Giá cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai cũng đã quay trở lại mệnh giá và sau đó đã có chuỗi ngày tăng điểm đáng chú ý vào giai đoạn cuối năm 2021 cả về giá trị lẫn thanh khoản. Trong đó, giá trị giao dịch mỗi phiên rất cao với vài chục triệu cổ phiếu trong một thời gian dài. Tuy nhiên, sau đó một gáo nước lạnh dội vào nhà đầu tư với thông tin cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) nguy cơ bị hủy niêm yết. Với hơn 30.000 nhà đầu tư, những động thái liên quan tập đoàn này có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường và nhóm sở hữu cổ phiếu HAG đã có đơn kêu cứu.
Kết phiên giao dịch ngày 18.2, cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chốt phiên vẫn loay hoay quanh mức 11.000 đồng/cổ phiếu. So với cách đây 1 tháng, thị giá của HAG đã bị giảm gần 30%. Không chỉ vậy, lượng cổ phiếu được mua bán cũng sụt giảm gần 30% so với khối lượng giao dịch trung bình trong 10 phiên gần nhất. Như vậy chỉ ước tính với hơn 44 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trong phiên giao dịch một tháng trước (ngày 17.1) với giá 15.650 đồng/cổ phiếu thì các nhà đầu tư đã bị thua lỗ gần 200 tỉ đồng.
Ngoài trường hợp khá đặc biệt về chuyện bị hồi tố như HAGL, trên thị trường chứng khoán có nhiều mã cổ phiếu các cổ đông đang khá lo lắng chờ đợi bản án hủy niêm yết cũng vì công ty làm ăn thua lỗ liên tiếp 3 năm liền. Đặc biệt là những cổ đông đã lỡ đu theo những cơn sóng giá cổ phiếu đó trước khi tin hủy niêm yết được đưa ra.
Đơn cử như cổ phiếu RIC của CTCP Hoàng Gia có khả năng bị hủy niêm yết nếu lợi nhuận sau thuế năm 2021 tại báo cáo kiểm toán năm 2021 âm. Bởi trước đó, báo cáo tài chính quý 4/2021 của RIC ghi nhận lợi nhuận sau thuế cả năm 2021 âm 96,5 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31.12.2021 cũng âm 406,3 tỉ đồng. Báo cáo kiểm toán các năm 2019, 2020 cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế lần lượt âm 72,79 tỉ đồng và 81,54 tỉ đồng.
Tuy kinh doanh thua lỗ triền miên, nhưng năm 2021 là năm khá ấn tượng với giá cổ phiếu RIC với những cú "siêu lượn". Thời gian trước, cổ phiếu RIC thường xuyên dao động ở mức giá 4.000 đồng, dường như bị dòng tiền "lãng quên". Tuy nhiên, vào quý 1/2021, cổ phiếu này bất ngờ bật tăng mạnh, đạt đỉnh hơn 46.100 đồng/cổ phiếu vào phiên 4.3.2021, tương ứng tăng gần 10 lần so với giá hồi đầu năm. Sau đó, RIC bắt đầu đảo chiều, lao dốc mạnh, hiện đang neo ở giá xung quang mức 17.000 đồng/cổ phiếu, rớt gần 2,5 lần so với đỉnh, nhưng cao gần 4 lần so với giá 4.800 đồng/cổ phiếu vào hồi đầu năm 2021.
Theo quy định hiện hành, sau khi hủy niêm yết, các doanh nghiệp sẽ tự động được đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM để duy trì thanh khoản cổ phiếu. Thế nhưng dưới góc nhìn của TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư quỹ DG thì cổ phiếu có thanh khoản hay không hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng hồi phục của doanh nghiệp. Một khi doanh nghiệp đã cạn về tài chính, khả năng hoạt động không hiệu quả thì đưa lên sàn UPCoM chẳng khác gì thêm “rác” vào sàn này.
Những cổ phiếu kém chất lượng bị đào thải là điều tất yếu nhưng ai là người chịu thiệt nhiều nhất khi cổ phiếu hủy niêm yết? Đó vẫn là các cổ đông và nhà đầu tư đại chúng. Bởi vì hầu hết cổ phiếu trước khi hủy niêm yết đều rơi vào tình trạng thị giá tụt dốc không phanh, mức giá thường dưới giá niêm yết rất nhiều, thanh khoản èo uột, nhiều cổ phiếu có khối lượng giao dịch bằng 0. Hoặc ngược lại có nhiều trường hợp các cổ phiếu trước thời điểm hủy niêm yết còn xảy ra hiện tượng tăng giá vì có những thông tin đồn đoán về việc có nhà đầu tư mới sẽ tái cấu trúc, được công ty lớn thâu tóm... và khiến cho nhà đầu tư lao vào gom cổ phiếu như con thiêu thân để rồi sau đó phải “ôm hận”.
Xem thêm: odl.0895101-tey-mein-yuh-ueihp-oc-ihk-yac-gnad-ion-av-ohn-gnod-oc/et-hnik/nv.gnodoal