Ông Lê Bá Anh phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành hàng cá tra năm 2022 tổ chức ngày 25-2 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Tại hội nghị "Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành hàng cá tra năm 2022" do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 25-2, ông Lê Bá Anh - phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - cảnh báo đến nay đã có 30 lô cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc bị cảnh báo các chỉ tiêu liên quan tới COVID-19.
Số lô hàng bị phát hiện vấn đề liên quan tới COVID-19 trên bao bì, ngoài bao bì và thành bên trong của container.
"Điều tra nguyên nhân cho thấy xuất phát từ khâu bao gói, khâu hàng lên container, nên việc kiểm soát chặt chẽ với công nhân xếp hàng lên container là vấn đề cần được lưu ý trong thời gian tới để đảm bảo thỏa thuận kiểm soát COVID-19 của Trung Quốc và không tạo ra bất lợi quá lớn đối với các doanh nghiệp", ông Lê Bá Anh khuyến cáo.
Cũng theo ông Lê Bá Anh, khi phát hiện 1 lô có dấu vết của COVID-19 thì doanh nghiệp sẽ bị tạm ngừng thủ tục nhập khẩu vào Trung Quốc 1 tuần. Còn đối với 2-3 lô trở lên thì 4 tuần, thậm chí có doanh nghiệp bị đến 6 tuần. Điều này đã tạo nên thiệt hại đáng kể đối với các doanh nghiệp.
Ông Lê Bá Anh cũng cung cấp một thông tin tích cực đối với xuất khẩu cá tra Việt Nam là nếu năm 2020 có 6 lô bị cảnh báo về hóa chất kháng sinh thì trong năm 2021 không có thị trường nào cảnh báo.
Đồng bộ với dữ liệu giám sát dư lượng hóa chất kháng sinh trong nuôi trồng cho thấy các hoạt động kiểm soát, hướng dẫn sử dụng hóa chất kháng sinh trong năm 2021 có những chuyển biến tích cực so với năm 2020 và những năm trước.
Về các nhiệm vụ trong năm 2022, ông Bá Anh cho biết việc tháo gỡ, xử lý các vướng mắc của thị trường là hoạt động thường xuyên của cục và công tác trọng tâm trong năm nay liên quan thị trường Trung Quốc, Mỹ.
Trong đó thị trường Trung Quốc tập trung xử lý các vấn đề liên quan tới COVID-19, còn thị trường Mỹ sẽ tiếp tục đăng ký mở rộng danh sách doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào đây.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2021, ngành cá tra Việt Nam đạt sản lượng 1,52 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,62 tỉ USD. Đặc biệt, giá bán cá tra nguyên liệu hiện nay đạt mức rất cao với khoảng 30.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, mức giá rất cao này tiềm ẩn nguy cơ tạo ra sự phát triển nóng, ảnh hưởng tới chất lượng và mất cân bằng cung cầu trong thời gian tới. Hiện Trung Quốc (chiếm khoảng 31%) và Mỹ (chiếm khoảng 23% giá trị xuất khẩu) lần lượt là hai thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng sau 3 năm ngành cá tra "rất vất vả" thì năm 2021 được mùa được giá.
Nếu năm 2022 không có giải pháp căn cơ, thức ăn không đảm bảo, xúc tiến thương mại không đảm bảo tốt thì không đạt được kết quả tốt.
Ông Tiến lưu ý cần tập trung vào chế biến sâu, tăng giá trị gia tăng của ngành hàng cá tra; chủ động xây dựng các vùng nguyên liệu và liên kết chuỗi theo hướng quy mô hơn, chất lượng hơn.
"Có vấn đề gì địa phương giải quyết không được, các cục, tổng cục giải quyết không được thì cứ nhắn tin cho tôi", ông Tiến nói.
TTO - Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tăng mạnh trong những ngày đầu tháng 2-2022, giúp người nuôi cá tra có lợi nhuận hơn 5.000 đồng/kg, do thiếu nguyên liệu sau đại dịch và thị trường xuất khẩu khả quan.
Xem thêm: mth.41025223152202202-divoc-iot-nauq-neil-oab-hnac-couq-gnurt-ib-art-ac-gnah-ol-ueihn/nv.ertiout