Tập đoàn Yeah1 vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 với doanh thu thuần 248 tỉ đồng, giảm 29% so cùng kỳ. Lãi gộp đạt 48 tỉ đồng. Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính của Yeah1, kết quả hoạt động kinh doanh của công ty này ghi nhận một khoản thu tài chính 360 tỉ đến từ việc thoái vốn công ty con. Chính khoản thu đột biến này đã giúp Yeah1 lãi trước thuế 329 tỉ đồng và lãi sau thuế 281 tỉ đồng.
Điều này đồng nghĩa Yeah1 chấm dứt chuỗi 4 quý thua lỗ liên tiếp. Không chỉ vậy, kết quả kinh doanh quý IV/2021 đã giúp cho công ty kết thúc năm 2021, vẫn có lãi sau thuế 27,7 tỉ đồng. Trước đó, công ty lỗ cả 3 quý đầu năm tổng cộng 254 tỉ đồng. Tại 31.12.2021, doanh nghiệp truyền thông sở hữu quy mô tài sản 1.380 tỉ đồng, đi ngang sau 1 năm. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh còn âm gần 65 tỉ đồng, cải thiện hơn con số âm 428 tỉ đồng năm trước.
Quan trọng hơn cả, do Yeah1 đã báo lỗ trong cả năm 2019 và 2020, nên việc có lãi trong năm 2021 sẽ giúp Yeah1 không bị rơi vào tình trạng thua lỗ 3 năm liên tiếp và tránh được việc bị hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Để có thể lách được qua khe cửa hẹp của án huỷ niêm yết, theo thông tin từ Yeah1, trong 4 ngày cuối cùng của năm 2021, Yeah1 đã liên tục bán các công ty con. Cụ thể, vào ngày 27.12, Yeah hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty Netlink Online Corporation và Công ty TNHH Truyền thông công nghệ Netlink Việt Nam với tổng giá trị chuyển nhượng không thấp hơn 270 tỉ đồng, ghi nhận khoản lãi tài chính 210 tỉ đồng.
Đến ngày 31.12, Yeah1 tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại CTCP Yeah1 Edigital với tổng giá trị chuyển nhượng là 298 tỉ đồng và ghi nhận khoản lãi 147 tỉ đồng vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Sau giao dịch này, hai công ty Yeah1 Publishing và Trung tâm nội dung số không còn là công ty con của Yeah1.
Bên cạnh tình hình kinh doanh, làn sóng thoái vốn của các cổ đông lớn và cổ đông nội bộ cũng đang là điểm đáng chú ý tại Yeah1. Mới nhất, cổ đông lớn DFJ VinaCapital Venture Investment Ltd (DFJV) đăng ký bán toàn bộ hơn 3 triệu cổ phiếu YEG từ ngày 22.02 - 23.03.2022 để cơ cấu danh mục. Giao dịch sẽ thực hiện theo phương thức thỏa thuận.
Tổng Giám đốc Đào Phúc Trí cũng thực hiện bán cổ phiếu. Cụ thể ngày 27.12.2021, ông Trí bán ra 1,15 triệu cổ phiếu giảm tỉ lệ sở hữu còn 1,1%. Một cổ đông lớn đáng chú ý khác đó là bà Trần Uyên Phương cũng đã ròng rã bán tổng cộng 6 triệu cổ phiếu YEG từ tháng 4 đến tháng 7.2021, hạ sở hữu xuống chỉ còn 2,51%.
Tuy nhiên, đến ngày 10.01.2022, bà Phương mua vào lại 3,7 triệu cổ phiếu, nâng tỉ lệ nắm giữ lên 14,33%. Đây là lượng cổ phiếu do Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Ảnh Nhượng Tống bán ra, theo đó ông Tống hạ sở hữu xuống còn 4 triệu cổ phiếu giữ tỉ lệ 12,9%.
Xem thêm: odl.0095101-peh-auc-ehk-auq-tey-mein-yuh-na-taoht-1haey/et-hnik/nv.gnodoal