Sở GTVT TP.HCM cho biết: Vừa qua, UBND TP.HCM đã có Công văn 440 về chủ trương thí điểm tổ chức vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện trên địa bàn TP. Trong đó, TP chấp thuận chủ trương tổ chức năm tuyến xe buýt điện hoạt động thí điểm trên địa bàn TP, thời gian thí điểm là 24 tháng.
Cụ thể, giai đoạn 1 được thực hiện trong quý I-2022. Giai đoạn này sẽ đưa vào vận hành một tuyến (VB03 Vinhome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn).
Giai đoạn 2 được thực hiện trong quý III-2022. Giai đoạn này sẽ đưa vào vận hành bốn tuyến xe buýt điện sau khi xây dựng xong depot.
Xe buýt điện chạy thí điểm ở tp.hcm. Ảnh: đt
Tỉ lệ trợ giá/chi phí trong thời gian thí điểm là 44,1%. Loại xe buýt điện được đề xuất sử dụng có sức chứa từ 65 đến 70 chỗ, hoạt động từ 5 giờ đến 21 giờ mỗi ngày. Đáng chú ý, giá vé được đề xuất là 3.000 đồng/lượt cho học sinh, sinh viên và 5.000-7.000 đồng/lượt với các nhóm khách còn lại, tùy theo cự ly tuyến.
Theo Sở GTVT, hiện nay hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn TP đã được phục hồi, tuy nhiên tại các tuyến xe buýt vẫn còn tình trạng vắng khách. Nguyên nhân là do dịch COVID-19, tâm lý hành khách vẫn còn e dè khi tham gia xe buýt, sản lượng hành khách so sánh với cùng kỳ các năm trước giảm mạnh.
Tuy nhiên, Sở GTVT cũng cho hay sau thời gian giãn cách, đến nay hệ thống xe buýt đã phục hồi hoạt động trở lại 86/90 tuyến. Sở GTVT sẽ tiếp tục tuyên truyền cho người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng và đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Đối với dự án phát triển giao thông xanh, Sở GTVT cho biết đơn vị đã có công văn về rà soát một số nội dung của dự án phát triển giao thông xanh TP.HCM. Trong đó, sở đề nghị tạm hoãn việc thực hiện dự án trong giai đoạn hiện nay. Sở cũng đã phối hợp với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (gọi tắt là Ban giao thông) rà soát, đánh giá để báo cáo cho UBND TP các phương án tiếp tục thực hiện dự án.
Theo đó, Ban giao thông đã có văn bản về phương án tiếp tục triển khai dự án phát triển giao thông TP.HCM. Cụ thể, ban này đề xuất thực hiện theo phương án rà soát, điều chỉnh để tiếp tục triển khai dự án. Trong đó, điều chỉnh hình thức đầu tư 42 phương tiện trong dự án bằng nguồn vốn xã hội hóa. Do đó, ngành giao thông chưa thực hiện ngay trong giai đoạn này mà sẽ phân kỳ đầu tư, tiếp tục triển khai trong giai đoạn tiếp theo.
Hiện Ban giao thông đang tiếp tục phối hợp với Sở GTVT để chuẩn bị cho cuộc họp giữa UBND TP.HCM và Ngân hàng Thế giới về phương án thực hiện dự án trong thời gian tiếp theo nhằm đảm bảo hiệu quả, đúng quy định hiện hành.
Dự kiến cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 23-2.