Còn nhiều ý kiến cảm thấy không hài lòng
Ngày 18.2, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2021 và triển khai công tác năm 2022 trong bối cảnh chỉ số CCHC (PAR index) hằng năm càng xa nhóm dẫn đầu. Năm 2018, PAR index của TP.HCM đứng thứ 10, sang năm 2019 vươn lên thứ 7 nhưng đến năm 2020 xếp hạng thứ 23. Hiện Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ chưa công bố PAR index của năm 2021 nhưng theo Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân, TP.HCM đặt mục tiêu nằm trong top 15 của 63 tỉnh thành trong năm 2022.
Dù tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn khá thấp nhưng TP.HCM vẫn còn hơn 32.000 hồ sơ chưa giải quyết đúng thời hạn Sỹ Đông |
Về giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), ông Nhân cho biết năm 2021, TP.HCM nhận hơn 17,8 triệu hồ sơ của người dân và tổ chức. Trong số hồ sơ đã giải quyết có hơn 17,3 triệu hồ sơ giải quyết đúng hạn (chiếm tỷ lệ 99,81%) và hơn 32.200 hồ sơ giải quyết quá hạn (chiếm tỷ lệ 0,19%). Trong các hồ sơ trễ hẹn, còn 215 hồ sơ chưa gửi thư xin lỗi, tập trung vào lĩnh vực đất đai và lĩnh vực khiếu nại, tố cáo. Hiện TP.HCM đã đưa 805/1.746 TTHC giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến.
Ông Ngô Thanh Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, cho hay năm 2021, đơn vị đã khảo sát thông qua 16.692 cuộc gọi lấy ý kiến người dân và doanh nghiệp (DN) về thái độ phục vụ, số lần đi lại để hoàn thành thủ tục, tính minh bạch về tài chính… Kết quả cho thấy mức độ hài lòng tăng so với năm 2020, một số đơn vị có mức cải thiện cao như: Sở KH-ĐT, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Q.6, Q.Tân Bình… Dù vậy, vẫn còn có nhiều ý kiến người dân và DN cảm thấy không hài lòng vì TTHC chưa thật sự tinh gọn, rõ ràng, ở một số đơn vị thái độ cũng như sự hướng dẫn, chuyên môn của công chức chưa cao.
Điểm nghẽn công tác phối hợp
Dẫn khảo sát của Ủy ban MTTQ VN TP.HCM về sự hài lòng có chuyển biến tích cực, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá, kết quả này cho thấy trong khó khăn, các đơn vị vẫn hoàn thành nhiệm vụ và nhận được sự thông cảm, chia sẻ, hợp tác của người dân, DN. Tuy vậy, ông Mãi cho rằng do khối lượng hồ sơ hằng năm của TP.HCM rất lớn, nên dù tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn thấp nhưng con số tuyệt đối vẫn rất cao (hơn 32.000 hồ sơ).
Ông Mãi cho biết sắp tới TP.HCM sẽ có chỉ thị về CCHC, giao nhiệm vụ cụ thể, xác lập quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết TTHC. TP.HCM cũng tính toán lập tổ công tác kiểm tra hành chính để cải thiện công tác phối hợp giữa các ngành, xây dựng quy trình về thời gian giải quyết, trách nhiệm cụ thể và cơ chế giám sát, khen thưởng, phê bình. Để nâng cao số TTHC được giải quyết trực tuyến, ông Mãi nhìn nhận cần có khung pháp lý để tháo gỡ vướng mắc về thanh toán trực tuyến, chữ ký số, pháp lý của văn bản số, để người dân thấy rằng làm trực tuyến cũng như làm trực tiếp, và chọn làm trực tuyến ở nhà khỏe hơn.
Lãnh đạo UBND TP.HCM đề nghị MTTQ và các đoàn thể có cách thức đánh giá khoa học hơn để tiệm cận với mức độ hài lòng, tín nhiệm thực của người dân, bởi nếu chỉ đánh giá qua mẫu khảo sát thì không mang tính đại diện. “Đây là trách nhiệm của thành phố trong sứ mệnh phục vụ người dân và DN”, ông Mãi nhấn mạnh.
Cần luật đô thị đặc biệt cho TP.HCM ?
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội ban hành 3 nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM, gồm: Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; Nghị quyết 131/2020 về thực hiện chính quyền đô thị và Nghị quyết 1111/2020 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP.Thủ Đức.
Trong năm nay, TP.HCM sẽ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54, trên cơ sở đó đề xuất với Quốc hội theo 2 hướng. Hướng thứ nhất là đề xuất Quốc hội gia hạn và bổ sung điều chỉnh Nghị quyết 54. Hướng tiếp cận còn lại là có thể đề xuất giống như Hà Nội có luật Thủ đô, thì đối với TP.HCM nên chăng có luật đô thị đặc biệt để có thêm cơ chế đặc thù, phù hợp, tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển đột phá.