Một Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TPHCM nhiều lần được đại biểu Quốc hội kiến nghị. TPHCM cũng đã đề xuất trung ương thành lập ban chỉ đạo trung ương để giúp thành phố triển khai đề án. Trong đó, thành phố xác định rõ mục tiêu trở thành "hub" (nơi hội tụ) để thu hút các đầu mối, dòng vốn doanh nghiệp, tư nhân, toàn cầu.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết, từ năm 2016, các nhà đầu tư Mỹ đã đề xuất mô hình này. Nếu chậm triển khai, Việt Nam sẽ mất cơ hội tuyệt vời để đẩy nhanh thành nước phát triển năm 2045. “Đơn hàng” nghiên cứu đề án này được một đơn vị tư vấn của Mỹ đặc biệt quan tâm. Nếu được thông qua, theo những gì mà phía nhà đầu tư Mỹ đã cam kết bước đầu, trước mắt họ sẽ đồng ý rót vốn khoảng 10 tỉ USD vào Việt Nam, trong đó 4 tỉ USD ở Đà Nẵng và 6 tỉ USD ở TPHCM để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế", ông Hạnh Nguyễn tiết lộ.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, một Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TPHCM là giải pháp đột phá nhưng để thực hiện không dễ (ảnh minh hoạ) |
Theo tiết lộ của vị doanh nhân này, đã có hơn 68 văn bản cam kết của các nhà đầu tư Mỹ, thư trao đổi với Quốc hội Mỹ và lãnh đạo 2 nước quanh đề xuất này. Phía Mỹ đã xác định đưa 6 trung tâm nổi tiếng thế giới là Disneyland, Marvel, Universal, Sea World, Knotts và SixFlags tới Việt Nam. Các nhà đầu tư Mỹ đã gửi thông tin đề nghị đưa Disney vào TPHCM với ước tính có thể thu hút 25 triệu khách du lịch mỗi năm. Nếu đưa Universal vào Hà Nội cũng sẽ có nguồn khách tương tự. Còn đưa Sea World vào Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) thì cũng có được 20 triệu khách/năm. Như vậy, nếu có 3 trung tâm vào hoạt động thì chúng ta đã có đến 70 triệu khách du lịch.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn dẫn chứng, khi Hồng Kông đưa Disneyland vào đã thu về 1,4 tỉ USD trong 10 năm. TPHCM có tiềm năng lớn nếu quy hoạch để có được một khu giải trí như Disneyland. Phía Mỹ đã gửi email cho ông và ông đã chuyển cho TPHCM để nghiên cứu. Đây là tin vui vì Mỹ không chỉ hỗ trợ về nguồn tài chính và để tận dụng được điều này cần phải chạy đua với thế giới. “Trước sự dịch chuyển của các định chế tài chính trong khu vực, các nước Đông Nam Á cũng đang quyết liệt chạy đua mời gọi, để Việt Nam có thể chớp lấy cơ hội lớn thì chính sách cần có sự đột phá và có nhiều điểm vượt trội hơn so với khung pháp lý hiện hành. Nếu làm đề án có tính an toàn thì Việt Nam sẽ nguy cơ “tụt hậu”, khó cạnh tranh quốc tế. Vì vậy, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành trung ương, Chính phủ và Quốc hội", ông Johnathan Hạnh Nguyễn bày tỏ.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đánh giá, điều lo lắng nhất để xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TPHCM là sẽ phải có cơ chế chính sách để thu hút được các "đại bàng", làm cho những "đại bàng" đó tin tưởng đầu tư vào TP thay vì các thị trường khác. Để làm được, chúng ta phải có cơ chế đột phá, ưu đãi mạnh mẽ để thu hút họ. Điểm thứ hai là sự lan tỏa tiếng nói của các chuyên gia hướng đến sự đồng thuận nhiều hơn, đặc biệt là sự ưu đãi và các hoạt động dịch vụ đi kém theo hoạt động tài chính…
Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, hiện có người cho rằng, trung tâm tài chính quốc tế chỉ là nơi có trụ sở, tòa nhà của khối ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm… Cũng có người nghĩ đó là một trung tâm về đầu tư, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn vào đó. Liệu có phải là trung tâm giải trí gắn với casino, du lịch…? Hay trung tâm tài chính quốc tế là tổ hợp của tất cả những thứ trên? Có lẽ phải làm rõ hơn về hình dung về trung tâm tài chính. Số đông hiện vẫn tư duy theo cách truyền thống trong khi thế giới tài chính đang thay đổi ghê gớm. Giao dịch số, điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa… là xu hướng của 5-10 năm tới, thậm chí là lâu dài. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nên định vị mình như thế nào trong thế giới tài chính tiền tệ thay đổi?
Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, Đề án phải gắn với quy hoạch của thành phố, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; có được sự đồng thuận chính trị; tăng khả năng chuyển đổi đồng tiền của thị trường; nâng hạng thị trường chứng khoán… Cần lưu ý, quan tâm đến tính hấp dẫn của trung tâm tài chính quốc tế cũng như khả năng quản lý giao dịch xuyên biên giới, giao dịch số, dữ liệu (trong nước và xuyên biên giới)…
PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là cần thiết nhưng nhìn ở góc độ xin cơ chế đặc thù cho riêng thành phố là rất khó. Các Đại biểu Quốc hội cũng chưa nắm rõ nên cần nhấn mạnh ở đây là trung tâm tài chính quốc tế tầm quốc gia. Đây là đề án tốt nhưng nhìn xa hơn thì ít người hiểu được xu thế phát triển của quốc tế. Đòi hỏi phải có một Trung tâm có năng lực cạnh tranh, vượt trội, khác biệt mà vài chục năm nữa vẫn hiệu quả chứ không “lỗi thời”.
Một nội dung khác nhận được sự đồng tình của các chuyên gia kinh tế, đó là TPHCM là nơi "đứt gãy" nặng nề nhất sau đại dịch nên cần tập trung các nguồn lực cho Thành phố phục hồi.
Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, TPHCM không chỉ đặt vấn đề phục hồi nguyên trạng mà còn tận dụng thời cơ để tái cơ cấu, đột phá cao hơn. Những điểm nghẽn về cơ chế cần được tháo bỏ để kinh tế TPHCM có thể hấp thụ được vốn. Cần để thành phố sử dụng công cụ đầu tư công để kích thích tổng cầu, xử lý bất cập hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị. Nên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ có dòng vốn, phát huy vai trò hạt nhân của TPHCM, tiến hành nhanh đường vành đai 3, 4 để phát triển vùng đô thị…
Thanh Hoa