Căn cứ vào Báo cáo tài chính của các ngân hàng quý IV/2021 cho thấy, tính đến cuối năm 2021, tổng nợ xấu nội bảng của 24 ngân hàng ở mức hơn 96 nghìn tỉ đồng, chỉ tăng nhẹ 9,6% so với đầu năm. Một tín hiệu khả quan, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn tính đến cuối tháng 12 lại giảm tới 24,9% so với đầu năm, xuống còn 41 nghìn tỉ đồng, chiếm 42,7% tổng nợ xấu, so với tỉ trọng tới 62,2% hồi đầu năm. Và nhờ tín dụng của nhóm tăng trưởng tới 15,5% trong năm qua đã kéo tỉ lệ nợ xấu cho vay khách hàng giảm xuống còn 1,65%, so với mức 1,75% hồi đầu năm, 15/24 thành viên ghi nhận tỉ lệ nợ xấu giảm trong năm qua.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu toàn ngành năm 2021 (các khoản công bố, tồn đọng, đã bán VAMC, dư nợ tái cơ cấu) vào khoảng 7,3%. Dù tỉ lệ nợ xấu nội bảng năm 2021 của các ngân hàng giảm nhẹ nhưng về số tuyệt đối vẫn tăng khoảng 8.300 tỉ đồng, tương ứng mức tăng khoảng 9,3% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, các ngân hàng bỏ ra gần 142.000 tỉ đồng để dự phòng nợ xấu, tăng 58% so với năm 2020. Ngân hàng có tỉ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất là VCB, lên đến 424%. MBB tăng trích lập hơn 8.700 tỉ đồng, lên 268%. VPB, MSB tăng hơn 100% số trích dự phòng.
Báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán BSC mới đây đã đưa ra phân tích về bức tranh nợ xấu của các ngân hàng. Cụ thể, theo các chuyên gia phân tích BSC, nợ xấu ngân hàng vẫn trong tầm kiểm soát. Dù nợ xấu tăng do dịch bệnh bao phủ nợ đang được cải thiện.
Mặc dù nợ tái cơ cấu tăng trở lại lên mức 1,5% do làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần 4 song một số ngân hàng cũng đã trích lập từ 30% - 100% cho các khoản nợ tái cơ cấu hiện tại và dự kiến sẽ trích lập theo Thông tư 03 trong thời gian tới. Các chuyên gia của CTCK BSC cho rằng, dư nợ tái cơ cấu sẽ không quá ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng do hai yếu tố.
Thứ nhất, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng tạo ra ở mức cao giúp các ngân hàng đủ khả năng trích lập thêm mà không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng. Thứ hai, dự kiến các khoản nợ tái cơ cấu sẽ không tăng nhiều nhờ sự mở cửa lại của nền kinh tế.
Mặt khác, tỉ lệ an toàn vốn tiếp tục giữ ở mức cao. Tỉ lệ CAR Basel II tiếp tục được giữ ở mức cao, và tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giữ ở mức an toàn. Các tỉ lệ đều đảm bảo tốt yêu cầu của SBV và BSC kỳ vọng điều này sẽ được giữ vững trong tương lai với các kế hoạch tăng vốn, từ đó giúp tăng trưởng quy mô và lợi nhuận của các ngân hàng.
Do đó, theo các chuyên gia của CTCK BSC, sức khỏe tài chính của các Ngân hàng hiện nay xứng đáng có mức định giá cao hơn so với thời điểm hiện tại. Mặc dù vậy, BSC cũng cho rằng, “sự dễ dãi” của dòng tiền trong năm 2021 sẽ không còn, thị trường chứng khoán sẽ chứng kiến sự phân hóa rõ rệt và khả năng lựa chọn cổ phiếu sẽ là yếu tố trọng yếu đến hiệu suất của nhà đầu tư.
Nhận định từ một số công ty chứng khoán khác cũng đồng quan điểm khi số dự phòng của các ngân hàng đã trích bao gồm dự phòng nợ cơ cấu do dịch bệnh nên năm 2022, sau khi nợ cơ cấu giảm thì ngân hàng sẽ được hoàn nhập. Do đó, với ngân hàng đã trích lập đầy đủ các khoản vay tái cơ cấu cổ phiếu sẽ có triển vọng tích cực hơn ngân hàng khác.
Xem thêm: odl.2965101-gnah-nagn-ueihp-oc-ohc-gnas-ial-gnout-taos-meik-mat-gnort-uax-on/et-hnik/nv.gnodoal