Nga lên danh sách để ám toán người chống đối?
Trong một bức thư gửi cho người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Bathsheba Nell Crocker khẳng định Mỹ có nguồn tin thân cận rằng Nga đã lập danh sách những người Ukraine "sẽ bị sát hại hoặc tống đến các trại giam" sau khi Moscow tấn công vào nước láng giềng.
Đồng thời, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc còn cho biết Moscow đang lên kế hoạch thực hiện các hành vi vi phạm và lạm dụng nhân quyền khác một khi đã động binh với Ukraine.
Theo vị quan chức này, Moscow có thể nhắm đến các những người phản đối hành động của Nga, như các cá nhân bất đồng chính kiến với Nga và Belarus đang lưu vong ở Ukraine, hoặc các nhà báo, nhà tôn giáo, người dân tộc thiểu số và cộng đồng LGBTIQ+.
Trong thư còn có đoạn: "Chúng tôi cũng có thông tin đáng tin cậy rằng quân đội Nga sẽ sử dụng các biện pháp gây sát thương để giải tán các cuộc biểu tình ôn hòa [của người dân Ukraine]". Washington Post là hãng truyền thông đầu tiên đưa tin về bức thư.
Hôm nay (21/2), Điện Kremlin đã bác bỏ các cáo buộc của bà Crocker. Chính quyền Tổng thống Putin cho rằng thông tin Nga đã soạn sẵn một danh sách như vậy là hoàn toàn "hư cấu", theo CNBC.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Alexei Reznikov chia sẻ trên đài truyền hình quốc gia ICTV rằng Moscow không thể xâm lược nước này trong "nay mai" vì hiện không có "nhóm tấn công nào" của Nga đang tập trung ở biên giới. Song, ông nói Moscow có thể điều động quân trong vòng vài tuần tới.
Loạt động thái mới của các bên xuất hiện sau khi Nhà Trắng cảnh báo Nga đang có kế hoạch phát động chiến tranh tổng lực với Ukraine "trong tương lai rất gần" và Thủ tướng Anh Boris Johnson nói có bằng chứng Nga đang dự định thực hiện "cuộc chiến tranh lớn nhất châu Âu kể từ năm 1945".
Tuần trước, Mỹ ước tính có khoảng 169.000 - 190.000 binh lính Nga đang đóng quân tại hoặc gần Ukraine, tăng so với con số 100.000 vào cuối tháng Giêng. Các số liệu mới được công bố bất chấp việc Moscow khẳng định đã rút bớt quân khỏi biên giới nước láng giềng.
Ngoài ra, các diễn biến mới cũng xuất hiện trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Vladimir Putin sắp gặp mặt để thảo luận về tương lai cuộc xung đột tại Ukraine.
Đến giờ, Nga đã nhiều lần phủ nhận ý định xâm lược Ukraine. Chính quyền ông Putin chỉ yêu cầu NATO không được chấp thuận cho Ukraine làm thành viên, đồng thời liên minh quân sự này phải rút lui khỏi Đông Âu.
Theo đưa tin từ Reuters, ông Putin sẽ phát biểu trước hội đồng an ninh quốc gia trong hôm nay. Người phát ngôn của Điện Kremlin - Dmitry Peskov mô tả đây là phiên họp "rất hiếm khi xảy ra".
Trao đổi với các phóng viên, ông Peskov cũng lưu ý rằng mặc dù căng thẳng đang gia tăng từng ngày, các quan chức ngoại giao Nga vẫn đang tích cực đàm phán tìm giải pháp cho xung đột với Kiev.
Đụng độ vũ trang ở miền đông Ukraine
Ở diễn biến khác, các cuộc giao tranh giữa chính phủ Ukraine và phe ly khai thân Nga ở miền đông nước này đã leo thang trong tuần vừa qua. Truyền thông nhà nước Nga và chính quyền Kiev liên tục đổ lỗi cho nhau vì đã thực hiện các cuộc pháo kích và vi phạm lệnh ngừng bắn.
Đầu tuần này, Bộ Quốc phòng Ukraine khẳng định các lực lượng chiếm đóng của Nga đã thực hiện "một hành động khiêu khích khác với mục đích đổ vấy cho binh lính Ukraine", CNBC đưa tin.
"Kẻ xâm lược đã khai hỏa vũ khí hạng nặng từ khu định cư Lobacheve nhắm vào Luhansk", Bộ Quốc phòng Ukraine nhấn mạnh.
Trong khoảng một ngày qua, Kiev cho biết họ đã ghi nhận 80 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn và 72 vụ vi phạm liên quan đến việc sử dụng vũ khí bị cấm theo các hiệp định Minsk.
Hôm 19/1, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã ghi nhận hơn 1.500 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn ở miền đông Ukraine, trong đó có 1.413 vụ nổ.
Khu vực miền đông Ukraine từ lâu đã là nơi thường xuyên diễn ra các cuộc giao tranh tầm thấp. OSCE liên tục ghi nhận các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn trong khu vực trong suốt 8 năm xung đột giữa Kiev và phiên quân ly khai thân Nga.
Cho đến nay, khoảng 13.000 người đã thiệt mạng và con số này đã tăng lên đáng kể trong những ngày gần đây, OSCE thông tin thêm.
Đáp lại các cáo buộc của Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết "các hành động khiêu khích và gây hấn của quân đội Ukraine" đã buộc Nga phải đáp trả để "đảm bảo an ninh và giải cứu dân thường".
Truyền thông nhà nước Nga cũng liên tục cáo buộc binh lính Ukraine đã thực hiện các cuộc pháo kích và tấn công khác nhằm vào lãnh thổ do phe ly khai kiểm soát.
Giữa lúc đó, giới chức phương Tây cảnh báo có thể Nga đang đưa ra những tuyên bố sai lệch về cuộc xung đột ở miền đông Ukraine để làm cớ tấn công.