Hàng loạt doanh nghiệp Việt và nhà đầu tư nước ngoài đang tiến hành một quá trình đổi mới sâu sắc dựa trên nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp gặt hái nhiều quả ngọt như tăng năng lực cạnh tranh, xuất khẩu hàng hóa vào thị trường khó tính và bán được sản phẩm với giá cao.
Kinh tế thân thiện với môi trường
Hãng đồ chơi nổi tiếng thế giới Lego (Đan Mạch) mới đây cho biết đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy tại Bình Dương với trị giá 1 tỉ USD. Điều đặc biệt, Lego nhấn mạnh đây là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của tập đoàn, chỉ sử dụng điện năng từ các tấm pin mặt trời lắp trên mái, không gây ô nhiễm môi trường.
Một công ty sử dụng phụ phẩm dăm gỗ cao su làm nguồn cung cấp năng lượng để sản xuất nệm. Ảnh: PM
Phụ phẩm bỏ đi mang về hàng trăm triệu USD/năm Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN, từ phụ phẩm của ngành chế biến gỗ như mùn cưa, dăm bào, đầu mẩu, cành ngọn gỗ rừng trồng..., các nhà sản xuất của VN đã tạo ra viên nén xuất khẩu ra thị trường thế giới với sản lượng trên dưới 3 triệu tấn/năm, tương đương 350 triệu USD. Chỉ tính riêng trong tám tháng năm 2021, lượng xuất khẩu viên nén đạt 2,4 triệu tấn, tương đương 273 triệu USD. Hiện tại, VN đang là quốc gia sản xuất viên nén lớn thứ tư trên thế giới sau các nước như Mỹ, Canada... Sở dĩ mặt hàng viên nén phát triển mạnh thời gian qua là nhờ nguồn nguyên liệu đầu vào dồi dào, được tạo ra từ gỗ phụ phẩm của ngành chế biến. |
Ông Carsten Rasmussen, Giám đốc vận hành Tập đoàn Lego, cho biết những kế hoạch của Chính phủ Việt Nam (VN) về đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng sản xuất năng lượng tái tạo và thúc đẩy hợp tác với các công ty đầu tư nước ngoài chất lượng cao là động lực để tập đoàn quyết định xây dựng nhà máy thân thiện với môi trường tại VN.
Trong góc nhìn của mình, ông Michael Kokalari, kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, nhìn nhận việc Tập đoàn Lego đầu tư 1 tỉ USD vào VN để xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư ưu tiên bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Đây cũng là những dự án chất lượng cao mà VN kỳ vọng thu hút.
Thực tế, nhiều công ty VN cũng ngày càng chú trọng hơn quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh để hướng đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, thâm nhập các thị trường khó tính. Ông Đàm Duy Thảo, Tổng giám đốc Công ty Nệm Đồng Phú, cho biết sản phẩm nệm của đơn vị xuất khẩu đi thị trường nước ngoài khá tốt. Điều này nhờ vào đầu tư dây chuyền sản xuất và công nghệ hiện đại, cũng như tận dụng nguồn nguyên liệu cao su sẵn có từ công ty mẹ cung cấp.
“Quan trọng hơn, việc sử dụng các dăm gỗ cao su, thứ bị loại thải trong quá trình chế biến gỗ cao su, để đưa vào làm nguyên liệu cho đốt lò hơi đã giúp giảm chi phí giá thành, thu hút được các khách hàng quan tâm đến phát triển môi trường bền vững” - ông Thảo nói.
Nhiều công ty thủy sản cũng đã dùng các phụ phẩm như da cá tra để chiết xuất thành collagen và gelatin. Đây là mặt hàng được thế giới quan tâm, trong đó riêng nhu cầu về collagen lên tới gần 1 triệu tấn, tương ứng với 7,5-8 tỉ USD. Đặc biệt, nhiều công ty sản xuất chitosan từ vỏ tôm dùng làm dược phẩm hay các loại thuốc trừ nấm trên thực vật vừa giảm ô nhiễm môi trường vừa kiếm bộn tiền. Theo Bộ NN&PTNT, nếu làm tốt trong việc giải quyết các vấn đề phụ phẩm trong ngành thủy sản, VN sẽ có thêm 4-5 tỉ USD.
Buộc phải đi theo con đường mới
Một số chuyên gia giải thích: Hiểu một cách nôm na thì kinh tế tuần hoàn là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác, hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp… Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Một ví dụ điển hình là quả dừa được lấy nước và đem đóng hộp xuất khẩu mang lại ngoại tệ cho đất nước. Nhưng phụ phẩm của dừa như gáo dừa, sợi dừa, lá dừa cũng không bị bỏ. Nhiều công ty tận dụng toàn bộ để làm các sản phẩm thủ công và đem đi bán ra thị trường nước ngoài, thu về không ít tiền.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng để tăng trưởng kinh tế buộc phải đi theo con đường mới. Đó là đổi mới, sáng tạo tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời quan tâm đến phát triển bền vững. Vào năm 2023, EU sẽ đánh thuế carbon từ vật chất cho đến cả phần mềm. Chẳng hạn, họ tính được một áo sơmi thải ra bao nhiêu lít nước và cứ thế đánh thuế.
“Nếu chúng ta không phát triển bền vững về mặt kinh doanh thì sẽ thua thiệt. Chúng ta bị đánh thuế nhiều hơn và năng lực cạnh tranh sẽ giảm xuống. Do đó, kinh tế tuần hoàn sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng cho tương lai” - ông Hiếu nói.
Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Tư vấn về quản lý kinh tế (Economica) VN, cũng nhấn mạnh: Kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu, chứ không còn lựa chọn nào khác cho con đường phát triển. Để có nền tảng này buộc phải nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế.
“Nếu chúng ta kiên quyết thực hiện kinh tế tuần hoàn thì các khoản đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp, những hành vi người tiêu dùng cũng phải được điều chỉnh để hướng đến mục tiêu này. Một quyết sách tốt về mặt môi trường thì tự nó sẽ đầu tư ngược trở lại cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế” - ông Bình nhấn mạnh.
Mua vỏ tôm, vỏ cua… làm thuốc trừ nấm Mới đây, ông Yamada Takio, Đại sứ Nhật Bản tại VN, cho biết Nhật Bản sẽ thúc đẩy hợp tác toàn diện từ chính sách, công nghệ đến các vấn đề tài chính với VN để giúp hiện thực hóa một xã hội không carbon. Dự án xây dựng nhà máy biến rác thải thành năng lượng tại tỉnh Bắc Ninh là một ví dụ điển hình cho sự hợp tác này. Theo đó, chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ VN mua thiết bị với công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, góp phần vào nền kinh tế không carbon ở VN. Hiện đã có 40 dự án được phê duyệt tại VN và thời gian tới, Nhật Bản sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác theo mô hình này. Đáng chú ý, nhiều công ty của Nhật Bản đã đầu tư vào VN để thu mua vỏ tôm, vỏ cua, vỏ ghẹ… làm thuốc trừ nấm. Điều này vừa giúp giải quyết vấn đề môi trường, đồng thời đem lại nhiều giá trị gia tăng lớn cho ngành thủy sản. |