Niêm phong 7.400 Lít xăng dầu
Ngày 17-2, Sở Công thương Hậu Giang cho biết đã có báo cáo gửi Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương và UBND tỉnh Hậu Giang tình hình cung cấp xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Địa phương có 233 cửa hàng xăng dầu và 32 thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng.
Theo đó, Công ty cổ phần thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro, trụ sở chính đặt tại TT.Mái Dầm, H.Châu Thành, Hậu Giang) là thương nhân đầu mối có nhiều đại lý nhất trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Đến thời điểm hiện tại, NSH Petro vẫn đáp ứng và cung cấp hàng hóa đầy đủ cho các đại lý (39 đại lý), cửa hàng trực thuộc (7 cửa hàng). Công ty TNHH MTV nhiên liệu Tây Đô (H.Châu Thành A, Hậu Giang) có 11 cửa hàng trực thuộc và 20 đại lý, hiện vẫn đảm bảo đủ nguồn hàng hóa cung cấp cho khách cũng như trạm trực thuộc trong thời gian tới...
Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tổng kiểm tra 43 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và tiến hành xử phạt 5 doanh nghiệp vi phạm với tổng số tiền hơn 280 triệu đồng. Sau Tết (từ ngày 1 đến 4-2 và 9 đến 11-2), Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra 67 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Kết quả, đa số các doanh nghiệp thực hiện tốt quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, hàng hóa cơ bản đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của nhân dân, có niêm yết giá và bán đúng giá quy định.
Tuy nhiên, qua kiểm tra có 6 cửa hàng đóng cửa, ngừng kinh doanh; trong đó 1 cửa hàng có văn bản gửi Sở Công thương và được Sở chấp thuận; Đoàn kiểm tra đã lập 5 biên bản (trong đó 4 cửa hàng đóng cửa ngừng kinh doanh khi chưa được sự chấp thuận của Sở Công thương, không có lý do chính đáng). Đồng thời, đoàn yêu cầu chủ doanh nghiệp mở cửa bán xăng dầu phục vụ nhân dân theo đúng thời gian đã đăng ký; 1 cửa hàng chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ xăng dầu đang kinh doanh, đoàn đã lập biên bản niêm phong 6 bồn chứa nhiên liệu xăng dầu, gồm 3.700 lít xăng, 3.700 lít dầu. Đoàn kiểm tra đang hoàn chỉnh hồ sơ xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Nguồn cung không đủ
Tại các địa phương, kết quả kiểm tra cho thấy, nguyên nhân các cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động do nguồn cung còn hạn chế. Báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, thời gian qua, lực lượng chức năng tỉnh đồng loạt ra quân kiểm tra các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn và chưa phát hiện trường hợp "găm hàng" chờ giá. Toàn tỉnh hiện có 389 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Kết quả kiểm tra, giám sát, có 7 cửa hàng tạm ngưng bán hàng, với các lý do như: giấy chứng nhận kinh doanh xăng dầu hết hiệu lực; đang quá trình nâng cấp, cải tạo, sửa chữa; không còn, hết xăng dầu; có đặt hàng xăng dầu nhưng bên đầu mối cung ứng chưa cung cấp kịp thời...
Lãnh đạo Sở Công thương Cà Mau xác định, gần đây tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Cà Mau gặp khó khăn. Các thương nhân phân phối xăng dầu không mua được hàng từ đầu mối nên không đảm bảo việc cung cấp kịp thời, đủ lượng xăng dầu cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ.
Tương tự, một số trạm xăng dầu đóng cửa tại tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng cho rằng, không có xăng dầu để bán. Theo lý giải của chủ cửa hàng xăng dầu, điều này là do khan hiếm nguồn cung; giá mua vào hiện tại quá cao trong khi chưa điều chỉnh giá bán lẻ, nếu nhập về bán sẽ lỗ vốn. Đoàn kiểm tra tỉnh Sóc Trăng ghi nhận một số trạm xăng dầu đóng cửa do không có người trông coi, nhân viên xin nghỉ Tết hoặc lỗ vốn do hoa hồng 0 đồng.
Thời gian qua, Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu liên tục nhận được đơn xin tạm ngưng hoạt động của các cửa hàng xăng dầu do không có nguồn hàng. Theo phản ánh của chủ cửa hàng xăng dầu, tuy không có lãi, thậm chí lỗ vốn nhưng công ty vẫn tiếp tục kinh doanh để có thể cung ứng nhiên liệu phục vụ người dân. Thế nhưng mấy ngày qua, do đầu mối không còn nguồn xăng cung ứng nên công ty buộc phải đóng cửa và chờ đến khi có nguồn hàng mới mở cửa kinh doanh tiếp.
Hiện nguồn cung xăng, nhất là xăng RON 95 cho thị trường gần như đứt đoạn do nhu cầu sử dụng xăng tăng đột biến nên gây thiếu hụt nguồn cung và Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cung cấp không đúng kế hoạch hợp đồng, chỉ cung ứng khoảng 50% đã gây thiếu hụt nguồn cung. Cục QLTT An Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh có 10 doanh nghiệp đầu mối, 16 tổng đại lý và 489 cửa hàng kinh doanh xăng dầu.
Từ ngày 29-1 đến ngày 7-2, qua kiểm tra, có 23 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở 5 huyện Thoại Sơn, Phú Tân, Châu Thành, Châu Phú và An Phú ngưng hoạt động. Cũng như các địa phương khác, lý do các cửa hàng treo biển "hết xăng" là thiếu nguồn cung, không có nhân viên phục vụ, sang nhượng cửa hàng cho đơn vị khác... Trong đó, tạm ngưng hoạt động nhiều nhất là các cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc hệ thống của PVoil cung ứng nguyên liệu.
Sở Công thương TP.Cần Thơ cho rằng, sau khi xuất hiện tình trạng trên, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra rà soát lại. Qua đó, tại Cần Thơ, chỉ có một vài cây xăng nhỏ lẻ tạm ngừng hoạt động. Còn lại các đầu mối phân phối xăng dầu lớn như Petrolimex, Saigon Petro... đều đảm bảo đủ nguồn xăng và không có chuyện đóng cửa. Những nơi nghỉ bán do họ nhập hàng từ thương nhân ở TPHCM và An Giang. Sở đã cho rà soát, nắm lại các thương nhân phân phối, yêu cầu họ phải đảm bảo xăng cung ứng cho các cửa hàng trên địa bàn. Nếu không đảm bảo, Sở sẽ báo cáo Bộ Công thương đề xuất rút giấy phép hoạt động.
Tại Vĩnh Long, đoàn thanh kiểm tra trực tiếp làm việc và kiểm tra đột xuất các cửa hàng xăng dầu. Theo đó, kiểm tra 10 đơn vị, phát hiện 2 đơn vị đăng biển hết xăng RON95, khi kiểm tra bồn không còn xăng để bán. Thành viên trong đoàn kiểm tra cho biết, đoàn kiểm tra tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp phải xuất trình các giấy tờ liên quan để truy xuất nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối cho thấy một số thương nhân đầu mối đã không cung cấp xăng cho cây xăng để bán hàng.
Xem thêm: lmth.981721_nab-ed-oc-gnohk-ion-gnah-mag-ion/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc