Tăng vốn nghìn tỉ, tham vọng ngang ngửa các ngân hàng tầm trung
Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 vào 11.3 sắp tới, CTCP Chứng khoán Tiên Phong (HOSE: ORS) lên kế hoạch phát hành/chào bán thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỉ đồng. Dòng tiền này được sử dụng nhằm tăng cường các tỉ lệ an toàn về vốn, đồng thời bổ sung nguồn vốn ổn định cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư dài hạn của công ty.
Ngày 14.2 vừa qua, Công ty Chứng khoán (CTCK) ASC đã thông qua việc đổi tên thành Công ty Chứng khoán VPBank (VPBank Securities). Đại hội đã thông qua phương án chào bán hơn 865 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ gấp 33 lần lên 8.920 tỉ đồng. Đồng nghĩa, đơn vị này sẽ có quy mô vốn điều lệ đứng thứ hai trên thị trường, chỉ đứng sau Chứng khoán SSI (9.848 tỉ đồng)
Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHS) thông báo sẽ phát hành 325,3 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 1:1. Cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được mua thêm 1 cổ phiếu mới. Từ đó vốn điều lệ sẽ được nâng lên mức 6.505 tỉ đồng.
Số vốn tăng thêm được sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động vay ký quỹ chứng khoán và bổ sung hoạt động đầu tư kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá.
Chứng khoán Đại Nam (DNSE) sẽ chào bán 200 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng. APG Securities cũng tham vọng tăng vốn từ 1.463 tỉ đồng lên hơn 4.000 tỉ đồng nhằm gia tăng năng lực phục vụ nhu cầu khách hàng.
Trong năm 2021, Chứng khoán VNDirect và Chứng khoán SSI đã lần lượt thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ lần lượt lên hơn 15.000 tỉ đồng và hơn 12.000 tỉ đồng trong năm 2022. Mức vốn này đã ngang ngửa với vốn điều lệ của một số ngân hàng tầm trung như HDB (19.922 tỉ đồng), VIB (15.530 tỉ đồng), Seabank (14.780 tỉ đồng),…
Rủi ro tăng vốn trong tầm kiểm soát, cuộc vui vẫn còn dài
Theo lý giải của ông Vũ Đức Tiến - Tổng Giám đốc CTCK Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHS), hiện các CTCK đang gặp áp lực vì thị trường bất ngờ tăng trưởng về quy mô, trong khi nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho việc này. Vốn điều lệ rất nhỏ so với nhu cầu tài chính nên tăng vốn là cần thiết để công ty chứng khoán có năng lực tài chính, ổn định.
Ngoài ra, nhu cầu vốn còn đến từ chính CTCK cho các hoạt động đầu tư tự doanh cổ phiếu và trái phiếu, bảo lãnh phát hành, phát triển sản phẩm mới như chứng quyền có đảm bảo....
Trong khi đó, khả năng vay vốn từ ngân hàng cũng bị hạn chế, vừa bởi những quy định về hạn mức tín dụng dành cho đầu tư chứng khoán của các tổ chức tín dụng, vừa bởi những quy định về chỉ số nợ.
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc Khối quản lý tài sản, Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt (TVB) thì cho rằng mức độ rủi ro khi các CTCK ồ ạt tăng vốn là có nhưng không đáng kể, nằm trong tầm kiểm soát nhờ việc quản trị rủi ro chặt chẽ.
"Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có những đợt tăng vốn mới trong năm 2022, không chỉ để hạ giá vốn mà còn để cạnh tranh với các đối thủ", ông Trí nói.
Ông Nguyễn Đức Nhân - Giám đốc Trung tâm kinh doanh, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) tin rằng cuộc đua tăng vốn sẽ vẫn tiếp tục cho đến khi các nhà đầu tư không còn nhu cầu đổ tiền vào kênh chứng khoán.
"Thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ mới đang đứng trước một “con sóng thần” lớn và vẫn chưa bước vào giai đoạn “hay” nhất. Với mức thanh khoản rất lớn hiện nay và kỳ vọng thị trường sẽ tăng trưởng lên các mốc từ 1.800 đến 2.500 điểm thì việc tiếp tục tăng vốn trong tương lai là cần thiết đối với các công ty chứng khoán", ông Nhân kỳ vọng.