Trụ sở Công an phường Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phó trưởng công an phường: Biết chuyện nhưng sợ bị trù dập, cả nể
Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra (KLĐT), đề nghị truy tố 13 bị can nguyên là cán bộ, lãnh đạo Công an phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú (TP.HCM). Các bị can này bị đề nghị truy tố về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" khi nhận tiền để thả người có hành vi phạm tội.
Theo KLĐT, và từ lời khai của các bị can nguyên là cán bộ công an phường, từ năm 2018 đến tháng 4-2020, ban chỉ huy phường đã có chủ trương thành lập 2 tổ công tác để đi tuần tra trên địa bàn phường. Nếu phát hiện có người có dấu hiệu liên quan đến mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy thì bắt về phường, lập hồ sơ.
Sau đó, tổ công tác phân công nhau các việc, lấy lời khai, canh giữ, trò chuyện hỏi han về gia cảnh, cho phép những người bị giữ gọi điện thoại cho người nhà mang tiền đến nộp để được thả về. Trong 2 năm, Công an phường Phú Thọ Hòa đã giữ 51 trường hợp, rồi lại thả về không xử lý hành vi vi phạm pháp luật theo quy định.
Trong số 13 cán bộ công an phường bị bắt giam, điều tra có 3 người là lãnh đạo công an phường thuộc ban chỉ huy gồm Phạm Thanh Tuấn (trưởng công an phường), Phan Văn Hòa và Lê Văn Quý (phó trưởng công an phường).
Theo lời khai của các bị can nguyên là cảnh sát khu vực cùng đơn tố cáo thì việc lập tổ công tác là chủ trương của ban chỉ huy công an phường. Tuy nhiên, ông Quý và Hòa lại phủ nhận mình liên quan đến vụ việc.
Cụ thể, hồ sơ thể hiện, trong các vụ sai phạm của cán bộ cảnh sát khu vực thì Phan Văn Hòa trực chỉ huy 10 lượt, trong 48 tài liệu ghi lời khai theo đơn tố cáo thì Hòa trực chỉ huy 23 lượt.
Theo quy định, người trực chỉ huy là quản lý, điều hành các vụ việc xảy ra trên địa bàn phường đồng thời theo dõi quân số, công tác của cán bộ chiến sĩ trong ca trực. Từ khi về công tác tại Công an phường Phú Thọ Hòa, Hòa biết phường có tổ công tác trực tiếp bắt giữ các đối tượng vi phạm về ma túy để đưa về địa bàn phường làm việc. Hai tổ công tác của phường này thuộc 2 ca trực khác nhau nên Hòa không biết ai là người thành lập và chỉ đạo.
Trong quá trình trực ban tại phường, Hòa có thấy một số đối tượng liên quan đến ma túy bị bắt giữ, làm việc tại công an phường. Hòa hỏi cán bộ ca trực thì có trường hợp trả lời rằng đang lập hồ sơ, có trường hợp nói đã báo cáo Phạm Thanh Tuấn.
Hòa có trao đổi với Tuấn về việc này nhưng được Tuấn trả lời là chuyện tế nhị, đã được giải quyết. Hòa không đồng ý với cách làm này nên đã có ý kiến trong họp giao ban đơn vị và phản ánh riêng với Tuấn nhưng Tuấn không phản ứng gì. Hòa khai do cả nể Tuấn và sợ bị trù dập nên không báo cáo sự việc lên Ban chỉ huy Công an quận Tân Phú.
Tương tự, bị can Lê Văn Quý (phó trưởng công an phường) cũng là người trực chỉ huy trong khi các hành vi sai phạm của cán bộ xảy ra. Ông Quý khai rằng biết có tổ công tác đi bắt ma túy và Quý trực chỉ huy nhưng việc bắt giữ và làm việc với các đối tượng này do Phạm Thanh Tuấn chủ trương và trực tiếp chỉ đạo. Các công an phường không báo cáo nội dung làm việc với Lê Văn Quý dù Quý chỉ huy ca trực vì đã báo cáo Phạm Thanh Tuấn. Quý cho rằng do mình sắp đến tuổi nghỉ hưu nên cả nể, ngại va chạm nên không dám báo cáo lên cấp trên.
Trưởng công an phường: Không chỉ đạo lập tổ công tác bắt ma túy
Với vai trò là trưởng công an phường, Phạm Thanh Tuấn là người tham gia trực chỉ huy trong nhiều ca trực xảy ra hành vi sai phạm của các cán bộ. Mặc dù có lời khai của các bị can khác thể hiện việc Tuấn là người chỉ đạo thành lập tổ công tác, bắt giữ, rồi thả người nhưng quá trình điều tra Tuấn cho rằng mình không chỉ đạo tổ chức bắt giữ, không có cán bộ nào báo cáo với Tuấn về việc bắt giữ hoặc xử lý các đối tượng này.
Từ trước đến nay ban chỉ huy công an phường không có chủ trương và không thành lập tổ công tác bắt giữ các đối tượng liên quan đến ma túy trên địa bàn phường. Phạm Thanh Tuấn chỉ nhận trách nhiệm chưa kiểm tra giám sát hoạt động của các chiến sĩ nên không phát hiện các hành vi sai phạm của các chiến sĩ trong ca trực.
Tuy các bị can nguyên là lãnh đạo công an phường đều không thừa nhận hành vi sai phạm nhưng KLĐT cho rằng các sai phạm xảy ra liên tiếp trong suốt 2 năm (từ 2018 đến tháng 4-2020) đều thuộc các ca trực của 3 bị can Tuấn, Hòa và Quý trực chỉ huy. Có những trường hợp câu lưu đối tượng tại công an phường nhiều ngày liên tiếp để đợi lấy tiền nên có đủ căn cứ buộc trách nhiệm của người chỉ huy phải nắm biết sự việc.
KLĐT cũng cho rằng, động cơ phạm tội của các bị can là bất chấp pháp luật, hành vi các bị can gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và làm mất uy tín, hình ảnh của công an nhân dân…
TTO - Tại buổi họp báo chiều 7-12, thiếu tướng Lê Hồng Nam - giám đốc Công an TP.HCM - đã cung cấp thông tin liên quan đến vụ 8 cán bộ Công an phường Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú) bị khởi tố, bắt tạm giam.