Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) ngày 22/2 giảm điểm tồi tệ nhất trong tháng này, với mức giảm 1,66%, dẫn đầu là các cổ phiếu ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục. Chỉ số Nikkei của Nhật phiên này cũng giảm 1,7%.
Thị trường chứng khoán Mỹ và Châu Âu cũng chung cảnh ngộ khi giảm điểm ngay lúc vừa mở cửa, với chỉ số S&P 500 kỳ hạn tương lai giảm 1,4%, Nasdaq kỳ hạn tương lai giảm 1,9%, trong khi Euro Stoxx 50 kỳ hạn tương lai mất 1,1% và FTSE kỳ hạn tương lai mất 0,6%.
Ngược lại, giá dầu Brent kỳ hạn tương lai tăng vọt thêm 2,1% lên 97,44 USD/thùng, mức cao mới chưa từng có trong 7 năm trở lại đây, do lo ngại xuất khẩu năng lượng của Nga có thể bị gián đoạn. Giá vàng giao ngay cũng tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng, là 1.913,89 USD/ounce.
Ông Putin hôm thứ Hai (21/2) đã công nhận hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine là quốc gia độc lập và ra lệnh cho quân đội Nga khởi động chương trình mà Moscow gọi là Hoạt động gìn giữ hòa bình ở khu vực này.
Washington và nhiều nước châu Âu đã lên án động thái này, đồng thời tuyên bố sẽ có các biện pháp trừng phạt mới. Ngoại trưởng Ukraine cho biết ông đã được đảm bảo về một phản ứng "kiên quyết và thống nhất" từ Liên minh châu Âu.
Theo động thái mới nhất của Nga, "chúng tôi đang tiến gần hơn đến việc can thiệp quân sự, điều này tất nhiên sẽ dẫn đến nhiều rủi ro về tâm lý trên thị trường", Carlos Casanova, nhà kinh tế cấp cao phụ trách khu vực châu Á của UBP, cho biết thêm về sự biến động ngắn hạn trên thị trường bị gây ra bởi đồng thời hai yếu tố: địa chính trị và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thắt chặt tiền tệ.
Theo ông Casanova, hậu quả sẽ là giá dầu tăng cao nữa, cổ phiếu bị bán tháo và mọi người đổ xô đến các tài sản trú ẩn an toàn như đồng yên Nhật.
Tại Hồng Kông, cổ phiếu của nhà sản xuất nhôm Nga OK Rusal giảm tới 22,1% trong phiên 21/2, xuống 6,18 HKD, mức giảm trong ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 4/2018. Mặc dù không liên quan nhiều đến Nga, song cổ phiếu công nghệ của Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông cũng giảm 2,3% trong ngày 22/2, trong đó các ‘gã khổng lồ’ Tencent và Alibaba đều bị ảnh hưởng bởi những đồn đoán về một làn sóng giám sát bằng những quy định mới.
Trên thị trường tiền tệ, các động thái có phần ‘nhẹ’ hơn, ngoại trừ đồng rúp Nga lao dốc xuống mức thấp nhất trong 15 tháng vào đầu phiên giao dịch, sau đó ổn định trở lại.
Yen Nhật tăng lên mức cao nhất 3 tuần, là 114,48 JPY, trong khi franc Thụy Sĩ – một tiền tệ trú ẩn an toàn khác – giữ vững ở mức cao nhất trong một tháng, euro cũng vững ở mức cao lúc đầu phiên, trước khi giảm xuống mức 1,1286 USD.
Matt Simpson, nhà phân tích thị trường cấp cao của City Index cho biết: "Các thị trường tiền tệ không thể hiện tâm lý thận trọng như như thị trường chứng khoán", "Khi bạn đọc các tin tức, bạn sẽ thấy nhiều thông tin về thị trường rộng lớn. Tuy chúng tôi kinh doanh cổ phiếu song chúng tôi lại không sử dụng tiền tệ", ông Simpson nói.
Trong một nghiên cứu mới nhất, ngân hàng Goldman Sach dự báo "Xung đột toàn diện" ở Ukraine cùng với "các biện pháp trừng phạt" có thể khiến chứng khoán Mỹ giảm thêm 6% so với mức đóng cửa ngày Sáu (18/2, phiên giao dịch liền trước khi Nga công bố công nhận hai khu vực ly khai ở Ukraina là quốc gia độc lập), và các thị trường chứng khoán Châu Âu và Nhật Bản cũng sẽ bị thiệt hại nặng nề hơn nữa.
Theo Goldman Sach, trong trường hợp xấu nhất, tiền rúp của Nga sẽ giảm tới 10%, và giá dầu sẽ tăng 13% so với hiện nay, sẽ khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm 27 điểm so với thời điểm hiện tại.
Các nhà kinh doanh đã bán tháo trái phiếu kho bạc và cổ phiếu khi căng thẳng leo thang ở biên giới Ukraina, với nỗ lực bảo vệ các khoản đầu tư của mình trước các kịch bản xấu có thể xảy ra. Loại suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đầu phiên 22/2 đã giảm 7 điểm xuống 1,846%.
Các nhà phân tích cho rằng việc Tổng thống Vladimir Putin công nhận hai nước cộng hòa ly khai tự xưng có thể làm mất đi cơ hội tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình do châu Âu làm trung gian, sẽ khiến thị trường năng lượng trở nên tăng nóng ngoài tầm kiểm soát, làm gia tăng rủi ro về lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Nhóm các nhà nghiên cứu của Goldman Sach, bao gồm ông Dominic Wilson, cho biết: "Mặc dù căng thẳng Nga/Ukraine đến tháng 1 năm nay dường như chỉ ảnh hưởng chủ yếu đến tài sản địa phương, nhưng sang tháng 2 đã lan tỏa sang tài sản toàn cầu một cách rõ rệt. Cùng với các biện pháp trừng phạt, nhiều thị trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngược lại, trong kịch bản "căng thẳng giảm bớt", đồng rúp Nga sẽ mạnh lên, chứng khoán Mỹ sẽ tăng khoảng 6%, và lợi suất trái phiếu kho bạc cũng tăng vọt.
Tham khảo: Refinitiv
http://tintuc.vdong.vn/02/1240688.htm