Thành viên Trạm Eco hướng dẫn người trải nghiệm tái chế đồ vật - Ảnh: THỤC QUYÊN
Họ đã và đang miệt mài góp phần tạo ra những thay đổi tích cực cho cộng đồng từ thông điệp "Một hành hành động nhỏ, một hành tinh xanh".
Thêm vòng đời cho rác
Ngày cuối tuần ở một không gian xanh dưới chân bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), một nhóm bạn trẻ hào hứng với hoạt động tái chế rác thải. Từ những chiếc áo cũ, chỉ qua vài bước biến tấu cơ bản như vẽ thêm hình thù, thêm vài đường cắt, may…, các bạn trẻ đã biến những chiếc áo cũ thành chiếc túi vải độc đáo.
Sau một hồi hí hoáy sáng tạo với chiếc áo cũ mà mình mang đến, Nguyễn Thị Bích Trâm (18 tuổi, người tham gia trải nghiệm) đã reo lên thích thú khi chiếc túi tái chế mình vừa làm ra được bình chọn vào top túi đẹp nhất. Ngay sau đó, chiếc túi đã được Trâm bán đấu giá và sung quỹ để Trạm Eco làm kinh phí tổ chức thêm những chương trình khác về môi trường.
Trâm chia sẻ, khi tham gia hoạt động tái chế, bạn nhận ra rằng một món đồ vốn bỏ đi nhưng khi mình tạo cho nó vòng đời mới thì nó có thể thay thế một sản phẩm khác và sẽ không cần khai thác nguyên liệu mới để làm ra sản phẩm mới nữa. "Chiếc túi vải này rất thích hợp để đi chợ hằng ngày, thay cho túi nilon. Mình thấy việc tái chế đồ tuy nhiều người vô tình bỏ qua nhưng lại là việc làm có ý nghĩa lớn và dễ thực hiện" - Trâm nói.
Rác thải được tái chế thành những món đồ hữu ích và bắt mắt - Ảnh: THỤC QUYÊN
Hoạt động workshop tái chế cũng thu hút nhiều bạn trẻ tham gia cùng biến những chiếc chai nhựa thành chậu cây xinh xắn; mảnh gỗ vụn, cái mẹt tre cũ và nhiều vật dụng khác… thành đồ trang trí bắt mắt. Không chỉ bạn trẻ, hoạt động tái chế do Trạm Eco tổ chức thu hút những bố mẹ đưa theo trẻ nhỏ đến trải nghiệm và dạy trẻ biết yêu môi trường.
Ở các buổi gặp gỡ, mọi người cùng giao lưu với các chuyên gia về môi trường, cùng tìm hiểu cảnh quan bán đảo Sơn Trà, nhặt rác mà người dân và du khách để lại ở các điểm tham quan. Mỗi "hành động nhỏ" ấy của Trạm Eco thu hút từ vài chục đến cả trăm người tham gia.
Đến những hoạt động lớn
Bạn Nguyễn Thị Hồng Phúc (sinh viên năm 4 Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, sáng lập Trạm Eco) cho biết các thành viên của nhóm đa phần là sinh viên ở Đà Nẵng. Trong một cuộc gặp tình cờ, mỗi người đã chia sẻ ấp ủ của mình về việc xây dựng chuỗi không gian dành cho những người trẻ yêu môi trường. Tại đây, họ mong muốn khơi nguồn, hỗ trợ cho các bạn trẻ hành động để góp phần tạo những thay đổi tích cực.
"Chúng tôi tâm niệm rằng, từ những việc nhỏ, nếu nhiều người cùng làm sẽ tạo ra sự thay đổi lớn. Như việc mỗi người mỗi ngày bớt dùng một chiếc bao nilông thôi thì thành phố Đà Nẵng hơn triệu dân sẽ bớt được hơn triệu cái bao nilông mỗi ngày. Đó là con số khủng" - Phúc bày tỏ.
Tuyên truyền du khách không cho khỉ ăn ở Bán đảo Sơn Trà Đà Nẵng - Ảnh: ECO
Bạn Đặng Thái Tuấn (sinh viên năm 3 Trường ĐH Sư Phạm Đà Nẵng, đồng sáng lập Trạm Eco) cho hay ban đầu nhóm tập trung vào các hoạt động giáo dục, truyền thông và trải nghiệm.
"Tiến tới sẽ là những hoạt động dài hơi và có sự đầu tư kinh phí hơn như tổ chức các chương trình giáo dục trải nghiệm hướng đến đối tượng là sinh viên, kết nối trải nghiệm tại các nông trại hữu cơ ở Đà Nẵng. Hiện Trạm Eco cũng đang thực hiện dự án xây dựng Vườn cộng đồng – nơi những người dân trong khu dân cư phân loại rác, ủ rác hữu cơ để tạo thành phân composite, trồng rau và thu hoạch rau cho bữa cơm gia đình" - Tuấn cho hay.
Nhiều dự định đang ấp ủ, song với những bạn trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường thì việc tìm kinh phí hoạt động là một bài toán khó. Bằng sự tâm huyết và chịu khó của các thành viên, những hoạt động vốn đòi hỏi nhiều kinh phí vẫn được tổ chức hiệu quả.
Một số chuyên gia đã nhận lời làm diễn giả miễn phí trong những buổi nói chuyện. Những cô giáo từ các lớp học vẽ đồng ý tham gia hướng dẫn tái chế đồ vật cho người trải nghiệm. Hay cô chủ quán cơm chay cũng đồng ý góp địa điểm, giúp sức để các bạn tổ chức hoạt động vì môi trường… Từ những hỗ trợ đó, nhóm đã ngày càng mở rộng quy mô hoạt động và sức lan tỏa trong cộng đồng.
Làm talk shows môi trường trực tuyến miễn phí
Vào thời điểm dịch COVID-19 hoành hành, hầu như những hoạt động về bảo vệ môi trường của nhiều tổ chức, hội nhóm đều phải ngưng đọng. Riêng các thành viên của Trạm Eco đã không chịu ngồi yên.
Họ lần tìm những đầu mối là các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực liên quan đến môi trường, thuyết phục những người "nổi tiếng" này làm diễn giả cho talk shows trực tuyến do nhóm tổ chức.
Đến nay đã có 12 số "Eco Talks" với các chủ đề nóng hổi về môi trường như: Sống xanh thời COVID-19, Những câu chuyện về Vườn cộng đồng, Những sinh vật đô thị, Trekking và môi trường, Ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp… Những buổi nói chuyện khi lên sóng thu hút sự quan tâm của hàng ngàn người yêu môi trường ở Đà Nẵng và các tỉnh thành lân cận.
TTO - Re.socks chỉ là một phần trong ước mơ của Bình về một cộng đồng tiêu dùng xanh. Bạn đang ấp ủ nghiên cứu các sản phẩm khác như quần áo, ví, balô, túi xách... làm từ rác tái chế, hoặc từ các chế phẩm nông nghiệp như bã ngô, lá dứa...
Xem thêm: mth.97475400271202202-oce-mart-auc-ohn-gnod-hnah/nv.ertiout