Trong đó, sự chú ý của giới đầu tư sẽ tiếp tục đổ dồn về những ngành sôi động trong năm qua như ngành y tế đến từ việc thay đổi cấu trúc dân số trung và dài hạn; ngành chứng khoán với triển vọng từ nâng hạng thị trường; và không thể không kể đến ngành ngân hàng.
Năm 2023, y tế là một trong những ngành có hoạt động M&A sôi động nhất, xét cả về số lượng và giá trị giao dịch, khi có tới 11 thương vụ diễn ra với tổng giá trị được công bố đạt 508 triệu USD (gấp 2 lần so với năm 2022).
Kirin Capital đã chỉ ra 4 yếu tố tiềm năng khiến nhà đầu tư đẩy mạnh hoạt động M&A tại ngành này.
Một là, sự ổn định và khả năng chống chọi trước suy thoái kinh tế của lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ. Chăm sóc sức khoẻ là nhu cầu thiết yếu, căn bản, không bị ảnh hưởng bởi các biến động trong nền kinh tế chung. Kể cả khi tình hình kinh tế đối mặt nhiều thử thách, người dân vẫn cần sử dụng các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khoẻ. Do đó, dưới góc nhìn của các nhà đầu tư, lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ được đánh giá là một trụ cột ổn định.
Hai là, các yếu tố nhân khẩu học thuận lợi cùng sự gia tăng tầng lớp trung lưu. Với quy mô dân số 100 triệu người, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng (dự báo chiếm 70% dân số vào năm 2030), khiến cho nhu cầu tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và cơ sở y tế chất lượng ngày càng tăng cao. Nhờ sự chuyển dịch cơ cấu dân số này đã giúp thúc đẩy nhu cầu dịch vụ chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao, từ đó tạo tiền đề vững chắc cho các khoản đầu tư vào lĩnh vực này.
Thương vụ M&A trong lĩnh vực y tế năm 2023. |
Ba là, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao tại Việt Nam rất lớn, nhưng vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ. Trước đây, dịch vụ này chủ yếu do các cơ sở y tế công lập cung cấp, dẫn đến tình trạng quá tải tại các thành phố lớn, tạo áp lực không nhỏ đối với đội ngũ nhân viên y tế. Các cơ sở tư nhân đã và đang nổi lên như phương án bổ sung và hỗ trợ cho hệ thống y tế công, mang tới nhiều lựa chọn hơn cho người dân, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Bốn là, nhận thức về sức khoẻ người dân đang dần được nâng cao. Điều này thể hiện qua mức độ tăng chi tiêu bình quân đầu người hàng năm của người Việt cho hàng hoá dịch vụ y tế, từ 90 USD vào năm 2017 lên đến 141 USD vào năm 2022 theo nghiên cứu của Euromonitor. Đặc biệt, trải qua đại dịch COVID-19 cùng với việc tiếp cận nhiều hơn các thông tin về sức khoẻ và lối sống lành mạnh, người dân ngày càng có xu hướng tăng chi tiêu để nâng cao chất lượng sức khoẻ. Xu hướng này góp phần thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ chất lượng, giúp lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ trở nên hấp dẫn hơn từ góc độ đầu tư.
Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe được kỳ vọng tiếp tục là điểm nóng M&A tại Việt Nam. |
Lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ được kỳ vọng tiếp tục là “điểm nóng” M&A tại thị trường Việt Nam. Các thương vụ được thực hiện trong năm 2023 là ví dụ tiêu biểu thể hiện cơ hội thoái vốn thành công cho các nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư tài chính, từ đó càng củng cố sự tự tin của các nhà đầu tư, tạo lực hấp dẫn để thu hút thêm nhiều khoản đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực này.
Dự báo, bức tranh đầu tư trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam tiếp tục duy trì sự sôi động, cơ hội đầu tư rộng mở, các đặc điểm, tính chất thương vụ và đối tượng bên mua – bán cũng đa dạng hơn. Sự đa dạng về cấu trúc giao dịch và số lượng cơ hội đầu tư đáng kể sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của các hoạt động M&A trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam.