Chẳng hạn như quyết định 37/2018 quy định rằng ứng viên chức danh PGS phải là tác giả chính của ít nhất 3 bài báo khoa học trên các tập san "uy tín"; ứng viên GS là 5.
Ngoài ra còn có những quy định về chuyển đổi và tính điểm khá phức tạp, nhưng tất cả vẫn đặt nặng định lượng hơn là phẩm chất.
Những quy định mang tính định lượng như thế thật ra là khá thấp so với mặt bằng khoa học ở Việt Nam ngày nay. Chẳng những thấp mà cách hành văn chung chung của bộ tiêu chuẩn đó còn mở đường cho nhiều chiêu trò và lạm dụng.
Không định nghĩa rõ thế nào là một "bài báo khoa học" thì ứng viên có thể dùng các bài không phải là nghiên cứu nguyên thủy mà vẫn có thể đáp ứng tiêu chuẩn một cách dễ dàng. Sự mập mờ về khái niệm "tập san uy tín" là cơ hội để ứng viên liệt kê các bài báo trên các tập san dỏm hay các tập san chất lượng rất thấp để đạt được tiêu chuẩn đề ra.
Ứng viên cũng có thể dùng tiểu xảo như công bố hàng chục bài báo nho nhỏ và tầm thường trên một tập san vô danh nào đó thuộc danh mục Scopus hay ESCI trong một thời gian rất ngắn để vượt qua tiêu chuẩn. Đó chính là những lùm xùm trong mỗi đợt xét duyệt chức danh GS/PGS thời gian gần đây.
Con số bài báo khoa học phản ảnh mức độ hoạt động khoa học của một ứng viên chứ không phải là thành tựu của nghiên cứu khoa học, càng không nói lên phẩm chất khoa học. Tiêu chuẩn công nhận chức danh GS/PGS đặt nặng vào lượng mà bỏ qua phần chất, đó là một sai lầm.
Trong khoa học, phẩm chất và tầm ảnh hưởng của nghiên cứu quan trọng hơn số bài báo khoa học. Ở các đại học nước ngoài, các hội đồng bổ nhiệm không khi nào đề cập đến số bài báo khoa học mà nhấn mạnh đến phẩm chất khoa học.
Thường bộ tiêu chuẩn ghi rõ rằng ứng viên GS phải có những đóng góp quan trọng vào chuyên ngành với tầm ảnh hưởng cấp quốc gia (nếu là PGS) và cấp quốc tế (nếu là GS). Riêng cấp GS, ứng viên còn phải chứng minh rằng họ đóng vai trò lãnh đạo trong các hội đoàn quốc tế. Chính phẩm chất khoa học, tầm ảnh hưởng và lãnh đạo làm nên một GS.
Một ứng viên GS có thể có hàng trăm bài báo khoa học, nhưng nếu những bài báo đó chỉ xuất hiện trên những tập san khoa học tầm thường (chỉ số ảnh hưởng thấp) thì ứng viên đó có xứng đáng với chức danh GS/PGS? Theo quy định hiện hành ở Việt Nam thì câu trả lời, thật nghịch lý, là... xứng đáng!
Đề ra số lượng bài báo khoa học như là một tiêu chuẩn đã dẫn đến hàng loạt hành vi vi phạm đạo đức khoa học và đạo đức công bố. Những hành vi này bao gồm: công bố trên tập san dỏm, hoặc những tập san có chất lượng rất thấp mà bất cứ nhà khoa học nghiêm túc nào đều không muốn có tên trên đó; trả tiền cho các "tác giả ma" soạn giùm bài báo; mua bài báo khoa học; trả tiền cho các nhóm chuyên giả tạo dữ liệu để có "nghiên cứu"; tra tấn dữ liệu cho đến khi có kết quả theo ý muốn; thậm chí giả tạo danh tánh chuyên gia bình duyệt để tự duyệt bài báo của mình.
Tất cả những hành vi đáng ngờ đó chỉ nhằm đạt được số bài báo theo quy định để được công nhận chức danh GS/PGS. Nhưng loại bài báo khoa học đó không tạo ra kiến thức mới mà chỉ làm nhiễu khoa học.
Những quy định hiện hành về công bố khoa học trong việc xét duyệt công nhận chức danh GS/PGS còn nhiều khiếm khuyết. Dựa vào các danh mục như Scopus và Pubmed hay ESCI một cách vô điều kiện dễ dẫn đến sai lầm về việc đánh giá và nhận dạng tập san dỏm.
Sự lệ thuộc vào số lượng bài báo gián tiếp khuyến khích nghiên cứu chất lượng thấp, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín khoa học quốc gia. Bộ tiêu chuẩn mới cần phải soạn chặt chẽ hơn, khoa học hơn, đặt phẩm chất khoa học là tiêu chuẩn số 1 và xem tác động của nghiên cứu là một thước đo của thành tựu cho việc công nhận các chức danh GS.
TTO - 73 trong số 451 ứng viên giáo sư, phó giáo sư bị loại khỏi danh sách ứng viên được hội đồng giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2021.
Xem thêm: mth.60611037052202202-us-oaig-tom-nen-mal-gnoul-iahp-gnohk-tahc/nv.ertiout