Binh sĩ Nga và Belarus tham gia tập trận chung tại Belarus đầu tháng 2 - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin Reuters, ông Khrenin cho biết quyết định được đưa ra vì "sự gia tăng hoạt động quân sự gần biên giới" của Nga và Belarus, cũng như vì sự gia tăng căng thẳng ở vùng Donbass - tên gọi chung của hai khu vực Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine.
Ngày 17-2, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết Nga và Belarus sẽ kết thúc các cuộc tập trận chung giữa hai nước vào ngày 20-2 như dự kiến trước đó.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết Nga có tới 30.000 quân tại Belarus, và có thể điều động lực lượng này tham gia cuộc tiến đánh Ukraine. Matxcơva đã lên tiếng bác bỏ việc họ có kế hoạch như vậy.
Trước đó, cũng trong ngày 20-2, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng việc đe dọa trừng phạt của phương Tây có thể không đủ để ngăn Nga tấn công Ukraine. Ông Johnson cho biết Anh và Mỹ sẽ tìm cách ngăn các công ty Nga tiếp cận đồng bảng Anh và USD trong trường hợp cuộc tấn công xảy ra.
Trong khi đó, theo Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ triệu tập các cố vấn hàng đầu của ông vào cuối ngày 20-2 (giờ Mỹ) để thảo luận về cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine.
Trước đó, ngày 19-2, ông Biden nói ông tin Nga có thể tiến đánh Ukraine "bất cứ lúc nào", dù Điện Kremlin tuyên bố một số binh sĩ Nga đã trở về căn cứ thường trực sau khi tham gia các cuộc tập trận.
Một quan chức ngoại giao Nga tại Liên Hiệp Quốc cho biết không ai được bảo Nga nên tập trận khi nào hay ở đâu.
Ngày 20-2, Hãng thông tấn Interfax dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc các nước phương Tây liên tục dự đoán ngày Nga tấn công Ukraine là hành động khiêu khích và có thể gây ra hậu quả bất lợi.
Ông Peskov nói thêm rằng Tổng thống Putin không để tâm đến những tuyên bố như vậy của phương Tây.
Theo Reuters, tâm điểm những căng thẳng gần đây là khu vực miền đông Ukraine do lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát từ năm 2014 đến nay.
Quân đội Ukraine cho biết họ đã tạm ngừng hoạt động tại 1 trong 7 chốt kiểm soát tới vùng Donbass vì bị pháo kích nặng. Hai binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng và 4 người khác bị thương trong ngày 19-2.
Trong khi đó, ngày 20-2, lực lượng ly khai tại khu vực Luhansk cho biết 2 thường dân thiệt mạng và 5 tòa nhà bị hư hại vì pháo kích từ quân đội Ukraine.
Các vụ pháo kích giữa lực lượng Chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine thường xuyên diễn ra trong suốt 8 năm qua. Tuy nhiên, các đồng minh phương Tây của Ukraine lo sợ Nga sẽ lợi dụng sự leo thang tại Donbass gần đây để làm cớ cho một cuộc xung đột rộng lớn hơn.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 20-2, Bộ Ngoại giao Hà Lan cho biết sẽ tạm thời dời đại sứ quán nước này tại thủ đô Kiev, Ukraine đến thành phố Lviv vì các lý do an ninh. Quyết định được đưa ra sau khi Mỹ nói Nga có thể tiến đánh Ukraine bất cứ lúc nào.
Cho đến nay, nhiều nước, trong đó có Anh, đã chuyển các nhà ngoại giao từ Kiev đến Lviv. NATO cũng đã đưa nhân viên đến Lviv trong ngày 19-2.
TTO - Tổng thống Ukraine Zelensky đã đưa ra một thông điệp cứng rắn cho các đồng minh Mỹ và phương Tây hôm 19-2, trong bối cảnh Mỹ liên tục cảnh báo Nga có khả năng tấn công Ukraine.
Xem thêm: mth.83330139102202202-agn-iov-gnuhc-nart-pat-iad-oek-oab-gnoht-suraleb/nv.ertiout