vĐồng tin tức tài chính 365

Ứng biến linh hoạt, nắm bắt cơ hội

2024-02-08 17:57

Mỗi doanh nghiệp cần tăng cường “sức đề kháng tự thân”

Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gemadept (mã chứng khoán GMD)

Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gemadept (mã chứng khoán GMD)

Năm 2023, thế giới trải qua một năm đầy bất định với các cuộc xung đột gia tăng căng thẳng gây bất ổn địa chính trị toàn cầu. Các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, EU phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Hành trình năm 2024 bắt đầu với không ít ẩn số chờ đợi ở phía trước. Dự báo của các tổ chức uy tín đều nhận định, năm 2024 tiếp tục khó khăn, kinh tế chưa phục hồi và còn nhiều rủi ro.

Sự hồi phục của hoạt động xuất nhập khẩu có thể sẽ duy trì ở nhịp độ chậm do tác động của nhiều yếu tố: áp lực lạm phát, suy giảm tiêu dùng toàn cầu, xung đột địa chính trị, thảm họa, thiên tai…

Tuy nhiên, cần xác định rằng, khó khăn lúc nào cũng có, nhưng điều quan trọng là mỗi doanh nghiệp cần tăng cường “sức đề kháng tự thân”, chủ động chuẩn bị, ứng biến linh hoạt, không ngừng nỗ lực, sẵn sàng đổi mới, dũng cảm tiến bước và nắm bắt các cơ hội. Khi đó, khó khăn sẽ chỉ là thử thách.

Các doanh nghiệp ngành cảng biển, logistics và xuất nhập khẩu cần vững vàng là động lực của nhau, cộng sinh cộng hưởng, cùng đóng góp tích cực đưa nền kinh tế đất nước vươn lên mạnh mẽ hơn.

Quản trị, phát triển trong môi trường biến động

Ông Hồ Sĩ Thuận, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Tiếp vận Phương Đông Việt (PVT Logistics, mã chứng khoán PDV)
Ông Hồ Sĩ Thuận, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Tiếp vận Phương Đông Việt (PVT Logistics, mã chứng khoán PDV)

Năm 2024 sẽ tiếp tục là năm có nhiều thách thức, biến động, khó đoán định do căng thẳng địa chính trị trên thế giới gia tăng. Bên cạnh đó, hạn hán dẫn đến kênh đào Panama hiện chỉ có thể tiếp nhận lượng tàu đi qua ở mức 60 - 70% giai đoạn bình thường. Đó là những yếu tố chính ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu vốn đang được dự báo ở mức thấp khoảng 2,3%.

Đối với các công ty vận tải biển, bối cảnh hiện nay là cơ hội khi các tàu phải hành trình với tuyến đường xa hơn 8 - 14 ngày để không đi qua Biển Đỏ hoặc không thể qua kênh đào Panama sẽ làm lượng cung tàu giảm đi. Ở chiều ngược lại, chi phí vận chuyển tăng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu dẫn đến giảm nhu cầu vận chuyển hàng hóa.

PVT Logistics xác định, quản trị và phát triển trong bối cảnh biến động cần có các giải pháp ứng phó phù hợp như đảm bảo dòng tiền hoạt động trong trường hợp khó khăn nhất; đánh giá và dự báo thị trường không chỉ theo phương pháp truyền thống để có phương án khai thác, đầu tư tàu tối ưu; quyết định đầu tư cần được thực hiện nhanh trên cơ sở ưu tiên tính an toàn.

Kiên định mục tiêu “vượt sóng vươn xa”

Ông Hoàng Đức Chính, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương (PVTrans Pacific, mã chứng khoán PVP)

Ông Hoàng Đức Chính, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương (PVTrans Pacific, mã chứng khoán PVP)

Tình hình kinh tế và địa chính trị thế giới thời gian qua có những biến động khó lường. Trong khi cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn đang diễn biến căng thẳng thì một điểm nóng khác đã xảy ra ở Biển Đỏ, với việc phiến quân Houthi ở Yemen tấn công các tàu đi qua vùng biển này, liên quan đến xung đột Hamas - Israel ở Dải Gaza.

Biển Đỏ là một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, với khoảng 30% lượng hàng luân chuyển bằng tàu container và khoảng 20% đối với tàu dầu. Hầu hết các hãng tàu lớn do lo ngại rủi ro và chịu chi phí bảo hiểm chiến tranh bổ sung nên đã chuyển hướng tàu chạy xa hơn, xuống khu vực Mũi Hảo Vọng thay vì đi qua Biển Đỏ và kênh đào Suez.

Các yếu tố trên sẽ tiếp tục gây áp lực lên việc thiếu hụt nguồn cung tàu hàng lỏng do nhu cầu tấn/hải lý tăng lên. Do vậy, thị trường vận tải hàng lỏng trong năm 2024 được dự báo có diễn biến tích cực, nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro và làm cho việc triển khai các dự án đầu tư của Công ty trở nên khó khăn hơn, vì giá tàu có xu hướng tăng tỷ lệ thuận với giá cước.

Tuy nhiên, với nền tảng văn hóa vững chắc, ý chí quyết tâm “vượt sóng vươn xa” và kiên định mục tiêu đã chọn là trở thành hãng vận tải dầu thô và dầu sản phẩm chuyên nghiệp có đội tàu dầu cỡ lớn hoạt động rộng khắp trên toàn cầu, PVTrans Pacific sẽ quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, nâng cao tinh thần đoàn kết, tập trung mọi nguồn lực, nâng cao công tác quản trị biến động, theo dõi sát sao tình hình để phân tích, dự báo thị trường và linh hoạt xây dựng các kịch bản kinh doanh. Qua đó, Công ty tận dụng tối đa xu hướng, cơ hội, đồng thời kiểm soát hiệu quả các rủi ro, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất - kinh doanh với mục tiêu doanh thu 1.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng, cũng như kế hoạch đầu tư trẻ hóa đội tàu Aframax, MR trong năm 2024.

Sản xuất là cốt lõi của phát triển bền vững

Năm 2024, An Phát Holdings sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh sản xuất, đưa Tập đoàn ngày càng vững mạnh hơn trên con đường phát triển bền vững.

Trong năm 2024, An Phát Holdings sẽ gia tăng, mở rộng sản xuất trong tất cả các lĩnh vực cốt lõi, từ bao bì, nhựa kỹ thuật cho tới nhựa nội thất và các sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn. Việc mở rộng dựa trên cơ sở các dự án mà chúng tôi đầu tư sản xuất trong thời gian đầu thành lập Tập đoàn từ 2017 - 2018 đến nay đã chạy tối đa công suất, trong khi nhu cầu tiếp tục tăng trưởng.

Hiện các doanh nghiệp tại Trung Quốc đang có xu thế chuyển dịch sang Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp điện tử, phụ trợ. An Phát Holdings sẽ nắm bắt cơ hội này để phát triển. Chúng tôi sẽ mở rộng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu và lợi thế cạnh tranh, tiết giảm chi phí bán hàng và tối ưu lợi nhuận. Năm qua, Tập đoàn đã tái cấu trúc bộ máy nhằm chuẩn bị cho một giai đoạn sản xuất mới.

Đối với mảng nhựa kỹ thuật, An Phát Holdings sản xuất được khuôn chính xác, khuôn lớn cho ô tô, thời gian tới sẽ mở thêm mảng dịch vụ sơn giúp gia tăng giá trị sản phẩm và lợi thế cạnh tranh. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tái cấu trúc mạnh mẽ hệ thống nhựa kỹ thuật cùng với đầu tư máy móc hiện đại nhằm nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí sản xuất, từ đó mở rộng tệp khách hàng.

Về nhựa nội thất, mảng ván sàn của An Phát Holdings đang xuất khẩu rất tốt, 90% vào thị trường Mỹ và dần mở rộng sang Canada, Bắc Mỹ, nên chúng tôi sẽ đẩy mạnh năng lực sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Ngoài ra, trước đây, chúng tôi chưa xuất khẩu sản phẩm nhựa gia dụng, nhưng bây giờ đã có đối tác là chuỗi siêu thị lớn ở Canada đặt hàng, đây sẽ là điểm sáng mới cho hoạt động sản xuất của Tập đoàn.

Để lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán LTG)
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán LTG)

Năm 2023 là một năm thắng lợi của lúa gạo Việt trên thị trường quốc tế, chứng minh được năng lực cung ứng ổn định cho thế giới. Năm 2024 dự kiến tiếp tục là năm triển vọng đối với ngành lúa gạo. Đây là cơ hội cho Việt Nam để mở rộng thị trường, gia tăng thị phần. Doanh nghiệp và bà con nông dân cần đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao để theo kịp nhu cầu tiêu thụ của thế giới; chuyển dịch cơ cấu, chủng loại nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đồng thời tập trung sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, bảo đảm gia tăng về giá trị hơn số lượng.

Là doanh nghiệp dịch vụ nông nghiệp hàng đầu, trong năm 2024, Lộc Trời tiếp tục kết nối đối tác, mở rộng thị trường, gia tăng thị phần, đạt mục tiêu bán trực tiếp các sản phẩm gạo xanh, an toàn ra thế giới. Năm nay, Lộc Trời tiên phong đăng ký, triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với phát thải thấp thông qua liên kết sản xuất với hơn 300.000 nông hộ, tại hơn 300.000 ha khắp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và mở rộng cung ứng, triển khai quy trình canh tác lúa gạo theo tiêu chuẩn bền vững quốc tế SRP mà Tập đoàn là doanh nghiệp duy nhất đạt 100 điểm hoàn hảo 4 năm liên tục, cũng như có lợi nhuận tăng thêm 200 đồng/kg lúa để khuyến khích bà con nông dân thực hiện quy trình này.

Vùng nguyên liệu tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo SRP là nền tảng để Lộc Trời xây dựng hồ sơ đánh giá tín chỉ carbon trên lúa, một sản phẩm giá trị gia tăng mà Tập đoàn cam kết sẽ sử dụng lợi nhuận này để đầu tư cho bà con nông dân, giúp nâng cao lợi nhuận cũng như đóng góp vào yêu cầu về số lượng tín chỉ carbon của Việt Nam theo lộ trình của COP26.

Lộc Trời cũng sẽ phát triển các sản phẩm từ phụ/phế phẩm từ lúa gạo như rơm, trấu thành các sản phẩm giá trị cao, thân thiện với môi trường, chẳng hạn gas từ rơm, polyme trấu, nanosilica, ống hút trấu để tạo nên những giá trị gia tăng mới cho nền nông nghiệp nước nhà và góp phần bảo vệ môi trường sống chung của nông thôn Việt Nam.

Ngành bán hàng đa cấp đi vào khuôn khổ

Ông Huỳnh Thiên Triều, Tổng giám đốc Amway Việt Nam

Ông Huỳnh Thiên Triều, Tổng giám đốc Amway Việt Nam

Theo số liệu từ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công thương), ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam có sự tăng trưởng liên tục trong 6 năm, với doanh thu tính đến cuối năm 2022 đạt 21.110 tỷ đồng. Cho dù chỉ còn 20 doanh nghiệp có giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp, nhưng doanh thu toàn ngành có tỷ lệ tăng trưởng cao, đóng góp vào ngân sách nhà nước 2.434 tỷ đồng. Sự tăng trưởng liên tục này được lý giải bằng nhiều rất nhiều điểm sáng, đó là ý thức tuân thủ pháp luật, sự đầu tư đồng bộ về công nghệ, sự tăng cường trải nghiệm của khách hàng trên đa kênh.

Có đến 4 doanh nghiệp bán hàng đa cấp (Amway Việt Nam, Nu Skins Việt Nam, Oriflame Việt Nam và Unicity Marking Việt Nam) nằm trong Top 20 doanh nghiệp đứng đầu về doanh thu thương mại điện tử bán hàng. Thông tin này được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) công bố trong Sách trắng Thương mại Điện tử năm 2022. Top 20 chiếm tới 65,7% thị phần về doanh thu thương mại điện tử bán hàng tại Việt Nam.

Xu hướng tăng trưởng của ngành bán hàng đa cấp được kỳ vọng kéo dài, dù chưa có số liệu năm 2023. Trên cơ sở hành lang pháp lý vững chắc của cơ quan quản lý nhà nước, cùng với sự đầu tư nghiêm túc về chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp, triển vọng của ngành là tiếp tục phát triển.

M&A lĩnh vực bất động sản sẽ được kích hoạt

Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần SohoVietnam
Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần SohoVietnam

Chưa khi nào, các doanh nghiệp địa ốc lại khó khăn như giai đoạn 2022 - 2023. Nhìn chung, đây là hệ quả kéo dài từ giai đoạn dịch Covid-19 khi các hoạt động kinh tế bị đứt gãy và đình trệ. Dòng tiền cạn kiệt, niềm tin của người mua nhà suy giảm kéo theo hệ quả là một cuộc thanh lọc lớn trên thị trường. Những doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính, sử dụng đòn bẩy quá cao và thiếu tầm nhìn dài hạn phải rời bỏ thị trường.

Các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ đã giúp thị trường có sự cải thiện vào nửa cuối năm 2023, nhưng trên bình diện chung, tình hình vẫn rất khó khăn, bắt nguồn từ câu chuyện của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và vấn đề ách tắc pháp lý các dự án. Việc thanh lý, cơ cấu lại danh mục đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả là điều bắt buộc để giảm áp lực tài chính nhằm tránh nguy cơ phá sản.

Ở góc độ thị trường mua bán - sáp nhập (M&A), đây có thể xem là cơ hội cho sự bùng nổ các thương vụ, nhưng trong năm 2023, số lượng dự án đủ điều kiện sẵn sàng giao dịch rất ít. Chính vì vậy, số lượng các thương vụ thành công với quy mô 50 - 100 triệu USD chỉ đếm trên đầu ngón tay, nguyên nhân tới từ việc giá chào bán các thương vụ vẫn cao.

Tuy nhiên, năm 2024, tôi cho rằng, tình trạng trên sẽ thay đổi khi nhiều doanh nghiệp xác định, M&A giúp doanh nghiệp có cơ hội “trở lại” nhanh hơn. Trong khi đó, với việc các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, thị trường được dự báo sẽ dần hồi phục, có nhiều dấu hiệu khởi sắc hơn. Vì vậy, với nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn từ 5 - 10 năm thì hiện tại là cơ hội đàm phán, thương lượng, tham gia vào thị trường để mua lại dự án.

Danh sách các đối tác mà SohoVietnam đang tiếp cận có lượng vốn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, trong đó không thiếu nhà đầu tư ngoại. Thời gian qua là giai đoạn khó khăn về thị trường, tài chính, pháp lý, song những vấn đề này đang dần được tháo gỡ. Chưa kể, lãi suất hạ sẽ giúp kích hoạt nhanh hơn các thương vụ khi các nhà đầu tư có thể mạnh tay trong việc sử dụng tín dụng như một phần đảm bảo vốn cho các thương vụ thành công.

Thị trường bất động sản dần chuyển biến tích cực

Ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý tài sản Hòa Phát
Ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý tài sản Hòa Phát

2023 là một năm khó khăn của thị trường bất động sản bởi nhiều nguyên nhân, từ câu chuyện lạm phát, trái phiếu, vấn đề pháp lý, dẫn tới tình trạng đóng băng ở hầu hết các phân khúc, động thái cắt lỗ khá sâu của nhà đầu tư mong thoát hàng.

Tuy nhiên, tình hình dần chuyển biến tích cực từ quý IV/2023, khi các chủ đầu tư bắt đầu triển khai bán sản phẩm tồn hoặc mở bán mới và tình trạng cắt lỗ đã giảm, đặc biệt có một số phân khúc ghi nhận giá tăng và neo ở mức khá cao như chung cư tại Hà Nội, giá tăng cả ở thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Trong bối cảnh có nhiều tín hiệu tích cực từ các yếu tố như dòng vốn, lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm và ổn định, cùng với đó là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã được Quốc hội thông qua sẽ thúc đẩy thị trường hồi phục trong năm 2024, khi hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch hơn, từ đó giúp cải thiện niềm tin của người mua nhà.

Đi sâu vào từng phân khúc sản phẩm, tôi vẫn đánh giá cao loại hình căn hộ chung cư trong các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, nhất là phân khúc căn hộ bình dân, vì nhu cầu đối với các sản phẩm này rất lớn. Cùng với đó, bất động sản công nghiệp cũng sẽ là phân khúc sôi động và thúc đẩy giao dịch do nhu cầu lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng nhà máy, kho xưởng, đón dòng chuyển dịch từ Trung Quốc tiếp tục diễn ra. Các phân khúc khác như đất nền, bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch có thể cần thêm thời gian để hồi phục.

Vấn đề còn lại sẽ là câu chuyện chủ động tái cấu trúc của doanh nghiệp trong lĩnh vực này, tái cấu trúc trong góc nhìn đầu tư của chính các chủ thể tham gia thị trường. Trong đó, các môi giới cần có suy nghĩ khác khi các con sóng sẽ không còn nhiều, yêu cầu của các nhà đầu tư cao hơn. Cụ thể, môi giới cần thay đổi từ chuyên môn cho đến kỹ năng, đặc biệt là về công nghệ để có thể tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả nhất.

Tiếp tục “săn” quỹ đất

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding

Những tháng đầu năm 2024, Công ty sẽ phát triển thêm một số dự án tại tỉnh Đồng Nai, TP. Đồng Xoài của tỉnh Bình Phước, với các sản phẩm đất nền, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội. Ngoài ra, trong năm 2024, chúng tôi sẽ triển khai tìm hiểu, đầu tư bất động sản ở một số tỉnh vệ tinh xung quanh TP.HCM. Song song đó, Công ty sẽ đưa ra thị trường các dự án, sản phẩm đầy đủ pháp lý dành cho khách hàng mua để đầu tư hoặc để ở.

Chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng doanh số mạnh hơn khi thị trường bất động sản phục hồi. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục “săn” quỹ đất, M&A dự án tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bảo Lộc (Lâm Đồng). Về chiến lược nhân sự, trong giai đoạn trung hạn, Asian Holding sẽ phát triển với quy mô từ 200 - 500 người.

Sẵn sàng quỹ đất để triển khai các dự án

Ông Lê Như Thạch, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng BCONS (BCONS)

Ông Lê Như Thạch, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng BCONS (BCONS)

BCONS đã chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất với tổng diện tích 35 ha để triển khai các dự án, đưa sản phẩm ra thị trường từ nay đến năm 2030. Ngoài ra, định hướng phát triển của doanh nghiệp là trở thành tập đoàn đa ngành, bên cạnh lĩnh vực xây dựng, đầu tư bất động sản là giáo dục, dịch vụ, logistic. Công ty đang xúc tiến các thủ tục để niêm yết 20 triệu cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM trong năm nay.

Xu hướng mua nhà của khách hàng sẽ rất khác

Bà Giang Huỳnh, Phó giám đốc Savills TP.HCM

Bà Giang Huỳnh, Phó giám đốc Savills TP.HCM

Các sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực như chung cư sẽ được ưu tiên xuất hiện trong danh mục của nhà đầu tư năm 2024, vì có thể tạo ra dòng tiền thường xuyên và giữ mặt bằng giá ổn định. Đây cũng sẽ là những phân khúc dự kiến phục hồi sớm nhất trong thời gian tới.

Tuy nhiên, từ năm 2024, xu hướng mua nhà của khách hàng có thể sẽ rất khác. Bên cạnh những đòi hỏi khắt khe hơn về mặt chất lượng và tính pháp lý của các dự án, người mua muốn nhiều hơn về uy tín chủ đầu tư, các chính sách bán hàng và cân đo những ưu đãi thanh toán, giá bán, tiềm năng dài hạn của dự án trước khi “xuống tiền”. Thời kỳ mua dễ, bán dễ của bất động sản khó có thể trở lại trong năm 2024.

Dịp tốt để mua bất động sản bằng tiền mặt

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận tiếp thị nhà ở, CBRE Việt Nam

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận tiếp thị nhà ở, CBRE Việt Nam

Có nhiều lý do để lạc quan về thị trường bất động sản từ năm 2024 khi Chính phủ quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, nhiều dự án luật quan trọng đã được thông qua, lãi suất liên tục giảm và ngân hàng nới lỏng tín dụng cho bất động sản, không ít dự án bắt đầu được phép xây dựng, bán hàng…

Hiện tại, thị trường đang ở thời điểm “shopping time”, tức dịp tốt để mua bằng tiền mặt. Lúc này, có rất nhiều lựa chọn phù hợp với giá thấp hơn trước. Người mua để ở thực hoặc cho thuê cơ bản là thuận lợi, còn nhà đầu tư có nhiều lựa chọn để mua.

Nguyên tắc đầu tư bất động sản là khi mọi người muốn bán tháo là cơ hội đến. Bởi vì khi nhiều người còn lưỡng lự chưa dám mua thì đó mới là thời điểm nhà đầu tư chuyên nghiệp nắm bắt. Đợi đến khi thị trường phục hồi thì những nhà đầu tư đi trước sẽ có lợi thế về sản phẩm và về giá.

Thị trường địa ốc đang “ấm” dần

Ông Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế

Ông Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế

Cuối năm 2023 và đầu năm 2024, có nhiều địa phương kêu gọi đầu tư vào các dự án nhà ở mới, chủ yếu là dự án khu đô thị. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm cơ hội và thực hiện các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A). Đây là các tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản năm 2024. Tôi hy vọng, thị trường sẽ có những chuyển biến mới, rõ nét hơn sau một năm 2023 tương đối trầm lắng.

Năm 2023, thị trường địa ốc đã diễn ra tiến trình tái cấu trúc, điều này dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2024. Theo đó, các hoạt động kêu gọi đầu tư, gọi vốn mới có thể được đẩy mạnh. Các động thái cũng cho thấy, thị trường đang có xu hướng “ấm” lên và các thành viên thị trường kỳ vọng nhiều vào năm 2024.

TNH phát triển chuỗi hệ thống bệnh viện

Ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH)

Ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH)

Năm 2023 đánh dấu sự phát triển của TNH cả về quy mô và chất lượng dịch vụ. Song song với 2 bệnh viện hoạt động hiệu quả tại Thái Nguyên, Ban lãnh đạo TNH đặt mục tiêu phát triển chuỗi hệ thống bệnh viện trên toàn quốc.

Tháng 2/2023, dự án Bệnh viện TNH Việt Yên (Bắc Giang) được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư gần 618 tỷ đồng, quy mô 300 giường. Hiện dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện và dự kiến đi vào hoạt động trong quý I/2024.

Bên cạnh đó, Công ty đang triển khai dự án Bệnh viện TNH Lạng Sơn (Lạng Sơn), tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng, sẽ khởi công trong quý I/2024. Đồng thời, doanh nghiệp triển khai dự án bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế tại Khu đô thị Ciputra (Hà Nội), quy mô 500 giường bệnh, tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2024.

Việc phát triển chuỗi hệ thống bệnh viện mang lại cơ hội tăng trưởng lớn cho TNH khi các dự án vận hành hiệu quả, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao của người dân.

Mới đây, Saigon Ratings công bố kết quả đánh giá xếp hạng tín nhiệm “vnA+” với triển vọng “Ổn định” cho TNH. Kết quả xếp hạng đạt tín nhiệm cao bởi đơn vị đánh giá độc lập phần nào phản ánh sức khỏe tài chính vững mạnh và uy tín của Công ty. Đây cũng là cơ sở quan trọng để TNH tiếp tục đầu tư, mở rộng các dự án mới, tạo ra bước đột phá về tăng trưởng trong tương lai.

Nhà đầu tư ngoại đang tìm cơ hội tại Việt Nam

Ông Paul Tonkers, Phó giám đốc mảng bất động sản công nghiệp, Core5 Việt Nam
Ông Paul Tonkers, Phó giám đốc mảng bất động sản công nghiệp, Core5 Việt Nam

Xu hướng dịch chuyển sản xuất trên thế giới vẫn đang diễn ra và quy mô ngày càng lớn. Trong đó, vị thế của Việt Nam được nâng cao, nhiều nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đều coi Việt Nam là điểm đến tiềm năng. Nhiều nhà sản xuất linh kiện ô tô đang nhắm đến Việt Nam để sản xuất, xuất khẩu. Không ít nhà đầu tư trong Top 500 của Fortune cũng đang kiếm tìm cơ hội tại Việt Nam nên cần có sự chuẩn bị kỹ ở nhiều khâu, để biến họ từ đối tác tiềm năng thành khách hàng, tiến tới thành khách hàng trung thành.

Theo tôi, các chủ đầu tư khu công nghiệp cần định nghĩa lại các phân khu để phục vụ tốt nhu cầu khách thuê. Hướng tới các ngành có giá trị cao như điện tử, bán dẫn, dự án cần đáp ứng yêu cầu về ESG như trung hoà các-bon, tiết kiệm điện, nước và tích hợp vào các chiến lược phát triển dài hạn.

Nhóm Top 500 của Fortune có sự khác biệt với các khách hàng truyền thống, nên chúng ta cần có thêm các sản phẩm, dịch vụ về tài chính, kết hợp nhiều giải pháp với nhau. Cũng có không ít khách hàng muốn thuê thời gian dài, với khả năng mở rộng về sau.

Mở rộng quỹ đất để đón sóng đầu tư mới

Ông Vũ Công Trụ, Chuyên gia bất động sản khu công nghiệp và xúc tiến đầu tư

Ông Vũ Công Trụ, Chuyên gia bất động sản khu công nghiệp và xúc tiến đầu tư

Năm 2024, tôi cho rằng, dòng vốn ngoại sẽ chảy mạnh vào Việt Nam, thậm chí kéo dài sang năm 2025 trước khi có thể chững lại. Hiện tại, nhiều đơn vị phát triển đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu công nghiệp chuyên sâu đang mở rộng quỹ đất để đón sóng đầu tư mới.

Sau dịch Covid-19, thị trường chứng kiến giai đoạn sóng đầu tư chậm lại, do các nhà đầu tư có sự thay đổi chiến lược hoặc dừng lại để quan sát. Nhưng hiện nay là sự khởi đầu tốt cho giai đoạn từ năm 2025 trở đi và là thời điểm cho dòng vốn tìm đến Việt Nam.

Một số nhà đầu tư lớn đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội, thông qua các kênh như hiệp hội ngành nghề, con đường ngoại giao, đối ngoại của Nhà nước và mong muốn đa dạng hoá khả năng cung ứng trong chuỗi cung ứng của họ, thiết lập địa điểm mới - một điểm cung ứng mang tính thu hút tại Việt Nam.

Chúng ta hội nhập kinh tế thế giới rất sâu, các hiệp định thương mại càng ngày càng phát huy hiệu quả. Thế giới đang coi Việt Nam là đối trọng nhỏ với Trung Quốc, là đòn bẩy khôi phục và phát triển kinh tế. Trung Quốc và nhà đầu tư nơi đây cũng nhận thấy điều này.

Cùng với đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang chuyển dịch sang các nước Đông Nam Á và Việt Nam là ứng cử viên sáng giá.

BIC duy trì vị trí trong nhóm dẫn đầu về tỷ suất sinh lời

ÔngTrần Hoài An, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã chứng khoán BIC)

ÔngTrần Hoài An, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã chứng khoán BIC)

Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), doanh thu phí bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ năm 2023 ước đạt 71.149 tỷ đồng, tăng khoảng 2% so với năm 2022. Trong bối cảnh đó, bằng sự nỗ lực và những giải pháp kinh doanh chủ động, sáng tạo, BIC vẫn đạt được những kết quả tích cực và toàn diện.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm công ty mẹ BIC năm 2023 đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 30% so với năm 2022 và vượt 4% kế hoạch. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc hơn 4.600 tỷ đồng, tăng trưởng gần 30% và vượt 5% kế hoạch, giúp BIC giữ vững vị trí Top 6 về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc. Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt gần 580 tỷ đồng, tăng trưởng gần 50% và vượt 20% kế hoạch.

Năm 2024, dự báo thị trường bảo hiểm sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng BIC phấn đấu lọt vào Top 5 công ty bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu về quy mô thị phần, duy trì vị trí trong Top 3 công ty bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu về tỷ suất sinh lời trên thị trường, nâng cao công tác quản trị điều hành, quản trị rủi ro theo hướng thận trọng, an toàn và hiệu quả.

Tập đoàn Chubb vẫn kỳ vọng vào thị trường bảo hiểm Việt Nam

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng giám đốc Chubb Life Việt Nam

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng giám đốc Chubb Life Việt Nam

Tiềm năng của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam còn rất lớn. Tỷ lệ người dân được bảo hiểm ở mức thấp so với các nước trong khu vực, trong khi Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn dân số vàng. Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động cao, nên mối quan tâm tới bảo hiểm nhân thọ sẽ ngày càng lớn.

Đặc biệt, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp chấn chỉnh những bất cập trong hoạt động khai thác các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, cũng như nỗ lực cải thiện từ chính doanh nghiệp, tôi cho rằng, bảo hiểm nhân thọ không chỉ sớm khôi phục niềm tin với khách hàng, mà còn phát triển bền vững hơn.

Đối với Chubb Life, tập đoàn mẹ của chúng tôi tại Mỹ là Chubb đang kỳ vọng nhiều hơn vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi cố gắng tận dụng mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ, nhưng vẫn xác định cân bằng tối ưu giữa chất lượng và tốc độ.

Chubb Life đang tiến hành những bước chuẩn bị cuối cùng để ra mắt một kênh phân phối theo mô hình vận hành kinh doanh mới, lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam. Mục tiêu chúng tôi hướng đến là tiếp cận và đáp ứng tốt nhất những nhu cầu đa dạng của khách hàng, để khách hàng ở mọi phân khúc, mọi vùng miền của đất nước đều có cơ hội tiếp cận các giải pháp bảo hiểm nhân thọ ưu việt và đáng tin cậy. Bên cạnh đó, thông qua mô hình vận hành kinh doanh mới, Chubb Life sẽ đồng hành cùng người tư vấn, giúp họ xây dựng sự nghiệp chuyên nghiệp, bền vững.

Nỗ lực xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp

Ông Bae Seung Jun, Tổng giám đốc Shinhan Life Việt Nam

Ông Bae Seung Jun, Tổng giám đốc Shinhan Life Việt Nam

Thị trường bảo hiểm Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi lớn, đặc biệt là Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt ngày 5/1/2023 sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian tới.

Tận dụng lợi thế lớn của công ty mẹ là Shinhan Life Hàn Quốc có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động, Shinhan Life Việt Nam đang nuôi tham vọng thay đổi cuộc chơi trên thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam. Mục tiêu của Shinhan Life là trở thành một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ đi đầu về chất lượng trong ngành. Chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực để khách hàng nhớ đến Shinhan Life Việt Nam với hình ảnh một công ty bảo hiểm chuyên nghiệp, đặt quyền lợi khách hàng lên hàng đầu, có hệ thống vận hành và các kênh phân phối chất lượng. Chúng tôi cũng nỗ lực để khi nhắc đến Shinhan Life, khách hàng sẽ nghĩ đến một công ty cung cấp các sản phẩm bảo hiểm có quyền lợi bảo vệ thiết thực, chi phí hợp lý, dễ dàng tham gia, quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm nhanh chóng.

Dấu mốc quan trọng của Shinhan Life Việt Nam trong năm 2024 là sự kiện ra mắt kênh phân phối mới, kênh FC (đại lý bảo hiểm cá nhân). Chúng tôi kỳ vọng, đây sẽ là kênh phân phối hiệu quả, giúp giới thiệu các sản phẩm chất lượng đến nhiều khách hàng hơn và thúc đẩy Shinhan Life phát triển mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam trong những năm tới.

Góc độ tiếp cận tín dụng có nhiều điều kiện thuận lợi

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2024. Trong đó, đối với các chi nhánh tỉnh, thành phố, Ngân hàng Nhà nước giao thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ gắn với chức năng quản lý nhà nước của ngân hàng trung ương và nhiệm vụ của địa phương. Các nhóm nhiệm vụ gồm: Tổ chức triển khai chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối trên địa bàn; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tăng cường quản lý hoạt động Quỹ Tín dụng nhân dân trên địa bàn; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đảm bảo an toàn hệ thống công nghệ thông tin, thanh toán điện tử, thanh toán thẻ trên địa bàn và các nhiệm vụ trọng tâm khác về tiền tệ kho quỹ, các chương trình, đề án phát triển ngành, cải cách hành chính…

Để thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ và trên cơ sở nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM năm 2024, ngành ngân hàng TP.HCM tập trung thực hiện 3 nhóm giải pháp cụ thể. Thứ nhất, thực hiện hiệu quả cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Thứ hai, tiếp tục làm tốt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp với nội hàm về tăng cường các hoạt động nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng. Thứ ba, thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Năm 2024, góc độ tiếp cận tín dụng có nhiều điều kiện thuận lợi như lãi suất thấp và ổn định, Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% ngay từ đầu năm (giúp tổ chức tín dụng chủ động hơn trong hoạt động tín dụng). Bên cạnh đó, các khó khăn địa chính trị từ thế giới đã được nhận diện. Ngoài ra, sự quyết tâm trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, đầu tư công sẽ hỗ trợ kích cầu tín dụng.

Tuy nhiên, trước các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa, bản thân các doanh nghiệp phải minh bạch tài chính mới tăng được khả năng tiếp cận vốn vay.

Tính đến cuối năm 2023, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM tăng 7,68%; dư nợ tín dụng tăng 9,77% so với cuối năm 2022; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN với dư nợ được cơ cấu gốc và lãi lũy kế đạt 40.000 tỷ đồng.

Sẽ có nhiều điểm sáng kích cầu tín dụng

Ông Nguyễn Văn Hương , Phó tổng giám đốc phụ trách khối bán lẻ OCB

Ông Nguyễn Văn Hương , Phó tổng giám đốc phụ trách khối bán lẻ OCB

Kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều biến động trong năm 2023 như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát cao, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do thị trường sụt giảm…, phần nào dự báo về hoạt động đẩy mạnh tín dụng trong năm 2024 tiếp tục là một bài toán khó, không ngoại trừ phân khúc tín dụng bán lẻ. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao cùng những chính sách tài khóa - tiền tệ thiết thực, kịp thời đến từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua, tôi tin rằng, trong năm 2024 sẽ có nhiều điểm sáng kích cầu tín dụng, từ đó tạo lực đẩy tăng trưởng tín dụng nói chung. Đặc biệt, bối cảnh mặt bằng lãi suất đang ở mức rất thấp sẽ là một trong những nhân tố kéo cầu tín dụng trong thời gian tới.

Việc thay đổi trong cách điều hành của Ngân hàng Nhà nước với chủ trương cấp hết hạn mức tín dụng 15% ngay từ đầu năm nay có thể xem là một tín hiệu tích cực đối với các ngân hàng nói chung và OCB nói riêng. Theo đó, Ngân hàng chủ động hơn trong kế hoạch kinh doanh, đẩy mạnh các gói sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với tiêu chí đa dạng của khách hàng, đồng thời sẵn sàng cung ứng vốn kịp thời theo nhu cầu thị trường, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong năm 2024. Ngay trong những ngày đầu năm mới, OCB đã nhanh chóng ban hành các gói lãi suất cho vay với mức giảm từ 0,5%/năm so với cuối năm 2023.

Không chỉ với khách hàng doanh nghiệp mà dự đoán đến quý III/2024, thị trường bất động sản sẽ phục hồi rõ nét, sức mua tăng dần, kéo theo nhu cầu vay tăng trở lại. Khi lãi suất cho vay liên tục được điều chỉnh giảm, thị trường bất động sản dần hồi phục, nhu cầu mua nhà ở, đầu tư tài sản trở lại, hoạt động cho vay bất động sản sẽ trở lại mạnh mẽ hơn, tập trung vào phân khúc bất động sản bình dân, phục vụ nhu cầu ở thực của khách hàng cá nhân.

Có điều kiện thuận lợi cho việc giảm lãi suất

Ông Pyon Young Hwan, Giám đốc phụ trách mảng giao dịch ngoại hối và phái sinh, Ngân hàng Shinhan Việt Nam

Ông Pyon Young Hwan, Giám đốc phụ trách mảng giao dịch ngoại hối và phái sinh, Ngân hàng Shinhan Việt Nam

Kinh tế toàn cầu có nguy cơ tiếp tục tăng trưởng chậm trong năm nay, do suy thoái kinh tế và sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc, qua đó ảnh hưởng đến Việt Nam.

Năm 2023, kinh tế Việt Nam chỉ tăng 5,05% do nhu cầu bên ngoài chậm lại, nhưng dự kiến năm 2024 sẽ tăng 5,8%, với các động lực từ lãi suất, đầu tư công, đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu…

Trong đó, lãi suất điều hành nhiều khả năng sẽ được Ngân hàng Nhà nước cắt giảm vào nửa cuối năm 2024, trong bối cảnh các nước phát triển, trong đó có Mỹ sắp kết thúc các đợt tăng lãi suất và được kỳ vọng đảo chiều chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

Thực tế, các điều kiện trong và ngoài nước năm 2024 thuận lợi cho việc giảm lãi suất. Xét đến sự suy giảm của giá cả trong nước và các chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, mặc dù dư địa giảm lãi suất điều hành không còn nhiều và xét đến khả năng tăng trưởng tín dụng trong nước, tốc độ giảm lãi suất sẽ bị hạn chế.

Về tín dụng, với triển vọng hồi phục của thị trường bất động sản, hoạt động xuất nhập khẩu…, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp sẽ tăng, kéo theo tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay nhanh hơn so với năm 2023. Bên cạnh đó, tốc độ chi tiêu đầu tư công dự kiến sẽ nhanh hơn, giúp nhu cầu tín dụng liên quan gia tăng.

Kích cầu tiêu dùng sẽ thúc đẩy sản xuất - kinh doanh

Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank

Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank

Kinh tế năm 2024 vẫn được dự báo có không ít khó khăn, thách thức, chưa đi vào giai đoạn phục hồi một cách bền vững. Thứ hai, vấn đề địa chính trị ở một số khu vực trên thế giới đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và kinh tế toàn cầu. Trong đó, phí dịch vụ logicstic gần đây tăng đáng kể, tác động lên chi phí của doanh nghiệp xuất khẩu. Thứ ba là sự phát triển không đồng đều giữa các nền kinh tế trên thế giới.

Nhìn chung, thách thức trong năm 2024 còn nhiều, nhưng nếu chỉ nhìn vào các yếu tố trên mà không nhìn thấy được tương lai và những điểm sáng thì chúng ta dễ trở nên bị động và bi quan thái quá. Tôi cho rằng, điểm sáng lớn nhất trong năm nay là Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, tập trung vào xây dựng hạ tầng, đường cao tốc. Đây là một trong những động lực chính thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Trong khi đó, chủ trương cấp hết hạn mức tăng trưởng tín dụng 15% ngay từ đầu năm của Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng chủ động trong hoạt động cho vay. Đặc biệt, định hướng của Chính phủ là đẩy mạnh kích cầu nội địa, nhất là kích cầu tiêu dùng nhằm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Bởi lẽ, nếu chỉ “bơm tiền” vào sản xuất - kinh doanh bằng các gói tín dụng cho doanh nghiệp mà không kích cầu tiêu dùng thì rất khó kích cầu tăng trưởng kinh tế.

Xem thêm: lmth.221933tsop-ioh-oc-tab-man-taoh-hnil-neib-gnu/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“Ứng biến linh hoạt, nắm bắt cơ hội”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools