Chỉ số USD ít biến động trong phiên vừa qua do các nhà đầu tư đang cân nhắc hai vấn đề lớn: (1) ý nghĩa lời nhận xét của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng chiến tranh dường như sắp xảy ra sau khi xảy ra pháo kích vào chiến tuyến Ukraine, và (2) đánh giá lại xác suất của khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 3 tới.
Tổng thống Biden cho cho rằng đã có "mọi dấu hiệu" cho thấy Nga đang có kế hoạch tiến vào Ukraine. Những lo lắng về cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã giữ cho đồng USD cùng với các tiền tệ trú ẩn an toàn khác vững ở mức cao.
Đồng thời, các nhà đầu tư cũng đang cố gắng nghiên cứu biên bản cuộc họp tháng 1 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), công bố vào chiều thứ Tư (16/2). Biên bản cho thấy các nhà hoạch định chính sách đều nhất trí rằng đã đến lúc cần thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng các quyết định cũng sẽ phụ thuộc vào việc phân tích dữ liệu qua từng cuộc họp.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 16/12 vững ở mức 95,833, trước đó có lúc chỉ số này đạt 96, nhưng cũng có lúc giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một tuần.
Đồng rúp Nga giảm 1,22% so với đồng bạc xanh, xuống 76,20 RUB.
Adam Button, người phụ trách mảng phân tích tiền tệ trưởng của ForexLive ở Toronto, cho biết: "Thị trường rõ ràng đang bị tác động bởi yếu tố Ukraine và chúng tôi đã thấy một số biến động sau những thông tin về các cuộc pháo kích ở Ukraine". Tuy nhiên, theo ông, ảnh hưởng trên thị trường có vẻ đang suy yếu. "Những lời nói cứng rắn và những cảnh báo đang giảm dần tác động, và thị trường hiện đang chờ xem hành động hoặc diễn biến tiếp theo", ông Button nói, và cho biết các nhà đầu tư vẫn đang xem xét biên bản cuộc họp của Fed và chưa vội đưa ra quyết định gì.
"Không có câu chữ nào trong biên bản viết rằng sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong tháng 3. Vì vậy, thị trường đang suy nghĩ lại về khả năng Fed sẽ tăng 50 điểm cơ bản", ông Button cho biết, và thêm rằng: "Điều đó tác động tiêu cực đối với đồng USD…. Có thể là Fed muốn hành động tự từ một cách có chủ ý".
Các nhà phân tích và các nhà đầu tư tiền tệ đang đặt cược với tỷ lệ 72% rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng tới, giảm nhẹ so với tỷ lệ 80% hồi đầu tuần này.
USD phiên vừa qua giảm 0,4% so với yên Nhật, xuống 114,98 EUR, trong khi cũng giảm 0,2% so với franc Thụy Sĩ. Trong khi đó, euro giảm 0,1% so với USD, xuống 1,1358 EUR.
Bảng Anh tăng lên mức cao nhất gần 2 tuần so với USD bởi kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ tiếp tục tăng lãi suất và điều đó hỗ trợ đồng bảng Anh. So với USD, bảng Anh tăng 0,35% lên 83,43 pence vào cuối ngày, sau khi có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 3 tháng 2. So với đồng bạc xanh, bảng Anh tăng 0,25% lên 1,3616 USD mặc dù thị trường có nhiều xáo trộn.
Euro giảm xuống thấp nhất 2 tuần so với bảng Anh.
Đô la Canada giảm so với USD do giá dầu – một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Canada – giảm và căng thẳng gia tăng ở Ukraina thúc đẩy nhu cầu tìm đến đồng bạc xanh. CAD đã giảm 0,1% xuống 1,2696 CAD/USD, tương đương 78,76 US cent.
Tại Châu Á, đồng nhân dân tệ Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong vòng ba tuần do tỷ giá tham chiếu gia tăng và nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng về việc Fed sẽ tăng lãi suất mạnh mẽ.
Các nhà giao dịch cho biết Fed có thể sẽ bớt ‘diều hâu’, và điều đó đồng nghĩa với việc đồng nhân dân tệ có thêm cơ hội để thử thách mức cao nhất trong vòng 1 tháng so với đồng bạc xanh nhờ nhu cầu mạnh từ phía các doanh nghiệp.
Nhân dân tệ kết ngày 17/2 có lúc đạt 6,3289 CNY, cao nhất kể từ 36/1, kết thúc phiên vẫn tăng nhẹ so với phiên trước, ở mức 6,3365 CNY.
Đối với các tiền tệ châu Á khác, baht Thái Lan và peso Philippines tăng mạnh nhất trong nhóm tiền tệ này, với bath đạt mức cao nhất gần 5 tháng do giá vàng tăng, trong khhi peso tăng trước cuộc họp của ngân hàng trung ương nước này.
Baht Thái phiên này tăng 0,4%, là phiên tăng thứ 3 liên tiếp. Baht đã trở thành đồng tiền hoạt động tốt nhất trong năm nay, đảo chiều ngoạn mục sau khi giảm thê thảm trong năm 2021.
Peso Philippines cũng tăng hơn 0,2% trong phiên này, là phiên tăng mạnh nhất trong hơn 1 tuần trong bối cảnh dự báo ngân hàng trung ương sẽ giữ lãi suất thấp kỷ lục.
Đồng ringgit của Malaysia, đô la Đài Loan và đồng won của Hàn Quốc KRW đều tăng nhẹ 0,1% đến 0,3%.
Cập nhật tỷ giá tiền tệ quốc tế.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin giảm giá mạnh, khoảng 5%, xuống khoảng 41.750 USD vào cuối ngày 17/2 do tổ chức FBI của Mỹ thành lập một nhóm công tác mới để điều tra về tội phạm liên quan đến tiền điện tử.
Do liên tiếp bị "đàn áp" mạnh mẽ, các nhà đầu tư tiền điện tử bắt đầu cân nhắc lại danh mục đầu tư của mình. Khảo sát của Natixis Investment Managers cho thấy khoảng 2/3 CEO của các quỹ đầu tư khi được hỏi đều bày tỏ rằng họ không nghĩ các nhà đầu tư cá nhân nên bỏ vốn vào bitcoin và tiền ảo bởi khó đảm bảo tính minh bạch và thích nghi được với các thay đổi về quy định, thể chế của chính phủ các quốc gia.
Giá bitcoin trong ngày 17/2.
Giá vàng tăng mạnh trong những giờ qua, bước sang ngày 18/2 đạt 1.899,42 USD/ounce do căng thẳng Ukraine - Nga gia tăng sau khi một bản tin của Nga về vụ nổ súng cối ở miền đông Ukraina đã khiến các nhà đầu tư ồ ạt chuyển hướng tới tài sản trú ẩn an toàn.
"Các sự kiện ở biên giới Ukraine không chỉ khiến các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn, mà vàng còn được xem như biện pháp bảo vệ nhà đầu tư chống lại lạm phát tăng cao, giữa bối cảnh giá dầu và khí đốt sẽ còn cao hơn nữa nếu Nga tấn công Ukraina", Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, cho biết.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
http://tintuc.vdong.vn/02/1234283.htmXem thêm: nhc.22121501081202202-aniarku-o-oahp-on-od-cod-oal-nioctib-gnagn-id-dsu-gnas-cur-gnav-aig/nv.fefac