, bịt kín khẩu trang, đeo kính tránh nắng.
Tại Đồng Nai, nhiệt độ có xu hướng giảm sau hơn một tuần nắng nóng gay gắt. Ông Nguyễn Phước Huy, giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Nai, cho hay dù nhiệt độ có giảm nhưng thời tiết vẫn còn khá oi bức, sức khỏe người già và trẻ nhỏ tiếp tục bị ảnh hưởng.
Ngày 2-4, thời tiết oi bức ngay từ sáng sớm và kéo dài đến tận chiều muộn. Đặc biệt vào giữa trưa, trời nắng to khiến sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nặng. Các quầy hàng ngoài trời gần như mất hút, cửa tiệm buôn bán nhỏ lẻ cũng tạm ngừng hoạt động, chờ trời mát mẻ mới mở cửa đón khách…
"Mấy nay trời nóng quá mức nên gần như buổi trưa gia đình tôi chỉ ở nhà trốn nắng. Trừ trường hợp cấp bách, còn lại đều chờ chiều tối trời mát mẻ hơn mới ra ngoài", bà Nguyễn Thị Liên, ngụ TP Biên Hòa, nói.
Trong khi đó, do nắng nóng kéo dài hơn tháng qua, người dân buộc phải tăng cường tưới tiêu cho cây trồng, vật nuôi. Hạn hán còn khiến các khu vực hạ lưu sông Đồng Nai bị hạn mặn xâm lấn.
Phát bệnh vì nắng nóng
Có tiền sử hẹp van hai lá, những ngày gần đây ông H. (65 tuổi, Hà Nội) nhận thấy cơ thể mệt hơn. Nghĩ rằng do thời tiết thay đổi, nắng nóng gây khó chịu, ông H. chỉ nghỉ ngơi tại nhà. Sau ba ngày nghỉ ngơi ở nhà không đỡ, lúc này ông mới tới bệnh viện thăm khám. Tại bệnh viện, tình trạng bệnh lý tim mạch đã tiến triển nặng hơn.
Theo bác sĩ Trần Quốc Quý - khoa hồi sức tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thời tiết nắng nóng có thể gây gánh nặng đặc biệt cho sức khỏe tim mạch.
"Nhiệt độ tăng cao sẽ tạo áp lực lên hệ tim mạch bởi tình trạng mất nước qua mồ hôi cũng như nhiệt độ cao khiến cho nhịp tim tăng đáng kể, tim phải làm việc nhiều hơn. Điều này có thể làm tăng nguy cơ gây nên các cơn đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim (nhịp tim không đều) và thậm chí là suy tim", bác sĩ Quý cho hay.
PGS Nguyễn Huy Thắng - chủ tịch Hội đột quỵ TP.HCM - cho biết trong một số tình huống thời tiết có thể ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ, đó là khi thời tiết quá lạnh, quá nóng, đặc biệt khi kèm với khí hậu ẩm ướt.
Khi thời tiết quá nóng ẩm, cơ thể mất nước khá nhiều, sẽ dễ tạo ra huyết khối trong mạch máu. Nguy cơ càng cao khi chúng ta tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài, hoặc khi nhiệt độ cơ thể vượt quá 40oC.
Trong phần lớn các trường hợp, có thể hiểu thời tiết nóng hay lạnh là yếu tố thúc đẩy (không phải nguyên nhân trực tiếp) gây ra đột quỵ. Ngoại trừ trường hợp khi nhiệt độ cơ thể bị đẩy lên cao trên 40oC, có thể gây ra đột quỵ do tăng thân nhiệt.
Ngừa đột quỵ ra sao?
Bác sĩ Thắng khuyến cáo để phòng tránh nguy cơ đột quỵ trong mùa nắng nóng, người dân cần tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài. Không nên hoạt động thể lực quá mức vào những lúc nắng nóng và uống nước lạnh nhiều, tránh để cơ thể trong tình trạng thiếu nước.
Ngoài ra, cần kiểm soát chặt các bệnh nền, đặc biệt là cao huyết áp vì huyết áp có thể bị đẩy lên rất cao trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Đối với người lớn tuổi, béo phì và có nhiều bệnh nền kèm theo được xem là những đối tượng có nguy cơ cao. Lưu ý khi sử dụng quạt, máy lạnh là những biện pháp làm giảm nhiệt độ một cách hữu hiệu.
Theo bác sĩ Quý, khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao, những người đang có vấn đề về tim mạch cần hết sức cẩn trọng. Bởi vậy, người bệnh cần theo dõi dự báo thời tiết để biết được những thời điểm đặc biệt nắng nóng, nên ở trong nhà vào những ngày đó. Nếu bắt buộc phải đi ra ngoài, buổi tối và sáng sớm thường là thời điểm mát mẻ nhất trong ngày.
Với những người bị suy tim, nên hỏi bác sĩ điều trị rằng cần uống bao nhiêu chất lỏng hằng ngày, vì chất lỏng có thể tích tụ và gây phù nề. Ngoài ra, người bệnh đang dùng thuốc lợi tiểu cũng cần hỏi chuyên gia y tế tư vấn về lượng nước cần uống.
"Người mắc bệnh tim mạch khi gặp các triệu chứng trở nên nặng hơn như khó thở, đau tức ngực, hồi hộp trống ngực, thậm chí ngất… nên đến cơ sở y tế để được phát hiện nhanh chóng và xử trí kịp thời các nguy cơ, tai biến có thể xảy ra, tránh để lại hậu quả nặng nề sau này", bác sĩ Quý khuyến cáo.
Những người dễ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết nắng nóng không chỉ gây khó chịu mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Các vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng bao gồm: say nắng, say nóng hay đột quỵ.
Nguyên nhân chủ yếu là do tiếp xúc nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, không nghỉ ngơi và bổ sung nước, hoặc là do thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Những người dễ bị ảnh hưởng nắng nóng gồm: người già, trẻ em, phụ nữ là những người có khả năng chịu đựng kém; người lao động ngoài trời: công nhân, nông dân, vận động viên thể thao, bộ đội huấn luyện ngoài thao trường, nhân viên giao hàng…; người lao động nông nghiệp, công nhân làm việc ở các lò gạch, lò luyện gang thép…; người mắc các bệnh mạn tính: tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường, gan, ung thư…
"Chảo lửa" nhiều nơi
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 1-4 tại một số trạm đo miền Trung ghi nhận nhiệt độ trên 40oC, như Vinh (Nghệ An) 40,2oC, Hà Tĩnh 40,5oC, Ba Đồn (Quảng Bình) 40,2oC, Đông Hà (Quảng Trị) 40,2oC…
Nắng nóng kèm hiệu ứng gió phơn tây nam nên hai ngày qua, từ 12h-14h chiều, các tuyến phố ở TP Vinh và Hà Tĩnh hầu như vắng bóng người đi lại.
Giữa thời tiết nắng nóng hầm hập như "chảo lửa", nhiều người lao động các tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn nỗ lực mưu sinh.
Giữa thời tiết nắng nóng hầm hập như 'chảo lửa', nhiều người lao động các tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn nỗ lực mưu sinh.