AUDIO bài viết
Trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, có một thuyết âm mưu cho rằng các trạm phát sóng 5G làm lây lan virus corona, khiến người dân phóng hỏa đốt các trạm phát sóng tại Vương quốc Anh.
Vì loại nội dung này rõ ràng có nguy cơ gây ra thiệt hại thực tế, nên YouTube đã ứng phó bằng cách cập nhật nguyên tắc và coi đó là nội dung vi phạm dựa trên hướng dẫn của các cơ quan y tế địa phương và toàn cầu.
Thông tin sai lệch càng mới thì càng có ít ví dụ để huấn luyện hệ thống cách nhận diện. Do đó, Google đã kết hợp các thuật toán phân loại nhắm đến mục tiêu cụ thể hơn, các từ khoá ở các ngôn ngữ khác, và thông tin từ các nhà phân tích trong khu vực.
Đối với những sự kiện tin tức lớn, như thiên tai, YouTube sẽ chủ động hiển thị các bảng tin tức cung cấp diễn biến để hướng người xem đến các bài viết có liên quan.
Giải quyết vấn đề chia sẻ thông tin sai lệch trên nhiều nền tảng
Một thách thức khác là sự lan truyền các video gần ranh giới vi phạm chính sách bên ngoài YouTube. Đây là những video không thật sự vi phạm chính sách đến mức bị gỡ bỏ, nhưng là những video không nên được đề xuất.
Ngoài việc giảm đáng kể lượt xem của những video dạng này, YouTube còn tắt nút Share (chia sẻ) hoặc hủy đường liên kết trên những video trong phần đề xuất. Phương án này sẽ có hiệu quả trong việc ngăn người dùng nhúng hoặc liên kết một video gần ranh giới vi phạm chính sách đến một trang web khác.
Tăng cường ngăn chặn thông tin sai lệch
Neal Mohan, Giám đốc sản phẩm của YouTube nói rằng việc hạn chế thông tin sai lệch trên nền tảng bước đầu đã mang về kết quả. Tuy nhiên, các vấn đề phức tạp vẫn còn tồn tại ở hơn 100 quốc gia dưới hàng chục ngôn ngữ.
Quan điểm về những điều làm nên một nguồn thông tin đáng tin cậy sẽ khác nhau theo văn hoá. Tại một số quốc gia, các đài truyền hình công được nhiều người công nhận là bên cung cấp tin tức có căn cứ đáng tin cậy.
YouTube. Ảnh: Reuters
Hệ sinh thái nội dung và thông tin tại các quốc gia cũng rất đa dạng, từ các cơ quan truyền thông yêu cầu những tiêu chuẩn xác minh tính xác thực nghiêm ngặt cho đến những cơ quan ít bị giám sát hoặc xác minh.
Ví dụ, trong suốt đợt bùng phát dịch bệnh Zika tại Brazil, một số người đổ lỗi rằng các thuyết âm mưu trên thế giới đã gây ra căn bệnh này. Hay gần đây ở Nhật Bản, các tin đồn sai lệch cho rằng một trận động đất đã xảy ra do có con người can thiệp đã lan truyền trên mạng.