“Trong cuộc đời làm bác sĩ (BS), có một câu chuyện khiến tôi nhớ mãi đến GS-BS Văn Tần, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bình Dân, TP.HCM” - BS Hồ Quang Long (BV Bình Dân, TP.HCM) chia sẻ tại buổi gặp mặt và tri ân 119 giáo sư, phó giáo sư, thầy thuốc tiêu biểu trong hoạt động đào tạo nhân lực y tế cho TP.HCM, được tổ chức vào sáng 21-2.
Thầy cô mong muốn bác sĩ mới ra trường giỏi hơn mình
Khi đó, BS Long lần đầu tham gia ca phẫu thuật thoát vị bẹn. Do lúng túng, BS Long cứ loay hoay và không thể xử lý tình huống. “Êkíp phẫu thuật mời GS-BS Văn Tần vào hỗ trợ. Giáo sư nhìn tôi một hồi rồi giải thích nguyên nhân tôi không thể xử lý ca mổ. Tiếp theo, giáo sư hướng dẫn từng chút và ca mổ thành công. Đây cũng là bài học tôi được tiếp thu từ GS-BS Văn Tần” - BS Long trải lòng.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tặng quà cho GS Võ Văn Tới. Ảnh: TRẦN NGỌC
Đối với BS Nguyễn Thành Dũng (BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM), ký ức về những người thầy, người cô khi còn ngồi ghế giảng đường y khoa là tấm gương tận tụy, những cánh chim không mệt mỏi, sẵn sàng chia sẻ kiến thức về thực hành cho sinh viên. “Các thầy, các cô còn mong muốn chúng tôi giỏi hơn thầy cô để cứu chữa người bệnh” - BS Dũng nói.
“Nhân ngày 27-2 sắp tới, kính chúc thầy cô khỏe mạnh, đầy nhiệt huyết để truyền lửa cho thế hệ đàn em, thế hệ tiếp theo để giữ vững phát triển nền y học nước nhà” - BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP.HCM, tỏ lòng.
Bác sĩ phải giỏi toàn diện
PGS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Y học TP.HCM, cho rằng BS phải là người giỏi toàn diện để làm tốt mọi việc được giao. BS ra trường phải là một nhà truyền thông, có nghĩa phải biết diễn đạt và kết nối với người dân, phải là người biết làm việc nhóm. BS còn là người phải biết phản biện về y tế, phải góp ý cho lãnh đạo cũng như địa phương những điều không phù hợp.
Ngoài ra, BS phải là nhà nghiên cứu và là một học giả. Bởi tất cả những gì làm được nếu không đúc kết sẽ không thể chia sẻ kinh nghiệm một cách có chứng cứ. Cuối cùng, BS phải có tay nghề vững vàng. “Để BS giỏi toàn diện, cần bổ sung một số chương trình đào tạo cho sinh viên y khoa. Bên cạnh đó, cần có chính sách học bổng cho BS giỏi mới ra trường để có cơ hội học tập thêm chuyên môn ở nước ngoài” - PGS Ngọc Dung nêu quan điểm.
PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), cho biết người bệnh trên địa bàn TP.HCM hiện đến khám nhiều tại các BV chuyên sâu, ít quan tâm đến trạm y tế phường/xã.
Để nâng cao y tế phường/xã, ông Hiệp đề nghị TP.HCM đẩy mạnh đào tạo BS thực hành tổng quát. Để thực hiện định hướng đó, các trường ĐH y cần củng cố, phát triển chương trình đào tạo BS đa khoa theo hướng BS thực hành tổng quát, gắn kết chặt với hoạt động chăm sóc sức khỏe ban dầu của mạng lưới y tế phường/xã.
“Bên cạnh đó, mở rộng chương trình đào tạo cử nhân cấp cứu ngoài bệnh viện (Paramedic) và thực hiện đề án “Phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện TP.HCM”. Ngoài ra, mở rộng chương trình đào tạo BS chuyên khoa y học gia đình nhằm xây dựng mạng lưới BS gia đình, góp phần nâng cao năng lực cho mạng lưới y tế cơ sở” - ông Hiệp nói.
Nhân lực y tế TP.HCM tăng số lượng lẫn chất lượng Tính đến thời điểm hiện nay, nguồn nhân lực của ngành y tế TP.HCM có nhiều biến đổi cả về số lượng, chất lượng lẫn cơ cấu. Tỉ lệ BS trên 10.000 dân tăng từ 16,07 của năm 2016 lên 20 vào năm 2020. Tính đến cuối năm 2021, TP.HCM có tám cơ sở đào tạo nhân lực y tế trình độ ĐH; tám trường CĐ, 20 trường trung cấp và dạy nghề; cùng hệ thống cơ sở thực hành lâm sàng tại 51 BV đa khoa, chuyên khoa thuộc ngành y tế TP. Số cán bộ, công chức, viên chức y tế có trình độ sau đại học (người)
Số BS có trình độ chuyên môn sau đại học (người) |
Tri ân những thầy thuốc tiêu biểu
“Hơn 45 năm phát triển, ngành y tế TP.HCM trải qua nhiều thăng trầm nhưng luôn gắn bó với hình ảnh các thầy thuốc giỏi chuyên môn, giàu y đức” - PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, phát biểu tại buổi gặp mặt.
“Nhân viên y tế TP.HCM luôn tự hào về hình ảnh các thầy cô qua bao thế hệ luôn gắn liền với những sự kiện, cột mốc đánh dấu sự phát triển không ngừng của ngành y tế TP. Đó là Viện sĩ-TS Dương Quang Trung, người sáng lập Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế (tiền thân của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch). Đó là GS Phạm Biểu Tâm, người thầy lớn của nhiều thế hệ thầy thuốc chuyên ngành ngoại khoa. Đó là GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người khai sinh chương trình “Cô đỡ thôn bản”, giúp giảm tỉ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh vốn còn rất cao ở các tỉnh miền núi, là người thầy đầu tiên mang kỹ thuật nội soi trong phụ khoa và kỹ thuật hỗ trợ sinh sản về Việt Nam” - ông Thượng tỏ lòng.
Ông Thượng cũng cho biết ngành y tế TP.HCM có được nguồn nhân lực chất lượng cao, những nhân viên y tế hết lòng chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân là nhờ những chiến lược, chính sách và chỉ đạo của lãnh đạo các cấp. Bên cạnh đó, phải kể đến công sức và những đóng góp quý báu của các thầy cô. Các thầy cô vừa là thầy thuốc vừa là thầy giáo, gánh trên vai hai trọng trách cao cả của xã hội là trồng người và cứu người.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận: “TP.HCM luôn là điểm sáng của cả nước trong sự nghiệp đào tạo nhân lực y tế. TP.HCM cũng cung cấp đội ngũ y tế đáp ứng ngày càng cao về số lượng lẫn chất lượng”.
Theo ông Mãi, công tác đào tạo nhân lực y tế của TP.HCM đạt trình độ tiên tiến của thế giới. Để có thành quả đó, các thế hệ thầy thuốc của TP.HCM đã tham gia công tác đào tạo liên tục. “Chưa hết, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, các thế hệ thầy thuốc còn lao vào tâm dịch cứu người. Các thế hệ thầy thuốc còn tạo động lực mạnh mẽ và truyền cảm hứng cho xã hội để cuộc sống nhân văn hơn” - ông Mãi chia sẻ.