Báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho biết, các chiến dịch tiếp thị sữa công thức rầm rộ có thể khiến nhiều phụ nữ từ bỏ việc cho con bú bằng sữa mẹ.
Trước đó, WHO đã khuyến nghị nên cho trẻ sơ sinh bú hoàn toàn bằng sữa mẹ nếu có thể, đồng thời thiết lập bộ quy tắc tiếp thị sữa vào năm 1981 với nỗ lực điều chỉnh ngành sữa sau một số vụ bê bối những năm 1970, khi Nestle bị buộc tội không khuyến khích các bà mẹ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, cho con bú.
Trong nghiên cứu được thực hiện 41 năm sau bộ quy tắc được WHO ban hành, các chuyên gia nhận thấy rằng việc tiếp thị sữa công thức ngày càng trở nên không thể kiểm soát trong thời đại kỹ thuật số.
Các nhà sản xuất sữa công thức vi phạm nghiêm trọng quy tắc tiếp thị toàn cầu. |
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, cho biết rõ ràng hoạt động tiếp thị sữa là "không thể chấp nhận được, gây hiểu lầm và gây hấn". Ông nói: "Các quy định về tiếp thị phải được thông qua và thực thi khẩn cấp để bảo vệ sức khỏe của trẻ em".
Các tác giả của báo cáo và một số chuyên gia cho biết đã đến lúc phải cải tổ quy tắc tiếp thị quốc tế về sản phẩm thay thế sữa mẹ.
WHO cho biết sữa công thức và thuốc lá là hai sản phẩm duy nhất có các hướng dẫn quốc tế để ngăn chặn việc tiếp thị quá khích. Mặc dù vậy, chỉ có 25 quốc gia thực hiện đầy đủ các quy tắc và trong bốn thập kỷ qua, doanh số bán sữa công thức đã tăng hơn gấp đôi, trong khi tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ chỉ tăng nhẹ. Ngành công nghiệp sữa công thức hiện có trị giá 55 tỷ USD mỗi năm.
Báo cáo cho thấy hơn một nửa trong số 8.500 bậc cha mẹ ở tám quốc gia được khảo sát - Bangladesh, Trung Quốc, Mexico, Maroc, Nigeria, Nam Phi, Vương quốc Anh và Việt Nam - cho biết họ có tiếp xúc với hoạt động tiếp thị, phần lớn trong số đó đều vi phạm quy tắc.
Tại Trung Quốc, 97% phụ nữ được khảo sát đã từng tiếp xúc với việc tiếp thị sữa công thức; ở Anh là 84%. Hơn 1/3 phụ nữ trên 8 quốc gia nói rằng các nhân viên y tế đã đề xuất một nhãn hiệu sữa công thức cụ thể cho họ.
WHO khuyến nghị cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời nhưng hiện tại, chỉ 44% trẻ ở độ tuổi này được bú theo cách này. Một nghiên cứu lớn vào năm 2016 cho thấy hơn 800.000 trẻ sơ sinh có thể được cứu sống hàng năm nếu tỷ lệ bú sữa mẹ được cải thiện.
Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cho biết trong một tuyên bố: “Những thông điệp sai lệch và gây hiểu lầm về việc nuôi con bằng sữa công thức là một rào cản đáng kể đối với việc nuôi con bằng sữa mẹ”.
WHO từ chối bình luận về các công ty riêng lẻ và không nêu tên cụ thể trong báo cáo, nhưng nói rằng không có sự khác biệt đáng kể giữa các hoạt động tiếp thị của các doanh nghiệp sữa.
Thu Hương (theo Guardian)