Theo hãng tin Al Jazeera, phương Tây, Nhật và Úc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga vì Moscow điều quân đến các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine. Bên cạnh đó, Mỹ và đồng minh đã đưa ra cảnh báo về các lệnh trừng phạt nặng hơn nếu Moscow tiến hành tấn công toàn diện vào nước láng giềng Ukraine.
Theo đó, Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh, Úc, Đức và Nhật công bố kế hoạch nhắm vào các ngân hàng và giới nhà giàu Moscow, trong khi Đức đình chỉ dự án NORD STREAM 2, đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức.
Các biện pháp này, cùng với Mỹ bố trí thêm quân tới các quốc gia Baltic ở sườn phía đông của NATO giáp với Nga, được đưa ra lúc Nga đưa quân vào các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine sau khi Tổng thống Vladimir Putin nói rằng ông công nhận nền độc lập của Donetsk và Luhansk.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: ATLANTIC COUNCIL
Dưới đây là danh sách các biện pháp trừng phạt được áp dụng đối với Nga cho đến nay:
Mỹ
Trong "đợt trừng phạt đầu tiên", Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào hai tổ chức tài chính lớn của Nga, giới tinh hoa và người thân của họ. Theo Al Jazeera, hơn 80 phần trăm giao dịch ngoại hối hàng ngày của Nga và một nửa giao dịch của nước này được thực hiện bằng đồng USD.
Washington đã trừng phạt hai trong số các ngân hàng quốc doanh của Nga là VEB và Promsvyazbank, và chặn không cho các ngân hàng này giao dịch trên các thị trường Mỹ và châu Âu. Hai ngân hàng của Nga được coi là đặc biệt thân cận với Điện Kremlin và quân đội Nga, với khối tài sản hiện tại hơn 80 tỉ USD. Mỹ cũng đóng băng tất cả tài sản của các ngân hàng này trên lãnh thổ của mình.
Anh
Hôm 22-2, Anh đã công bố các biện pháp trừng phạt lên 5 ngân hàng, gồm Rossiya Bank, IS Bank, General Bank, Promsvyazbank và Black Sea Bank, và 3 tỉ phú Nga, gồm ông Gennady Timchenko, ông Boris Rotenberg và ông Igor Rotenberg. Theo đó, toàn bộ tài sản của các tỉ phú này ở Anh sẽ bị đóng băng hoàn toàn, và họ cũng bị cấm đến Anh.
“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để hành động mạnh hơn nếu Nga không rút khỏi khu vực. Chúng tôi sẽ hạn chế khả năng huy động vốn của chính phủ Nga và các công ty Nga tại thị trường Anh, cấm một loạt hoạt động xuất khẩu công nghệ cao và cô lập hơn nữa các ngân hàng Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu” - Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết.
Đức
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thông báo đóng băng quá trình chứng nhận đường ống dẫn khí đốt NORD STREAM 2 từ Nga sang Đức - một dự án béo bở mà Moscow tìm kiếm từ lâu nhưng bị Mỹ chỉ trích vì làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga.
Dự án này trị giá 11,6 tỉ USD thuộc sở hữu của tập đoàn khí đốt nhà nước Nga Gazprom.
Ukraine
Quốc hội Ukraine đã thông qua việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 351 người Nga, bao gồm cả các nhà lập pháp ủng hộ việc công nhận độc lập của các vùng lãnh thổ do phe ly khai kiểm soát và việc sử dụng quân đội Nga ở miền đông Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt hạn chế hầu như tất cả các loại hoạt động có thể xảy ra, đặc biệt là lệnh cấm nhập cảnh vào Ukraine, cấm tiếp Nga cận tài sản, vốn, giấy phép kinh doanh ở Ukraine.
EU
Hôm 22-2, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí công bố các biện pháp trừng phạt ban đầu nhằm vào 351 chính trị gia Nga đã bỏ phiếu công nhận hai khu vực ly khai ở Ukraine, cũng như 27 quan chức và tổ chức khác của Nga trong lĩnh vực quốc phòng và ngân hàng. Họ cũng tìm cách hạn chế sự tiếp cận của Moscow với các thị trường tài chính và vốn của EU.
Nhật, Úc
Nhật và Úc đã tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với các cá nhân có liên quan đến động thái của Moscow đối với Ukraine.
Thủ tướng Úc Scott Morrison đã nhắm mục tiêu vào các thành viên của Hội đồng An ninh Nga vì cái mà ông gọi là “hành động bắt nạt”.
Bên cạnh đó, Nhật cũng tiến hành trừng phạt Moscow. Các biện pháp trừng phạt của Nhật bao gồm cấm phát hành trái phiếu của Nga tại Nhật và đóng băng tài sản của một số cá nhân Nga cũng như hạn chế nhập cảnh Nhật, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida cho biết.