Mới đây, theo nguồn tin từ báo Tuổi Trẻ, Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết đã và đang tiếp tục đề xuất kéo dài các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch tới hết năm 2023, cũng như tiếp tục chính sách hỗ trợ nhân lực ngành du lịch.
Đó là các chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng, an sinh xã hội và các chính sách khác như giảm tiền điện với các cơ sở lưu trú như giá điện sản xuất, giảm thuế đất, VAT, lãi vay, khoanh hạn những khoản nợ chưa chi trả, hỗ trợ hướng dẫn viên…
Tổng cục Du lịch cũng sẽ làm việc với các địa phương, khuyến khích các nơi có chính sách riêng để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch về nhiều mặt, từ tài chính, tín dụng tới hỗ trợ người lao động, phát triển sản phẩm mới.
Theo ông Khánh, về hỗ trợ lao động ngành du lịch bị mất việc làm từ tháng 7-2021 tới nay, trên cả nước đã chi trả gần 80%. Ngành du lịch đã và sẽ tham mưu Chính phủ tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ này.
Để chuẩn bị mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3, Tổng cục Du lịch đang gấp rút hoàn thiện phương án đón khách sau 15/3 với nhiều điểm nới lỏng cho du khách và doanh nghiệp, như du khách có thể đến Việt Nam du lịch tự do không cần phải qua một doanh nghiệp lữ hành nào, và tất cả doanh nghiệp lữ hành đáp ứng đủ quy định của pháp luật hiện hành về kinh doanh lữ hành quốc tế đều có thể tham gia đón khách. Khách cũng chỉ cần bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 tối thiểu 10.000 USD, chỉ cần test nhanh sau khi nhập cảnh trở về cơ sở lưu trú và tự theo dõi sức khỏe, nếu âm tính sẽ được tham gia mọi hoạt động du lịch như khách nội địa..
Ngoài ra, Tổng cục Du lịch cũng đang tập trung vào xây dựng các chính sách thu hút người lao động ngành du lịch quay trở lại như đề xuất các chương trình đào tạo, đào tạo lại, phối hợp với các địa phương, đề nghị địa phương có chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp trên địa bàn.
http://tintuc.vdong.vn/02/1239804.htmPhương Nga
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị