Đề xuất phương án giảm thuế của hai bộ cần được báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2. Đây là một trong các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, ngày 22/2.
Hiện thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng RON 95 là 4.000 đồng một lít, E5 RON 92 là 3.800 đồng một lít, còn dầu diesel là 2.000 đồng mỗi lít. Mức thuế này được quy định "cứng" trong công thức tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu.
Ngoài thuế bảo vệ môi trường, mỗi lít xăng hiện "cõng" các loại thuế khác, như thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8%, không thu thuế với các loại dầu); thuế nhập khẩu 8%, thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%. Ngoài ra, giá bán lẻ còn có khoản lợi nhuận định mức 300 đồng mỗi lít xăng, dầu và chi phí định mức 1.050-1.250 đồng một lít xăng; 600-950 đồng một lít, kg tuỳ loại dầu.
Ước tính, bình quân mỗi lít xăng, thuế, phí hiện chiếm khoảng 42-43%; còn dầu 21-27%. Tức là mua 100 đồng tiền xăng thì tiền thuế, phí là 42-43 đồng, và dầu là 21-27 đồng.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dư địa điều hành giá bán lẻ xăng dầu không còn nhiều, Quỹ bình ổn giá xăng dầu gần cạn và giá dầu thô trên thị trường thế giới vẫn trong xu hướng đi lên, khiến giá thành phẩm xăng dầu ở mức cao... việc nhà chức trách giảm thuế trong cơ cấu giá bán lẻ cần được tính tới, để kìm giá xăng dầu ở thị trường trong nước.
Thuế bảo vệ môi trường là sắc thuế được các chuyên gia đề cập có thể xem xét, xin cấp có thẩm quyền giảm bớt trong giai đoạn này. Việc quyết định điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường hay không, thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Ngoài việc điều chỉnh thuế, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, cùng các bộ, ngành chủ động trong điều hành cân đối cung cầu thị trường xăng dầu. "Bộ Công Thương cần bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước", Thủ tướng nêu.
Việc kiểm tra, thanh tra các đơn vị cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu cũng cần được Bộ này tiến hành, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm với các hành vi găm hàng, trục lợi và các vi phạm khác (nếu có) trong kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương cùng Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các cơ quan để xác định cam kết sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước thời gian tới, làm cơ sở cho việc nhập hàng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thủ tướng giao Bộ Công an tăng cường các biện pháp phòng, chống, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và phân phối xăng dầu.
Với Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng đề nghị bổ sung kế hoạch thanh tra năm 2022 về chấp hành pháp luật trong quản lý Nhà nước về xăng dầu. Việc này nhằm phát hiện cơ sở, bất cập trong kinh doanh xăng dầu, kiến nghị biện pháp xử lý và báo cáo Thủ tướng.
UBND các tỉnh, thành phố giám sát việc bán xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ, bảo đảm không gián đoạn; kiểm tra việc kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá bán, thời gian bán... Trường hợp phát hiện sai phạm, cần xử lý nghiêm.
Theo Thủ tướng, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm dễ ảnh hưởng tới tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định vĩ mô. Do đó, phải được quản lý, điều hành khoa học, chặt chẽ, đúng quy định pháp luật.
Thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô có xu hướng tăng cao. Ở trong nước, tình trạng khan hiếm nguồn cung xăng dầu do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đơn vị cung ứng 34% tổng lượng xăng dầu cả nước năm 2021, giảm công suất từ trung tuần tháng 1 do khó khăn về tài chính.
Các doanh nghiệp đầu mối lớn đã tăng nhập khẩu xăng dầu, nhưng do hàng chưa cập cảng khiến việc đứt đoạn nguồn cung vẫn xảy ra ở một số địa phương. Do đó, đã xảy ra tình trạng một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng tới sản xuất, sinh hoạt người dân.
Vì thế, liên bộ Công Thương - Tài chính cần "điều hành xăng dầu theo Nghị định 83 và 95, bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế".