Trước thông tin Nguyễn Quốc Khiêm – Người tự xưng bác sĩ vào điều trị F0 tại khu cách ly ở TP HCM đã ký các văn bản liên quan đến chẩn đoán tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến, thuốc đã sử dụng trong điều trị…, PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19, BV Đại học Y Hà Nội bày tỏ với PLO, một bác sĩ phải đào tạo đến 6 năm ở trường và học hỏi thêm vài năm nữa mới có thể tích lũy được chút kinh nghiệm, đứng độc lập. Với điều dưỡng phải học 3 – 4 năm để biết một số lĩnh vực trong chăm sóc người bệnh.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Đại học Y Hà Nội. Ảnh PHI HÙNG
“Muốn làm được việc phải có kiến thức nền tổng quát về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp… nhìn thấy đơn giản nhưng đằng sau đó là cả một bề dày kinh nghiệm.
Có thể trong lúc đại dịch họ muốn đơn giản hóa các quy trình, mà ai vào đó cũng có thể tham dự được, trên tinh thần tự nguyện; sự sàng lọc của các đơn vị tổ chức cũng lỏng lẻo dẫn đến sự việc như vậy. Tuy nhiên, một người không có chuyên môn lại được ký các đơn thuốc, cho bệnh nhân chuyển viện thì rất nguy hiểm”- Bác sĩ Hải nói.
Từ sự việc trên, Bác sĩ Hải cho rằng trong điều kiện không phải đại dịch thì cần sàng lọc kỹ càng hơn, thẩm định năng lực trước khi giao việc, ai chuyên môn nào làm chuyên môn đó, không có chuyên môn y tế thì hỗ trợ công tác hộ lý, hậu cần, công tác xã hội... khi làm việc thì trưởng nhóm, lãnh đạo đơn vị giao việc kiểm tra thường xuyên để phát hiện những người không hợp năng lực chuyên môn.
“Qua sự việc này, thấy rằng người thật việc thật có thể không đúng, huống hồ tin trên mạng xã hội, chuyện giả danh các nhà chuyên môn để đưa ra lời khuyên là phổ biến và dễ dàng hơn nhiều.
Vậy người dân cần lựa chọn những kênh thông tin chính thống, chính thức từ các nhà chuyên môn, bác sĩ gia đình...tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, tiền mất, tật mang”- Bác sĩ Hải chia sẻ thêm.
Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) khẳng định, đây là hành vi vi phạm pháp luật. Đối với việc chăm sóc sức khỏe cho người dân lại càng vi phạm.
Bởi một người không có trình độ, bằng cấp chuyên môn nhưng lại làm các công việc như thăm khám, chỉ định, cấp phát các loại thuốc… sẽ làm ảnh hưởng, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
PGS. TS Trần Đắc Phu cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải xem xét quá trình làm việc của người giả danh bác sĩ.
Ví dụ: Bệnh nhân không cần chuyển viện nhưng vẫn ký giấy cho chuyển. Ngược lại, bệnh nhân trở nặng cần phải chuyển viện để điều trị lại không chuyển, dẫn đến hậu quả tử vong… Hoặc vấn đề thăm khám, chỉ định cấp phát thuốc điều trị cho F0 có gây tai biến không?
“Tất cả phải chờ cơ quan chức năng vào cuộc, đánh giá xem xét quá trình làm việc của người này khi làm tại bệnh viện có gây ra hậu quả nào không, mức độ ra sao…”- PGS. TS Trần Đắc Phu chia sẻ.
Ngoài ra, ông Phu cũng nhận định, đơn vị liên quan thời điểm đó đã rất tắc trách. Bởi, thông thường một công việc cần đến chuyên môn, nhất là bác sĩ cần phải được rà soát, kiểm tra bằng cấp trước khi phân công công việc.