Tổng thống Zelensky tại hội nghị an ninh Munich ngày 19-2 - Ảnh: GETTY
Phát biểu của ông Zelensky được nêu tại hội nghị an ninh Munich ngày 19-2, Hãng tin Bloomberg đưa tin.
Tổng thống Zelensky cũng kêu gọi các đồng minh bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga ngay bây giờ thay vì chờ đợi một "cuộc xâm lược". Tổng thống Ukraine cũng chỉ trích tuyên bố lặp đi lặp lại của Mỹ rằng một cuộc tấn công sẽ xảy ra chỉ trong vài ngày, theo New York Times.
"Các ông còn chờ gì nữa?", ông Zelensky nói tại hội nghị an ninh Munich.
"Chúng tôi không cần các biện pháp trừng phạt sau khi nền kinh tế sụp đổ và các khu vực của chúng tôi bị chiếm đóng", Tổng thống Ukraine nói gay gắt.
Mỹ và EU đã hứa sẽ có các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga nếu nước này có động thái leo thang căng thẳng mà không nói rõ các biện pháp trừng phạt là gì. Trong khi đó, Mátxcơva nhiều lần phủ nhận mọi kế hoạch tấn công Ukraine.
Tại hội nghị an ninh Munich, Ông Zelensky cũng kêu gọi xây dựng lộ trình rõ ràng cho việc Ukraine trở thành thành viên của NATO và Liên minh châu Âu (EU).
Tổng thống Zelensky mô tả Ukraine như tuyến đầu an ninh cho các nước châu Âu ở phía tây và việc các nước đồng minh viện trợ vũ khí là nhằm đóng góp cho an ninh của châu Âu và thế giới.
Zelensky cho biết ông biết ơn các đồng minh phương tây của Ukraine đã cung cấp viện trợ ngoại giao, tài chính và quân sự kể từ khi cuộc nổi dậy vũ trang ở miền đông Ukraine nổ ra.
Tuy nhiên, nếu các đồng minh thực sự muốn giúp đỡ, họ nên "thiết lập một quỹ ổn định và tái thiết cho Ukraine, và một chương trình cho vay, cung cấp vũ khí, máy móc, thiết bị mới cho quân đội của chúng tôi - một đội quân bảo vệ toàn bộ châu Âu", ông Zelensky nói.
Mỹ cho biết họ đã cung cấp khoản viện trợ quân sự trị giá 2,7 tỷ USD kể từ năm 2014, bao gồm cả vũ khí chống tăng hiện đại. Trong những tháng gần đây, các đồng minh NATO khác đã gửi tên lửa phòng không vác vai và tên lửa chống tăng chuyên dụng để sử dụng trong chiến tranh đô thị.
Trong khi Tổng thống Ukraine không đề cập cụ thể đến quốc gia nào, đích ngắm của ông dường như là Đức, quốc gia đã phản đối việc trang bị vũ khí cho Ukraine. Chính phủ Berlin nói rằng điều đó không phù hợp với các quy tắc nghiêm ngặt về bán vũ khí và thay vào đó, họ đã đi đầu trong việc cung cấp viện trợ tài chính để hỗ trợ nền kinh tế.
Trước đó, Đức đã giao 5.000 mũ bảo hiểm cho Ukraine nhưng bị nước này nói rằng không đạt yêu cầu.
TTO - Căng thẳng biên giới Ukraine - Nga nóng trở lại khi Tổng thống Mỹ Joe Biden một lần nữa quả quyết ông tin là Nga sẽ tấn công Ukraine trong "tuần tới, những ngày tới" thay vì tìm giải pháp ngoại giao.
Xem thêm: mth.75614159002202202-agn-tahp-gnurt-yat-gnouhp-hnim-gnod-iog-uek-eniarku-gnoht-gnot/nv.ertiout