Theo khảo sát thường niên lần thứ 25 về CEO toàn cầu của PwC, thì có 76% CEO trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ cải thiện vào năm 2022. Ngoài ra, hầu hết các CEO ở châu Á - Thái Bình Dương đều có mức độ tin tưởng cao về triển vọng tăng trưởng doanh thu của chính họ trong 12 tháng tới, ngoại trừ các CEO ở Nhật Bản.
Trong năm 2022, có 58% CEO châu Á – Thái Bình Dương cho rằng: sức khỏe (bệnh dịch) chính là rủi ro lớn nhất mà họ phải đối mặt; tiếp theo là rủi ro an ninh mạng (44%) và biến động kinh tế vĩ mô (43%) lần lượt là các mối đe dọa ưu tiên thứ hai và thứ ba của họ.
Bên cạnh đó, 60% của các công ty trong khu vực đã thực hiện hoặc đang tiến tới cam kết không zero-carbon hoặc trung tính với carbon (69%). Nhiều doanh nghiệp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang vượt xa (9-13%) các doanh nghiệp toàn cầu về quy mô và độ sâu trong các cam kết về khí hậu của họ.
Về thị trường Việt Nam, theo nhận định của PwC, thì: Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam năm 2021 chậm lại còn 2,58% do ảnh hưởng của cao trào đại dịch lần thú 4. Tuy nhiên, theo dự báo của IMF, Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022 và trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN, ở mức 6,6%, đứng trước cả Philippines (6,3%) và Malaysia (6%).
"Cảm giác lạc quan được chia sẻ bởi các CEO khu vực là có cơ sở ở Việt Nam, khi đất nước chúng ta tiếp tục thể hiện sức mạnh và khả năng phục hồi tuyệt vời.
Vô số các FTA có hiệu lực, quan hệ thương mại với các thị trường lớn ngày càng phát triển và cơ hội đến từ các công ty FDI sẽ đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, khi chúng ta điều chỉnh chính sách theo ‘bình thường mới’.
Mức tăng trưởng GDP mục tiêu của Chính phủ từ 6% - 6,5% là có thể đạt được và muốn được vậy cần sự nỗ lực chung của các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp, để đảm bảo tăng trưởng bền vững", ông Nguyễn Lương Hiền - Đối tác, Tư vấn chiến lược của PwC Việt Nam, nhận định.
NĂM 2021, ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI CỦA CÁC CÔNG TY VIỆT NAM VÀO MỸ TĂNG TRƯỞNG VƯỢT BẬC
Thực tế, dựa trên số liệu của năm 2021, Việt Nam cũng đang trên đà phục hồi từ Covid-19 về tổng giá trị xuất khẩu với mức tăng trưởng 19%. Với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mới nhất vừa có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các thị trường toàn cầu sẽ tiếp tục đi lên.
Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục là một điểm đến đầu tư hấp dẫn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), cả nước vẫn ghi nhận tổng vốn mua mới, điều chỉnh và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tính đến ngày 20/12/2021 đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang xác định đúng thị trường mục tiêu và xây dựng thương hiệu của mình ở nước ngoài.
Năm 2021, đầu tư ra nước ngoài của các công ty Việt Nam vào Mỹ tăng trưởng vượt bậc, với tổng trị giá 300 triệu USD. Ví dụ điển hình là VinFast, một nhà sản xuất ô tô, đã mở chi nhánh ở Bắc Mỹ và châu Âu và có kế hoạch IPO ở Mỹ trong tương lai gần. Hay FPT Software - một công ty con của của tập đoàn FPT, cũng đang mở rộng hoạt động tại Mỹ với khoản đầu tư vào Intertec International.
Ở khía cạnh khác, tương tự như hầu hết các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, biến thể Delta tăng mạnh tại Việt Nam vào tháng 4/2021 đã trở thành thách thức lớn nhất cho nền kinh tế và xã hội đến nay. Mặc dù việc triển khai vắc xin nhanh chóng giúp phục hồi kinh tế quốc gia, những việc biến thể Omicron xuất hiện vào cuối tháng 11/2021 đang gây ra một mối lo lắng khác.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn quyết tâm chuyển từ chế độ "không Covid-1d" sang trạng thái "sống chung với Covid". Theo đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 128 như một bước đầu tiên để sống an toàn trong tình hình ‘bình thường mới’, sau đó là dần dần mở cửa biên giới.
RỦI RO AN NINH MẠNG VÀ LẠM PHÁT CÓ THỂ GIA TĂNG TRONG NĂM 2022
Rủi ro an ninh mạng có thể là một lĩnh vực quan trọng khác cần đề phòng ở Việt Nam vào năm 2022. Theo Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCSC), Việt Nam đã chứng kiến mức tăng các cuộc tấn công mạng lên 45% chỉ trong nửa đầu năm 2021. Vì nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 57 tỷ USD vào năm 2025, nên các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với sự gia tăng các mối đe dọa và tấn công mạng tinh vi hơn.
Có những lo ngại và về tỷ lệ lạm phát tăng cao vào năm 2022 do áp lực giá từ chuỗi cung ứng và giá hàng hóa toàn cầu. Theo Bloomberg, trong năm 2022, lạm phát tại Việt Nam và Indonesia có thể tăng nhanh nhất ở châu Á. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam dự kiến lạm phát sẽ vẫn trong tầm kiểm soát với tỷ lệ dưới 4% và xem nó như là mục tiêu của quốc gia.
NĂM 2022 LÀ CƠ HỘI VÀNG ĐỂ CÁC DOANH NGHIỆP CHUYỂN HƯỚNG SANG ‘TĂNG TRƯỞNG XANH’
Tập đoàn Lego của Đan Mạch đã ký một Biên bản ghi nhớ để xây dựng một nhà máy trung hòa carbon trị giá 1 tỷ USD tại Việt Nam.
Tuần lễ Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (còn được gọi là COP26) là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Việt Nam cũng đã cam kết mạnh mẽ hơn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Một số bước đầu tiên trong việc chuyển đổi các cam kết thành các hành động bao gồm quy định về Bảo vệ Môi trường, hợp pháp hóa việc thiết lập định giá carbon dưới dạng ‘Đề án Mua bán Phát thải đối với khí nhà kính’. Thuế carbon cũng có thể được phát triển theo khuôn khổ tổng thể do luật này cung cấp.
Ngoài ra, hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Việt Nam và các bên quốc tế khác đã được thiết lập. Việt Nam là một phần của "Cơ chế chuyển đổi năng lượng" do Ngân hàng Phát triển châu Á hỗ trợ nhằm loại bỏ dần năng lượng nhiên liệu hóa thạch trong hoạt động kinh doanh – sinh hoạt.
Đây là cơ hội vàng để các doanh nghiệp chuyển hướng sang ‘tăng trưởng xanh’. Bởi các doanh nghiệp thực hiện các cam kết sớm sẽ được hưởng lợi thế của người đi trước - định vị này có lợi trong việc thay đổi thái độ của người tiêu dùng, công nghệ mới và thị trường mới. Người ta đã bắt đầu thấy nhiều ‘dự án xanh’ đến từ cả các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước tại Việt Nam.
Ví dụ gần đây nhất: VinFast là một trong những công ty ô tô đầu tiên trên thế giới chuyển hoàn toàn sang điện thuần túy và Tập đoàn Lego của Đan Mạch đã ký một Biên bản ghi nhớ để xây dựng một nhà máy trung hòa carbon trị giá 1 tỷ USD tại Việt Nam.
Quỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị