Thông điệp về sự sẵn sàng
Đánh giá về vai trò của việc khôi phục ngành hàng không đối với sự phục hồi của nền kinh tế tại Tọa đàm “Hàng không Việt mở lại bay quốc tế: Động lực mới, cơ hội mới” tổ chức chiều 24/2, TS Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng Tư vấn Kinh tế Chính phủ, cho biết Chính phủ đang muốn thông qua hai lĩnh vực hàng không và du lịch để tuyên bố với thế giới là Việt Nam sẵn sàng để mở cửa trở lại trên cơ sở các điều kiện đã được chuẩn bị tốt.
Lý giải về lý do tại sao gửi gắm thông điệp quan trọng như vậy vào hai ngành, theo ông Thiên, thế giới hiện nay là thế giới hội nhập, chúng ta buộc phải sống trong một thế giới hội nhập và phải có sự kết nối với thế giới. Để kết nối trực tiếp người với người, hàng với hàng thì con đường ngắn nhất là hàng không và du lịch.
Tốc độ thay đổi và phát triển nhanh cũng đòi hỏi du lịch, hàng không đóng vai trò rất lớn trong việc kết nối này cũng như đóng góp quan trọng trong lan tỏa sự phát triển.
Do đó, hai ngành hàng không và du lịch phải luôn trong tâm thế sẵn sàng để đảm bảo sự kết nối, đồng thời chứng minh sự an toàn của Việt Nam.
Hiện nay, đóng góp của ngành hàng không và du lịch rất lớn, theo ông Thiên, phải mở cửa sớm để khai thông, tạo động lực phát triển. Đợt dịch vừa qua đã khiến nhiều cuộc tiếp xúc trực tiếp bị gián đoạn, sau hai năm đứt gãy, việc khôi phục hàng không, du lịch sẽ tạo hứng khởi mới cho sự phục hồi của nền kinh tế.
"Theo tôi Chính phủ đã rất đúng đắn trong việc chuyển hướng linh hoạt từ “zero Covid"sang thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả với Covid-19. Đặc biệt doanh nghiệp rất linh hoạt, đoàn kết với nhau để đề xuất Chính phủ mở cửa lại hoạt động, đưa ra những chính sách phù hợp hơn. Tuy có những điều còn trục trặc, cần tháo gỡ nhưng những tiền đề đầu tiên như trên đã mở hướng cho sự phục hồi và phát triển", TS. Trần Đình Thiên nói.
Dẫn ví dụ ai là người bán hàng giỏi nhất thế giới, đó chính là người bán được chiếc điện thoại đầu tiên, điện thoại phải dùng hai người…, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh việc mở ra trước thì các nước khác cũng sẽ đáp lại.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần mạnh dạn đổi mới, đề cập các chính sách phù hợp để tạo đà phục hồi nhanh hơn.
Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, TS. Trần Đình Thiên cho rằng cũng cần tận dụng một cách có hiệu quả những động lực cũ, cơ hội cũ, nếu không sẽ lãng phí những động lực, cơ hội đó.
Doanh nghiệp đã chuẩn bị cho sự trở lại
Từ góc nhìn của các hãng hàng không, Nguyễn Ngọc Trọng, Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways từ sau Tết thị trường bùng nổ rất mạnh mẽ.
"Trong nguy có cơ, hai năm vừa qua khi thị trường hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là dịp để Bamboo Airways củng cố lại hệ thống, chuẩn hoá nhân sự..., để sẵn sàng mở cửa. Dịp Tết vừa qua đã chứng minh sự chuẩn bị của Bamboo Airways là rất thành công", ông Trọng chia sẻ.
Cũng tại sự kiện, bàn về tương lai phục hồi của ngành hàng không TS. Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hàng không Việt Nam cho rằng bên cạnh sự chuẩn bị sẵn sàng cho để phục hồi và phát triển của các hãng hàng không, những thách thức đối với các doanh nghiệp là không nhỏ, đòi hỏi sự nỗ lực của các doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ từ Chính phủ hay các địa phương.
“Thách thức đầu tiên là việc ngành hàng không đã tạm dừng trong 1 thời gian khá dài, vậy nên việc khôi phục lại sẽ cần thời gian. Dịch bệnh đã gây thiệt hại cho các hãng hàng không, làm tăng chi phí của các doanh nghiệp, trong khi đó, thu nhập của người dân lại giảm sút nên nhu cầu di chuyển lại đi cùng kèm với chi phí phù hợp. Đây là những thách thức không nhỏ đối với ngành hàng không”, ông Nề cho biết.
Thứ hai, về dịch bệnh, hiện một số quốc gia như Mỹ và châu Âu đã không còn kiểm soát về dịch bệnh, tuy nhiên, tâm lý của người dân đã thay đổi, e ngại hơn.
Thứ ba, hàng không các quốc gia trên thế giới đều mở cửa, mang tính chất cạnh tranh toàn cầu rất rõ. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cũng đã dự đoán, hàng không quốc tế sẽ bùng nổ trong năm 2022, với sự tăng trưởng 44% so với trước dịch bệnh. Điều này cho thấy thách thức rất lớn từ sự cạnh tranh của các hãng hàng không quốc tế và Việt Nam. Vì vậy, IATA cũng đã khuyến cáo, việc mở cửa trở lại song chính phủ các nước vẫn cần hỗ trợ các hãng hàng không.
Khi khôi phục đã hiện hữu
Ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho biết từ 15/2 Việt Nam đã chính thức dỡ bỏ hạn chế, mở lại toàn bộ các đường bay quốc tế; tuy nhiên trước đó, ngay từ cuối năm 2021 Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch thí điểm mở cửa đón khách quốc tế. Đến nay đã có khoảng 20 quốc gia, vùng lãnh thổ mở cửa kết nối đường bay quốc tế với Việt Nam, với khoảng 30 đường bay, 30 hãng bay.
Ông Đăng cho biết, từ ngày 11/1 đến ngày 23/2, có khoảng 200.000 khách quốc tế đến Việt Nam. Con số này còn rất nhỏ so với lượng khách (4 triệu khách/tháng) thời kỳ cao điểm năm 2019 nhưng vẫn là con số ấn tượng vì chúng ta vừa mở lại sau thời kỳ dịch.
Khẳng định hoạt động hàng không, du lịch đã và đang từng bước được khôi phục, ông Đăng đánh giá năm 2022 việc khôi phục lại ngành hàng không, du lịch đã hiện hữu thay vì chỉ là cơ hội.
Ông cho biết thêm, Cục Hàng không đưa ra các kịch bản dự báo tăng trưởng. Trong kịch bản trung bình, năm 2022, thị trường hàng không Việt Nam dự kiến đón 42-43 triệu hành khách, con số này mới chỉ được hơn 50% so với 2019 nhưng con số này vẫn là khá ấn tượng khi so với 2 năm dịch vừa qua. Trong số hơn 40 triệu lượt này, Cục Hàng không dự báo Việt nam sẽ đón khoảng 8 triệu khách quốc tế, trong đó có 6 triệu khách du lịch.
Tuy nhiên ông cho rằng, hiện nay các đường bay quốc tế mới chỉ tập trung đến Hà Nội, TP.HCM, còn những điểm du lịch như Quy Nhơn, Phú Quốc, Đà Nẵng, Vân Đồn... các hãng hàng không nước ngoài vẫn chưa khai thác. Dù vậy, Cục cũng đã nhận được rất nhiều đề nghị từ đối tác châu Âu, Nga mở lại đường bay đến Việt Nam, nhất là đến khu vực miền Trung.