Trong buổi gặp nhà đầu tư cuối tuần này, ông Đoàn Văn Hiểu Em - Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) – cho biết, doanh nghiệp này đặt mục tiêu năm nay có doanh thu 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 30% so với năm trước.
Chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh vẫn là trụ cột mang lại dòng tiền chính, đóng góp 75-80% vào tổng doanh thu nhờ mở rộng hệ thống, chuyển đổi và nâng cấp nhiều cửa hàng ở những khu vực tiềm năng và kinh doanh thêm sản phẩm mới để tăng doanh số những cửa hàng hiện hữu. Ngoài ra, doanh nghiệp này lên kế hoạch mở thêm cửa hàng và đạt điểm hoà vốn cho chuỗi Bluetronics, từ đó lấn sân sang những thị trường khác.
"Chúng tôi đang nỗ lực nhiều nhất để năm nay có cửa hàng đầu tiên tại Indonesia", ông Hiểu Em chia sẻ. Đây sẽ là thị trường thứ hai ở ngoài lãnh thổ Việt Nam mà Thế Giới Di Động có sự hiện diện.
Trước đó, vào giữa năm 2017, doanh nghiệp này mở cửa hàng điện thoại đầu tiên tại thủ đô Phnom Pênh (Campuchia) với tên gọi BigPhone. Sử dụng bộ nhận diện thương hiệu tương tự chuỗi bán lẻ tại Việt Nam, Thế Giới Di Động từng kỳ vọng mỗi cửa hàng thuộc chuỗi này có doanh số 2 tỷ đồng một tháng và là bàn đạp để công ty xâm nhập thị trường bán lẻ Đông Nam Á.
Ba năm sau khi đặt chân ra nước ngoài, chuỗi BigPhone được đổi tên thành Bluetronics để kinh doanh điện thoại lẫn điện máy. Tính đến cuối 2021, Thế Giới Di Động có khoảng 50 cửa hàng ở nước ngoài và thu được gần 500 tỷ đồng, tương đương 0,4% tổng doanh thu.
Indonesia xuất hiện trong danh sách những thị trường tiềm năng của Thế Giới Di Động khoảng hai năm trở lại đây. Trước đó, công ty này dự tính sau Campuchia sẽ mở rộng hoạt động tại Lào và Myanmar do gần Việt Nam về mặt địa lý và thị trường bán lẻ điện thoại, điện máy chưa phát triển. Tuy nhiên, kế hoạch này bị chững lại bởi dịch bệnh.
Ông Hiểu Em chưa tiết lộ kế hoạch phát triển tại Indonesia. Tuy nhiên, chia sẻ với VnExpress cách đây một năm, ông Hiểu Em từng khẳng định Thế Giới Di Động luôn nghiên cứu rất kỹ nhu cầu mua sắm, đối thủ và pháp lý trước khi quyết định "tổng tiến công" sang một thị trường mới.
Phương Đông