Kể từ tháng 11-2021, Nga đưa quân áp sát Ukraine từ phía bắc, phía đông và phía nam với số quân lên tới hơn 130.000. Hoạt động triển khai quân sự này được mô tả là lớn nhất ở châu Âu trong ba thập niên và làm dấy lên lo ngại về cuộc xung đột lớn nhất của lục địa kể từ Thế chiến thứ hai.
Hiện tại, khả năng Nga tấn công vào Ukraine vẫn chỉ là dự đoán. Song sự hiện diện của một lượng lớn binh lính Nga tại biên giới hai nước nhiều tháng qua đã tác động lớn tới nền kinh tế Ukraine - một trong những quốc gia đang gặp thách thức lớn nhất châu Âu về kinh tế, chưa kể còn đang hứng chịu những tác động từ đại dịch COVID-19.
Kinh tế Ukraine thiệt hại nặng
Câu hỏi về khả năng Nga tấn công Ukraine vẫn còn để ngỏ, tuy nhiên, tờ Foreign Policy dẫn nhiều ý kiến phân tích và nhận định rằng Nga vẫn có thể chiến thắng tại Ukraine mà không cần bắn một phát đạn nào, bằng cách khiến cho các doanh nghiệp làm ăn ở Ukraine cảm thấy không bảo đảm, gián tiếp giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Ukraine.
Atlantic Council (một tổ chức phi đảng phái khuyến khích sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và sự tham gia của Mỹ trong quan hệ đối tác với các đồng minh và đối tác) chỉ ra rằng vào giữa tháng 1, lợi suất hằng năm trên trái phiếu châu Âu (Eurobonds - trái phiếu do các chính phủ, tổ chức tài chính hoặc doanh nghiệp phát hành bằng đồng tiền khác với đồng tiền tại nước phát hành) tại Ukraine đã tăng lên trên 10% và không có dấu hiệu giảm xuống.
Điều này làm Ukraine mất khả năng tiếp cận thị trường tài chính quốc tế một cách hiệu quả. Chính phủ Ukraine và các công ty lớn của nước này đều không thể phát hành trái phiếu quốc tế nữa.
Một đòn khác là sự mất giá của đồng tiền hryvnia của Ukraine, đồng tiền này đã giảm xuống mức thấp hằng năm so với đồng USD. Các nhà đầu tư quốc tế hiện coi Ukraine là một rủi ro quá mức và không sẵn sàng cho chính phủ Ukraine hoặc các công ty Ukraine vay tiền. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngày càng miễn cưỡng đưa ra các cam kết tài chính và một số công ty đa quốc gia đã buộc nhân viên quốc tế phải rời khỏi Ukraine.
Điều này đặt ra những hạn chế nghiêm trọng đối với nền kinh tế Ukraine và có khả năng khiến tăng trưởng kinh tế giảm xuống dưới mức dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là 3,6% vào năm 2022.
Tượng đài Độc lập ở Kiev (Ukraine). Ảnh: CHRIS MCGRATH/GETTY IMAGES
Nỗ lực quốc tế giúp ổn định kinh tế Ukraine
Cuối tháng 1, đài CNN dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng các nhà lãnh đạo trên thế giới đã phóng đại khả năng Nga tấn công Ukraine và điều này đã gây nên sự “hoảng loạn”, bất ổn cho nền kinh tế của quốc gia này. Ông cũng ước tính rằng chính phủ Ukraine phải cần tới 5 tỉ USD để ổn định nền kinh tế.
Theo Atlantic Council, trước thiệt hại kinh tế của Ukraine, các nước phương Tây cần đẩy mạnh và cung cấp hỗ trợ tài chính đáng kể cho Ukraine, tương tự những gì các nước này đã hỗ trợ trong giai đoạn 2014-2015. Đồng thời, chính phủ Ukraine cũng cần gấp rút quay lại chương trình nghị sự cải cách toàn diện, giúp đưa nền kinh tế của đất nước phát triển ổn định hơn trong dài hạn.
Dù không có một cuộc tấn công nào nhưng ảnh hưởng (cuộc khủng hoảng) đối với nền kinh tế là rất lớn. Chúng tôi sẽ mất đi các khoản đầu tư tiềm năng. Ông HLIB VYSHLINSKY, lãnh đạo Trung tâm Chiến lược kinh tế tại Ukraine |
Về viện trợ của nước ngoài, đầu tháng 2, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho biết nước này đã nhận được 1,5 tỉ USD tiền viện trợ kinh tế kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái.
Ngày 14-2, Ngoại trưởng Antony Blinken thông báo Mỹ đang đề xuất một khoản vay bảo lãnh lên tới 1 tỉ USD cho Ukraine nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này trong bối cảnh căng thẳng với Nga, theo hãng tin Reuters. Canada cũng đề nghị hỗ trợ một khoản vay gần 400 triệu USD cho Ukraine.
Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu có thể cung cấp cho Ukraine khoảng 1 tỉ USD trong năm nay. Tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương dự đoán tổng hỗ trợ tài chính của Ukraine vào năm 2022 sẽ đạt khoảng 10 tỉ USD.
Tuy nhiên, các khoản hỗ trợ kinh tế quốc tế cho Ukraine cũng đi kèm với các điều kiện rõ ràng: Ukraine phải khởi động lại các cải cách kinh tế và quản trị mà chính quyền ông Zelensky đã ngừng hoặc để đình trệ, như cải cách tư pháp, thị trường năng lượng cần được tự do hóa và quản lý hợp lý hơn, đổi mới các nỗ lực cải cách nền quản trị tại các doanh nghiệp nhà nước...•
Kinh tế Nga cũng thiệt hại nhưng nhẹ hơn Theo Atlantic Council, hậu quả tiêu cực từ cuộc khủng hoảng với nền kinh tế Nga ít nghiêm trọng hơn như đối với Ukraine. Lý do, quy mô nền kinh tế của Nga lớn hơn nhiều và dự trữ tiền tệ của nước này lớn hơn Ukraine 20 lần. Đồng rúp của Nga đã giảm nhiều ngang với đồng hryvnia nhưng lợi tức trái phiếu của Nga thấp hơn nhiều so với của Ukraine bất chấp các lệnh trừng phạt nửa vời của phương Tây. Cho đến nay, thị trường chứng khoán Nga là bên bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khi giảm 27% kể từ cuối tháng 10. Không cần phải nói, thiệt hại kinh tế sẽ lớn hơn nhiều đối với cả hai nước nếu chiến tranh toàn diện xảy ra, theo Atlantic Council. |