Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, "cấm phim Vị là quyết định đúng đắn nhất từ trước đến nay"
Hội nghị do Ủy ban Văn hóa, giáo dục tổ chức nhằm mục đích lấy ý kiến của các chuyên gia để hoàn thiện Dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội vào tháng 5.
Đông đảo lãnh đạo ngành, đạo diễn, nhà sản xuất, đơn vị phát hành, đại diện các hiệp hội đã tham gia thảo luận.
Dòng tiền đổ vào các lĩnh vực sinh lời khác
Đứng ở góc độ kinh doanh, bà Ngô Thị Bích Hạnh đề xuất mức thuế áp dụng cho đầu tư vào điện ảnh sẽ được ưu đãi giống như thuế bất động sản và thuế đầu tư chứng khoán.
"Hiện tại nhà đầu tư chỉ nộp thuế khoảng 1% tính trên doanh thu kinh doanh bất động sản hay đầu tư chứng khoán. Điện ảnh cũng nên xin cơ chế như vậy. Bây giờ một công ty hoặc cá nhân đầu tư điện ảnh phải trả thuế thu nhập cá nhân có khi lên đến 35%.
Mức thuế cao quá sẽ không khuyến khích người ta đầu tư. Nguồn tiền trong xã hội cũng sẽ không đổ dồn vào điện ảnh. Các công ty có tiền họ sẽ chuộng đầu tư bất động sản, chứng khoán chứ tội gì bỏ vào điện ảnh để đóng thuế cao" - tổng giám đốc Công ty TNHH BHD phân tích.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ bên lề hội nghị, bà Ngô Thị Bích Hạnh cho rằng cải cách thuế là một quá trình dài, Luật điện ảnh phải có và sau đó các nhà làm luật phối hợp với Bộ Tài chính để hiện thực hóa.
"Mọi người đang nhìn điện ảnh là ngành công nghiệp mà công nghiệp thì phải có vốn xã hội. Nhà đầu tư rất đơn giản, bất động sản, chứng khoán vừa lãi nhiều vừa thuế thấp thì họ xuống tiền.
Điện ảnh cũng nên có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với những lĩnh vực này. Tuy không lãi bằng nhưng nhà đầu tư sẽ có tiếng và trong tương lai, nếu được mức thuế suất ưu đãi thì dòng tiền sẽ chảy vào" - bà nói.
Hãng phim yêu cầu phải ghi câu "Tất cả những câu chuyện trong này là hư cấu" trong phim Em và Trịnh
"Chúng ta đang quản lý nhiều việc quá"
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nói anh mong muốn định nghĩa điện ảnh nên hiểu là nghệ thuật tổng hợp hư cấu. Khi anh làm bộ phim Em và Trịnh, hãng phim yêu cầu phải ghi câu "Tất cả những câu chuyện trong này là hư cấu".
Anh nghĩ lẽ ra không nhất thiết phải ghi, nó là mặc nhiên. Nhưng người ta lo lắng vì trong luật có điều cấm tiết lộ bí mật đời tư cá nhân nên phải ghi câu đó như rào trước. PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, chủ tịch Hội Điện ảnh VN, cũng bày tỏ ông băn khoăn rất nhiều về điều cấm này vì theo ông rất mơ hồ.
PGS.TS Trần Luân Kim, nguyên chủ tịch Hội Điện ảnh VN, cho rằng chúng ta cần có tư duy làm luật không chỉ quản lý mà còn để phát triển điện ảnh. Vế "phát triển" cần phải cao hơn "quản lý".
Ông cho biết ông từng hỏi một vị hội trưởng điện ảnh Hàn Quốc rằng tại sao họ lại phát triển điện ảnh nhanh, tốt như thế. "Anh ta bảo rằng đơn giản thôi: "Bỏ duyệt!". Cá nhân tôi nghĩ việc duyệt của chúng ta hiện nay đang bất cập vì chúng ta đang quản lý nhiều việc quá!" - ông Kim nói.
"10 năm nay mới cấm có 4 phim"
Khi hội nghị sắp kết thúc, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông đã khiến cả hội trường kinh ngạc. "Mỗi một năm với khoảng gần 250 phim nước ngoài thì chúng ta cấm từ 5 - 7 phim và chiều hướng này ngày càng tăng.
Tuy nhiên, phim Việt thì 10 năm nay mới cấm có 4 phim, kể cả phim Vị. Cho nên mọi người cũng không nên quá lo lắng về chuyện kiểm duyệt" - ông dẫn con số.
"Với phim Vị, hôm trước nhiều anh chị chưa được xem phim nên chúng ta có dư luận không tốt. Hiện nay đã có 6 kênh trong và ngoài nước chiếu phim Vị.
Rất nhiều anh chị em đã được xem. Và những phản hồi cho chúng tôi thấy được rằng Cục Điện ảnh cấm phim Vị là điều đúng đắn nhất từ trước đến nay".
M.THỤY
TTO - Đó là lời thốt lên của đại biểu Phan Thanh Bình khi tham dự Hội nghị góp ý dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) diễn ra tại TP.HCM sáng 23-2.
Xem thêm: mth.74484439042202202-naohk-gnuhc-uhn-iad-uu-euht-pa-coud-nen-hna-neid/nv.ertiout