Uống quá nhiều nước ngọt có thể gây các hiểm họa khôn lường về sức khỏe - Ảnh (minh họa): STERN.DE
Sáng 18-2, bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ (khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng thành phố, TP.HCM) cho biết vừa điều trị ổn định cho một bé gái 13 tuổi bị đái tháo đường và biến chứng đái tháo đường vì có thói quen uống rất nhiều nước ngọt.
Theo lời kể gia đình, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, em gái này có dịp cùng gia đình được về Cà Mau thăm họ hàng. Trong những cuộc vui xuân, em uống 3-4 chai nước ngọt 1,5 lít/ngày.
Dù người lớn dặn dò, răn đe nhưng không thể kiểm soát việc bé uống nước ngọt. Cho đến sau Tết, em bắt đầu bị các biến chứng đái tháo đường khi hay than mệt, khát nước, tiểu nhiều và sụt 10kg trong 3 ngày.
Tuy vậy, mỗi khi mệt, em vẫn uống nước ngọt. Điểm đỉnh trong ngày trở nặng, em uống gần hết cả một thùng trà xanh. Sau đó còn uống thêm 5 bịch cà phê gói và 2 trái dừa tươi nhưng cơ thể càng mệt.
Vài ngày sau, em nằm vật vã rồi rơi vào trạng thái lơ mơ. Người nhà đưa em vào bệnh viện địa phương cấp cứu, kết quả xét nghiệm đã ra toan ceton trong máu nhiều do bệnh đái tháo đường.
Cùng với đó, thời điểm này đường huyết của em hơn 1.500mg/dl - đây là con số "khủng hoảng", sẵn sàng gây biến chứng hôn mê và nhiễm trùng khó lường. Em được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố lúc nửa đêm trong tình trạng lơ mơ, sốc mất nước nặng, da khô héo và tái nhợt.
Sau hai ngày hôn mê, nằm nhịn ăn và được bác sĩ cấp cứu cân chỉnh đường huyết tích cực bằng nhiều loại dịch truyền, thuốc insulin tiêm đặc trị đái tháo đường; bệnh nhi giảm gần 15kg và đã tỉnh dậy, ân hận với thói quen uống nước ngọt gây hại sức khỏe của mình.
Bác sĩ Vũ cho biết thêm các bác sĩ sẽ hướng dẫn chế độ ăn khoa học mới cho em gái này với khẩu phần ăn nhạt, đơn giản hơn để kiểm soát bệnh đái tháo đường.
Theo các nghiên cứu trên thế giới, nếu một người uống 2 lon nước ngọt/ngày thường xuyên mỗi ngày và đều đặn sẽ tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên 30%.
Riêng đối với trẻ nhỏ, uống nhiều nước ngọt làm giảm khả năng hấp thụ canxi, ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao. Bên cạnh đó việc uống nước ngọt khiến cho người trẻ mắc các chứng bệnh tim mạch, đái tháo đường sớm hơn so với người trẻ có lối sống lành mạnh.
TS. Juliawati Untoro, chuyên gia dinh dưỡng của tổ chức WHO nhấn mạnh, đồ uống có đường là loại thực phẩm cung cấp năng lượng nhanh nhưng rất nghèo dinh dưỡng.
Xem thêm: mth.37830109081202202-gk51-tus-gnoud-oaht-iad-ib-iout-31-iag-eb-togn-coun-ueihn-auq-gnou/nv.ertiout