vĐồng tin tức tài chính 365

Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Kỳ 8: 'Đường về Đất Mũi còn cá sấu hông?'

2022-02-19 12:22
Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Kỳ 8: Đường về Đất Mũi còn cá sấu hông? - Ảnh 1.

Có đường, hải sản Đất Mũi dễ đi xa và có giá hơn - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Con đường mà mới cách đâu không lâu nhiều người Cà Mau vẫn tin rằng... "đến đời cháu chắt tui cũng chưa có".

Như cuộc khẩn hoang lần hai

"Đường về Đất Mũi có gặp rắn hổ mây khổng lồ hông, có còn cá sấu hông?". Đó là những lời "khảo sát" đầy chất truyện Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi từ anh bạn Cao Đỉnh Sơn (Đà Nẵng) trước khi quyết định làm cuốc xe từ miền Trung về Đất Mũi, Cà Mau, khiến ai biết chuyện cũng không khỏi phì cười.

Khi đường Hồ Chí Minh về đến Đất Mũi hình thành, không ít người bê nguyên những hình ảnh trong truyện của Đoàn Giỏi, Sơn Nam mà mường tượng rằng con lộ "đáng ăn nói" nhất vùng cực Nam này sẽ đưa về xứ sở hoang vu... hằng hà muông thú. 

Còn người từng biết đến rừng rậm phương Nam thì lại hiếu kỳ muốn thấy con lộ xẻ qua rừng rú như tâm thế háo hức của dân rừng muốn thấy... mặt Minh Vương, Lệ Thủy ngoài đời.

Con đường này là gạch nối cuối cùng từ thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn, Cà Mau), kẻ một vạch ngoằn ngoèo vắt qua Sào Lưới, rồi vượt sông Cửa Lớn về Nhưng Miên, Rạch Gốc, Khai Long chạy về đến đích là mũi Cà Mau. 

Con đường chạy ven theo bờ biển Đông, được bao bọc bởi những cánh rừng, vuông tôm và vắt qua hàng chục sông, rạch trong suốt chiều dài gần 59km. Trong đó, có đoạn xuyên qua Vườn quốc gia Mũi Cà Mau để về đến xã Đất Mũi.

"Chúng tôi phải xuyên qua hết đầm lầy thì đến rừng ngập. Nhiều đoạn còn hoang vu, phải khẩn hoang để mở đường. Có lúc mình nghĩ chỉ vài chục cây số qua rừng ngập mặn thôi, nhưng tưởng chừng xa xôi lắm...", kỹ sư Phạm Ngọc Tiến nói nhiều anh em làm đường coi phim Đất rừng phương Nam mà thấy mình trong đó.

"Chúng tôi đã làm cuộc khẩn hoang lần hai", anh chàng vui tính nói trước khi về đây làm đường, đọc truyện thấy người xưa bắt cá sấu, heo rừng, rắn hổ... mà rợn người. 

Những đêm ở lại nhà dân làm vuông tôm, nghe mấy chú mấy bác kể lại những ngày mới xuống xứ này cắm dùi, họ đã chịu rất nhiều thử thách của thiên nhiên khắc nghiệt. "Ở giữa rừng, ngoài kia là biển, xa hơn là mũi đất tận cùng mà chúng tôi hướng tới để góp phần cho con đường đầy ý nghĩa".

Đất Mũi - dải đất cực Nam trên đất liền Tổ quốc, những ngày này bao người đang xuôi về. Ước muốn được đặt chân lên vùng đất biểu tượng này đối với nhiều người gần như là nơi phải tới một lần trong đời.

"Tui mê nhất là lái xe trên cung đường về Đất Mũi. Băng qua những cánh rừng đước đẹp mướt mắt, qua những chiếc cầu bắc qua những nhánh sông trôi về sâu... 

Ngày xưa mình đọc sách chỉ tưởng tượng ra vùng đất rừng phương Nam, mà muốn tới đó phải đi mấy đỗi tàu ghe", Trương Thanh Tùng (42 tuổi), anh chàng quê Cần Thơ nói không nhớ hết bao lần đưa gia đình về Đất Mũi.

Từ thị trấn Năm Căn rồi "phụp" qua cầu sông Cái Nai - con đường mới mở ra khung cảnh hoàn toàn khác lạ. Đường đẹp như tranh với những khóm đước tròn trong những khoảnh vuông tôm, hay những cánh rừng ôm quanh khiến nhiều người cứ lạc vào tâm thức về một vùng rừng ngập "dưới sông sấu lội, trên rừng cọp beo". 

Những câu chuyện từ thời khẩn hoang vùng đất mới như được kể lại khi cung đường dựng lên những cảnh tượng mênh mông rừng đước.

Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Kỳ 8: Đường về Đất Mũi còn cá sấu hông? - Ảnh 2.

Đường về Đất Mũi băng qua nhiều rừng đước, sông rạch là một trong những tuyến đường đẹp nhất VN - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Con đường về vùng cuối đất

Cách nay 5 cái tết, người dân vùng Năm Căn, Rạch Gốc, Ông Trang... lần đầu nhìn thấy xe chạy qua nhà. Họ đã lạ lẫm đến mức đám con nít cứ nô nức ra trước cửa nhà ngồi... đếm xe. 

Không lạ sao được khi trước đó, dân ở những xóm rừng để ra được chợ xã, chợ huyện hay xa hơn là tỉnh lỵ Cà Mau phải đi mấy lần đò. Chỉ có ra chợ mới thấy được xe. Còn giờ thì xe cứ dập dìu.

Một thời, những chiếc tàu ghe gỗ chạy ì ạch qua kinh rạch lắt léo chui vào những cánh rừng ngập cả ngày trời để từ chợ Cà Mau về tới Rạch Tàu. 

Rồi để rút ngắn thời gian, người ta đặt những chiếc máy vốn để gắn xe lên những chiếc vỏ lãi, những chiếc tắc ráng để chở khách. Sau đó thì những chiếc tàu trung tốc, cao tốc xuất hiện. Ở vùng đất với sông rạch chằng chịt một thời, thủy lộ là lựa chọn duy nhất.

Cho nên, khi nghe chuyện người ta xẻ rừng để làm đường về Đất Mũi, dân ở đây có người còn bán tín bán nghi. Nhiều nhà không chờ đến có lộ. 

Họ đón tàu ra chợ Cà Mau mua hẳn xe để chiều chiều đem ra chạy quẩn quanh sân nhà rồi... đem vô cất mà chờ đường. Thậm chí, ngay khi con đường chỉ hoàn thành được một đoạn, nhiều người đã dùng vỏ lãi chở xe đến đoạn đường vừa làm để... chạy thử.

"Chính vì sông rạch chằng chịt nên phải bắc rất nhiều cầu để thông đường. Cứ vài cây số, thậm chí vài trăm mét là gặp cầu, nên nhiều người cứ gọi đây là con đường nhiều cầu nhất Việt Nam", ông Lý Hoàng Tiến, phó bí thư thường trực huyện Ngọc Hiển, nói vui. 

Ông Tiến nói dân ở đây ngày trước làm ăn phải lụy vào xuồng ghe. Nhưng khi đường Hồ Chí Minh đi qua thì dân trong vùng được nhờ. Không chỉ riêng khách du lịch về Đất Mũi nhiều hơn, tiêu thụ sản phẩm của dân bản xứ nhiều hơn, mà đặc sản của vùng đất cũng thuận tiện đi xa.

"Khi có đường về đây, tàu cá sẽ vô đông cho coi!", bà Nguyễn Ngọc Sương, chủ vựa hải sản lớn nhất Đất Mũi, nói rằng xét về vị trí, Đất Mũi có lợi thế là ở rất gần ngư trường đánh bắt, lại là điểm giao thoa giữa biển Tây với biển Đông. 

Nên tàu bè vào đây sẽ giảm bớt chiều chi phí xăng dầu. Chỉ ngặt một nỗi trước giờ đường sá không có, hải sản thu mua phải gửi tàu đò đi một đêm mới ra được Cà Mau. Rồi từ Cà Mau lên Sài Gòn thêm một chặng đường dài nữa, vừa tốn phí vận chuyển, hải sản lại không được tươi ngon. Vì vậy các tàu đánh bắt "chê" Đất Mũi để đi những nơi khác bán cá và mua sở phí ra khơi.

"Vậy nên Đất Mũi trước giờ thiệt thòi lắm", bà Sương nói khi đường Hồ Chí Minh hoàn thành, bà đã mua vài chiếc xe tải để chở hàng từ Đất Mũi lên thẳng TP.HCM để hàng hóa từ đây có thể bán được giá hơn. "Khi mình bán hải sản có giá, mình mua vào giá cũng sẽ cao hơn, tàu bè sẽ vào bán nhiều hơn", bà Sương phấn khởi.

Tranh thủ có đường, nhiều nông dân đã bắt đầu tính chuyện làm ăn. Anh Tư Tỵ, một chủ vuông tôm ở Rạch Gốc, tranh thủ mở một điểm giới thiệu sản vật từ rừng, biển trong vùng. Không bất ngờ khi chỉ trong thời gian không dài, khách từ Bắc chí Nam cứ về đến nhà Tư Tỵ để thưởng thức cá thòi lòi, ốc len, vọp, cua biển...

"Dân ở đây được cái rất chân thành nên bà con ở xa tới được tiếp đón như người thân về nhà. Nhiều người ở xa nhưng ghé chỗ tui nhiều lần rồi trở nên thân...", Tư Tỵ chia sẻ.

Đường Hồ Chí Minh về Đất Mũi là đoạn đường cuối cùng của "con đường thiên lý" từ Pắc Pó đến mũi Cà Mau. Đoạn Năm Căn - Đất Mũi dài hơn 58km, tổng vốn đầu tư trên 3.932 tỉ đồng.

Điểm đầu tiếp giáp với quốc lộ 1 (thị trấn Năm Căn), điểm cuối Khu công viên văn hóa Đất Mũi. Giai đoạn trước mắt đầu tư xây dựng 51km: gồm 27 gói thầu xây lắp (14 gói thầu cầu, 13 gói thầu đường), do Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (thuộc Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư.

Từ khi đường Hồ Chí Minh về Đất Mũi được hoàn thành, nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực du lịch, giao thông, năng lượng... cũng hình thành. Vùng đất rừng rậm xa xôi giờ đã mở ra nhiều triển vọng phát triển.

**********

Quê xưa Tự Lực văn đoàn có năm con đường chính được đặt tên, duy chỉ có một con đường mang tên văn nhân là đường Thạch Lam...

>> Kỳ tới: Đi dưới bóng hoàng lan

Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Kỳ 7: Những tên đường gọi yêu thươngChuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Kỳ 7: Những tên đường gọi yêu thương

TTO - Gấp cuốn Leonardo de Vinci hơn 700 trang lại, bà Vũ Phong Thu mỉm cười mãn nguyện: "Đến tuổi này tôi mới có được thời gian cho mình, cho niềm yêu thích nghệ thuật ngày xưa, những tưởng đã bị cuộc đời lấy mất từ lâu".

Xem thêm: mth.79452649181202202-gnoh-uas-ac-noc-ium-tad-ev-gnoud-8-yk-teiv-coun-gnoud-net-gnuhn-ek-auhc-neyuhc/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Kỳ 8: 'Đường về Đất Mũi còn cá sấu hông?'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools