4 tập của bộ tiểu thuyết Cõi nhân gian - Ảnh: N.B.P.
Việc kéo theo thay đổi từng cá nhân chính là những tiểu chuyện trong cái đại chuyện kia. Nhiều chuyện nhỏ hợp nhau thành chuyện lớn. Và các cá thể góp mặt làm nên một cõi nhân gian.
Trong Cõi nhân gian (tiểu thuyết của Nguyễn Phúc Lộc Thành - NXB Hội Nhà Văn), nhân tình thế thái lộ ra ở từng nhân vật. Có nhân vật thống nhất từ đầu đến cuối về bản chất, nhưng đa số nhân vật thay đổi theo thời gian cùng thời cuộc.
Những nhân vật ấy hoặc thuở ban đầu còn trong sáng, sau ngày càng tha hóa, thậm chí dữ tợn hơn. Cũng có nhân vật lại biến chuyển theo hướng ngược lại, nó tìm cách bơi ngược dòng nước ngầu đục của thời thế để tìm về nguồn trong trẻo của nhân chi sơ tính bản thiện.
Giữa cái bể mịt mùng của giới làm ăn, bao gồm cả làm ăn về quyền, tiền, với đủ các nhân vật, quan chức có, đại gia có, giang hồ có, thân phận cu li có, đầy những mánh lới, cạm bẫy và sóng ngầm, thì nhân tính vẫn cứ nổi trôi mà chẳng chịu chìm đi. Ví dụ như trong cảnh giới lọc lừa, giăng bẫy nhau, vẫn có những khạo khờ về tình yêu bất chấp tuổi tác.
Người Việt có câu dạy làm người: Học ăn, học nói, học gói, học mở. Quy chiếu câu này sang văn học, sẽ thấy đấy là quy trình của sáng tạo. Học ăn là cách thức lựa chọn tiếp cận, nghiền ngẫm, hấp thụ hiện thực đời sống bộn bề.
Học nói là học cách bồi đắp, phát triển ngôn ngữ, sử dụng nó để tạo ra giọng điệu riêng. Học gói là nghệ thuật bao quát, thâu tóm, dồn nén, sắp xếp thế giới xung quanh theo một chỉnh thể chủ quan. Học mở là nghệ thuật tạo ra sự đa nghĩa để nới rộng kích thước tác phẩm.
Cõi nhân gian không nằm ngoài cái quy trình ấy. Ở học ăn, tác phẩm lọc lựa, hấp thụ được những nhân vật mang tính tiêu biểu cho các tầng lớp. Điều ấy cũng cho thấy tác giả đầy vốn sống, trải đời, biết ngụp lặn trong đó để tìm ra chất liệu.
Ở học nói, Cõi nhân gian có phong cách riêng, xuyên suốt một giọng kể đầy vững chãi và khí lực, không trùng cho tới dòng cuối. Cõi nhân gian biết cách học gói, dù cả đống nhân vật với đủ loại nhưng vẫn được gói ghém trong một chỉnh thể, dài nhưng không lê thê, nhiều nhưng không thừa.
Vì nhà văn thường không lường trước giới hạn của câu chuyện, cho nên để kết thúc được là điều khó, nhất là với mạch chuyện giăng trập trùng thì muốn kết được, phải cần đến nghệ thuật của sự can đảm. Dùng một giấc mơ dở dang, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, để kết thúc, không phải khéo mà cao tay. Đó chính là nghệ thuật học mở.
Cõi nhân gian, qua chuyển động của các sự kiện, cho thấy không chỉ một giai đoạn xã hội cụ thể, với những câu chuyện cùng những con người cụ thể, mà đã mở rộng biên độ, giới hạn để tiến tới tính khái quát cao hơn, rằng: đây đích thị là cõi nhân gian, vừa đáng ngại, vừa đáng quý.
Đáng ngại vì xu hướng tha hóa, đáng quý bởi luôn còn đó, dù là chập chờn, ánh sáng của thiện tâm trong cái vùng nguy cơ thăm thẳm kia.
Với bộ tiểu thuyết dày dặn, quả thực nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành đã mang tới cho bạn đọc nói rộng, và văn học nói hẹp, một Cõi nhân gian theo đúng nghĩa.
TTO - Bốn tập sách đại diện cho 4 thể loại văn chương TP.HCM vừa ra mắt bạn đọc đầu năm Nhâm Dần 2022: Dòng biên viễn, Sài Gòn thở chậm hít sâu, Phù sa châu thổ, Cha tôi nhà thơ Nguyễn Bính.
Xem thêm: mth.30872210102202202-naig-nahn-ioc-oav-id/nv.ertiout