Dấu hiệu vi phạm pháp luật
Vụ việc đối tượng Nguyễn Quốc Khiêm giả bác sĩ vào khu điều trị F0 ở Trường Cao đẳng Điện lực TPHCM (quận 12, TPHCM) tiếp tục nhận được sự chú ý của dư luận, đặc biệt là về động cơ, mục đích.
Theo xác minh ban đầu của Công an TPHCM, khoảng tháng 7.2021, khi dịch bệnh bùng phát, Nguyễn Quốc Khiêm (sinh năm 1998; hộ khẩu thường trú: tỉnh Ninh Thuận; nơi ở hiện nay: Phường 15, Quận 10, TPHCM) đã tự tìm kiếm trên mạng hình ảnh, mẫu thẻ sinh viên của Trường Đại học Y Dược TPHCM để chỉnh sửa, cắt ghép hình ảnh của bản thân; sau đó chụp hình để đăng ký làm tình nguyện viên và đã được trường tuyển chọn tham gia hỗ trợ Khu cách ly tại Trường Cao đẳng Điện lực. Qua tìm hiểu, Khiêm từng theo học trường cao đẳng chuyên ngành Y sĩ đa khoa niên khóa 2016 - 2018, đã nghỉ học, chưa tốt nghiệp.
Ngày 16.8.2021, Trung tâm Y tế Quận 12 đã có Quyết định về việc điều động, phân công nhân sự, trong đó có Nguyễn Quốc Khiêm với nhiệm vụ tiếp nhận và theo dõi sức khỏe của bệnh nhân nhiễm COVID-19 và những trường hợp tiếp xúc gần (F1), kiêm nhiệm công tác hậu cần… Tháng 9.2021, ngay sau khi việc giả mạo sinh viên có dấu hiệu bị “bại lộ”, lấy lý do cá nhân, Nguyễn Quốc Khiêm đã nghỉ việc tại khu cách ly.
Hiện Công an TPHCM tiếp tục làm việc với cá nhân, tổ chức có liên quan; làm rõ động cơ, mục đích của đối tượng Nguyễn Quốc Khiêm và củng cố hồ sơ, tài liệu để xử lý theo quy định của pháp luật.
Chia sẻ về những hành vi của Khiêm, Thạc sĩ – Luật sư Trần Hoàng Hải Phong – Văn phòng Luật sư Trần Vân Linh – Đoàn Luật sư TPHCM cho hay, hành vi của Nguyễn Quốc Khiêm có dấu hiệu vi phạm các tội như: tội làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác…
Cụ thể là Khiêm đã cố tình làm giả các giấy tờ để chứng minh mình là sinh viên của Trường Đại học Y Dược TPHCM để từ đó được nằm trong danh sách tình nguyện viên tham gia chống dịch và được phân công về khu cách ly Trường Cao đẳng Điện lực TPHCM. Như vậy Khiêm có dấu hiệu của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Theo như thông tin báo chí đăng tải, sau khi vào khu cách ly, thay vì chỉ làm nhiệm vụ của một tình nguyện viên như các sinh viên khác: phụ lấy mẫu test, chăm lo bệnh nhân ăn uống… thì Khiêm lại mạo danh mình là thạc sĩ - bác sĩ, để trực tiếp tham gia vào việc thăm khám và ký vào các giấy tờ có liên quan. Như vậy hành vi của Khiêm có dấu hiệu của tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác.
Đồng quan điểm, Luật sư Tạ Thị Thuận – Công ty Luật TNHH MTV Tín Đức – Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phân tích đối với những thông tin được tiếp cận thông qua báo chí thời gian qua thì hành vi của Khiêm có dấu hiệu của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341 Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017).
Tuy nhiên, bà Thuận cho rằng cần phải xem xét việc những giấy tờ mà Khiêm sử dụng là do Khiêm thuê hoặc nhờ người khác làm hay Khiêm tự làm để xác định xem có còn đồng phạm với Khiêm hay không. Đối tượng phạm tội theo quy định tại Điều 341 Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 hay phạm tội theo quy định tại Điều 340 Bộ luật hình sự 2015: Tội sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức. Việc xác định tội danh chính xác phải dựa vào kết quả điều tra, xác minh của cơ quan công an.
Bên cạnh đó, theo các thông tin mà báo chí đã đưa tin, thay vì thực hiện theo nhiệm vụ của một tình nguyện viên thì hành vi của Khiêm (ra các y lệnh, ký tên…) đã vượt quá trách nhiệm cần thiết. Tuy động cơ tạm thời chưa xác định, nhưng Khiêm đã thực hiện những hành vi yêu cầu bắt buộc phải có trình độ chuyên môn nhất định là rất nguy hiểm do những hành vi của Khiêm có thể gây ra các tổn thất không lường trước được đối với sức khỏe, tính mạng các bệnh nhân điều trị. Rất may, những hành vi này của Khiêm đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Cần làm rõ động cơ
Theo Luật sư Tạ Thị Thuận, để đánh giá được tổng quan vấn đề, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng động cơ, mục đích của Khiêm, đối chiếu với các hành vi để có hình phạt thích đáng, mang tính trừng trị, răn đe để ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân khác theo quy định của pháp luật.
Luật sư Trần Hoàng Hải Phong chia sẻ thêm cần phải xem xét động cơ của Khiêm, và các yếu tố cấu thành tội phạm của những tội danh trên (khách quan, chủ quan, khách thể, chủ thể). Khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng phạm tội thường có mục đích, hậu quả gây nguy hại cho xã hội. Trong những tình huống này hành vi của Khiêm chưa xác định hậu quả gây ra, mà còn phục vụ công việc chống dịch, phụng sự cho xã hội. Do vậy, cần làm rõ động cơ của Khiêm để xác minh rõ, xem xét cần xử lý nghiêm khắc hay xử lý nhân văn trong trường hợp Khiêm không có mục đích xấu, chỉ muốn hỗ trợ thêm cho công cuộc chống dịch.