vĐồng tin tức tài chính 365

“Tôi xác định tinh thần fighting mỗi khi mặc đồ bảo hộ”

2022-02-26 06:07

Trung tâm hồi sức COVID-19 BV ĐH Y Dược TP.HCM (đặt tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) đã chính thức giải thể vào ngày 8-2, sau sáu tháng sáu ngày hoạt động, nơi đây có một phần ký ức thời hoa lửa không thể nào quên của ThS-BS Huỳnh Phương Nguyệt Anh, Khoa chấn thương chỉnh hình BV ĐH Y Dược TP.HCM.

Gặp BS Nguyệt Anh khi quay lại với công việc đời thường, chị hào hứng chia sẻ đang thực hiện đề tài nghiên cứu sinh về nội soi khớp cổ tay, một khớp nhỏ thường bị bỏ sót khi chẩn đoán. Đam mê bộ môn bóng đá, từng là một cầu thủ futsal chuyên nghiệp, chọn chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để theo đuổi, BS Nguyệt Anh hy vọng những cầu thủ Việt Nam khi gặp chấn thương sẽ không cần phải ra nước ngoài mà có thể điều trị ở chính quê nhà. BS Nguyệt Anh từng tiếp nhận điều trị chấn thương cho các cầu thủ Công Phượng, Văn Hậu, Hồng Duy (bóng đá nam), Chương Thị Kiều (bóng đá nữ), Thùy Linh (futsal nữ), Bá Tiến, Đăng Thao, Minh Nhựt (futsal nam)…

“Tôi xác định tinh thần fighting mỗi khi mặc đồ bảo hộ” - ảnh 1
BS Huỳnh Phương Nguyệt Anh đang thăm khám cho bệnh nhân COVID-19. Ảnh: NVCC

“Tôi xác định tinh thần fighting mỗi khi mặc đồ bảo hộ” - ảnh 2
BS Huỳnh Phương Nguyệt Anh cùng các đồng đội. Ảnh: NVCC

Với những thành tích cống hiến trong hoạt động Đoàn thanh niên, công tác chuyên môn và tham gia điều trị BN COVID-19 ở nhiều điểm nóng, BS Nguyệt Anh đã được vinh danh là một trong 14 gương mặt Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2021, liên tiếp nhận giải thưởng Phạm Ngọc Thạch năm 2020, 2021 và năm nay 2022. 

Nhiệm vụ sống còn

Thời điểm dịch COVID-19 ập đến, không đứng yên ngoài thời cuộc, BS Nguyệt Anh đã tạm gác lại mọi hoài bão, đam mê để lao vào cuộc chiến không khói súng nhưng đầy khốc liệt. Mặt trận đầu tiên mà BS Nguyệt Anh tham gia là Bắc Giang. Lúc này, Bắc Giang như một chảo lửa khi nắng nóng kéo dài lên đến 40oC, bệnh nhân (BN) gia tăng nhanh chóng khiến áp lực cấp cứu tăng cấp số nhân trong khi thiết bị cấp cứu còn khá sơ sài. Từ những việc mà trước nay vốn không phải là chuyên môn chính của mình như đặt ống can thiệp nội khí quản, chị cũng sẵn sàng nhận, dù nguy cơ phơi nhiễm rất cao.

Có thời điểm cả khu điều trị không có chiếc máy sốc điện nào nên chị cùng các đồng đội bất lực nhìn BN rung thất ra đi. “Nhìn sự thiếu thốn ở Bắc Giang, mình mới thấy là may mắn khi làm việc ở một TP lớn, phương tiện vật chất hiện đại và càng cảm phục tinh thần phấn đấu, cố gắng vượt trở ngại của đội ngũ y bác sĩ nơi đây”.

Đến giữa tháng 6-2021, tình hình dịch ở TP.HCM bắt đầu căng thẳng. BS Nguyệt Anh được rút về sau hơn một tháng ở Bắc Giang, ban đầu làm việc tại BV điều trị COVID-19 Củ Chi, sau đó là Trung tâm hồi sức COVID-19 BV ĐH Y Dược TP.HCM. Từ đây, BS Nguyệt Anh cùng đồng đội phải đối phó với muôn vàn khó khăn do mô hình dịch bệnh chuyển biến khôn lường, BN ra đi vô số.

“Lăn lộn hơn 10 năm trong ngành, mình chưa bao giờ chứng kiến nhiều người chết như thế. Nhiều người xem đây là cuộc chiến với giặc COVID-19 nhưng đối với mình, đây là một nhiệm vụ sống còn. Hầu hết những người tham gia công tác điều trị đều trẻ tuổi, chưa có gia đình. Tình cảnh ở Bắc Giang chưa khốc liệt như ở TP.HCM đã khiến mình sang chấn tâm lý, huống hồ các bác sĩ trẻ mới ra trường, họ sẽ cảm thấy như thế nào” - BS Nguyệt Anh nhớ lại và tự nhủ mỗi ngày không được gục ngã và phải là chỗ dựa, động viên tinh thần cho các đồng nghiệp, đàn em. Ngay cả BS Nguyệt Anh cũng phải tập cho mình cách vượt qua áp lực.

“Chúng tôi không phải là những cỗ máy bền bỉ. Nếu để mất BN thì hôm sau tinh thần sẽ lao dốc. Mỗi ngày mình đều phải cố gắng vượt qua mệt nhọc, chán chường sinh ra trong lúc làm việc. Phải xác định tinh thần fighting (cố lên - PV) mỗi khi mặc đồ bảo hộ bước qua cánh cửa khu điều trị” - BS Nguyệt Anh nói.

Trong các bác sĩ trẻ tham gia điều trị COVID-19, nhiều em đang tham gia chương trình đào tạo ở BV ĐH Y Dược TP.HCM. Nhờ trải qua những tháng ngày chông gai, BS Nguyệt Anh nhận thấy các bác sĩ trẻ tiến bộ rất nhanh về chuyên môn và trưởng thành hơn. “Nhớ lại những ngày đầu, các em còn rất non nớt, chưa biết đặt đường truyền, đặt nội khí quản, nắm các thông số máy móc nhưng trải qua thời gian thực chiến, các em đã xử trí tình huống rất tốt. Mỗi khi có trường hợp không qua khỏi, có em còn khóc trôi cả khẩu trang nhưng sau vài tháng tôi luyện chỉ còn đứng ở góc tường buồn bã, một lát sau lại cười toe là mình biết cho “tốt nghiệp” được rồi” - BS Nguyệt Anh kể.

“Tôi xác định tinh thần fighting mỗi khi mặc đồ bảo hộ” - ảnh 3
 

Hạnh phúc chỉ là những điều giản đơn

Quay về với công việc thường ngày, BS Nguyệt Anh (ảnh) chia sẻ hiện đang tận hưởng từng phút giây trôi qua yên bình. Phải chăng cuộc sống phải có những cơn sóng dữ ập đến để mỗi người nhận ra chúng ta đang hưởng thụ, lãng phí thời gian và tiền bạc quá nhiều trong khi hạnh phúc chỉ là những điều giản đơn. Đứng trước sự sống và cái chết, mọi tiền bạc đều không thể mang theo được, phải bỏ lại người thân.

BS Nguyệt Anh chia sẻ đang lên kế hoạch sẽ trau dồi kỹ năng bơi lội, trekking, vận động cha mẹ đi chơi mỗi năm ít nhất một nơi, những điều mà trước đây chị có nghĩ tới nhưng chưa quyết tâm thực hiện. Trải qua đợt dịch COVID-19, chị sống chậm lại, hỏi thăm, chú ý đến người thân, bạn bè nhiều hơn, điềm tĩnh hơn, biết chấp nhận nghịch cảnh và luôn trong tinh thần fighting. Chị hy vọng các bạn trẻ cũng dành thời gian chiêm nghiệm lại ý nghĩa cuộc sống như mình. 

Giá trị cuộc sống đến từ những mất mát

“Sau lưng mỗi BN đều là một câu chuyện gia đình. Đối mặt với đau đớn giày vò, mỗi BN có những phản ứng khác nhau. Không ít BN lúc đầu hợp tác sau đó chỉ muốn tháo bỏ dây nhợ, máy thở để ra đi. Quá trình điều trị, mình có rất nhiều câu hỏi, tiếc sao họ không cố thêm chút nữa. Lại có BN rất ham muốn được sống để trở về nhà nhưng số phận lại nghiệt ngã. Vì thế, khi BN có tín hiệu tích cực dù rất nhỏ đều là niềm động lực lớn lao cho chúng tôi” - BS Nguyệt Anh kể có BN khi khỏe lại đã nhờ bác sĩ quay clip mình nói lời cám ơn đến từng người như người gội đầu, cắt móng tay cho mình. Câu chuyện được chia sẻ trong group hệ thống các nhân viên ở trung tâm đã sốc dậy tinh thần anh em.

BS Nguyệt Anh nhớ mãi cuộc đời trọn vẹn của cụ bà hơn 80 tuổi. Dù virus quái ác có cướp đi vĩnh viễn tính mạng của cụ thì tình thương và lòng nhân ái cụ để lại cho đời vẫn còn mãi. Cụ bà nhập viện được chẩn đoán thuộc nhóm nguy cơ cao chuyển nặng do tuổi cao, có nhiều bệnh nền. Quá trình điều trị, cụ khó thở tăng dần, từ thở ôxy qua mũi, cụ phải chuyển sang thở ôxy qua mask. Cụ dặn dò: “Bác sĩ ơi, nếu tôi thở cái này không được nữa thì đừng ráng cứu tôi, hãy dành sức cứu người khác đi. Tôi đã tám mươi mấy tuổi rồi”. Cụ gọi video call về cho gia đình, con cái dặn dò những điều cuối cùng, giọng cụ bình tĩnh đến lạ giữa tiếng khóc não nề của người nhà. Dù vậy, theo nguyện vọng của người nhà, cụ vẫn được hồi sức đặt máy thở và trải qua hai ngày suy nghĩ, gia đình mới yêu cầu ngưng hồi sức cho cụ. Khi nhận hũ tro cốt của cụ, người nhà gửi giỏ trái cây và gọi điện thoại cám ơn trung tâm đã chăm sóc mẹ họ những ngày qua.•

Gần 7.300 nhân viên là F0

TP đã trải qua bốn đợt dịch COVID-19 căng thẳng, trong đó đợt dịch thứ tư kéo dài là giai đoạn khốc liệt nhất và là thử thách lớn nhất đối với ngành y tế. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nhân viên ngành y tế TP.HCM đã chung sức, đồng lòng với lực lượng y tế tăng cường từ các tỉnh, thành với nỗ lực cao nhất chăm sóc, chữa trị cho BN. Trong cuộc chiến này có nhân viên y tế đã ngã xuống.

Riêng các đơn vị trực thuộc Công đoàn ngành y tế TP.HCM đã có gần 7.300 nhân viên y tế trở thành F0 nhưng họ vẫn cùng đồng đội chống dịch COVID-19. Nhiều mô hình, sáng kiến được sáng tạo trong thời gian phòng chống dịch bệnh như mô hình trạm y tế lưu động, mô hình chăm sóc F0 tại nhà, tổ chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng, mô hình bệnh viện dã chiến ba tầng; mô hình tư vấn F0 từ xa qua tổng đài 1022, mô hình thầy thuốc đồng hành, mô hình cải biến xe vận chuyển hành khách và taxi trở thành xe vận chuyển người bệnh…

Công đoàn ngành y tế TP.HCM đã kịp thời chi hỗ trợ khẩn cấp gần 35 tỉ đồng cho các đơn vị tuyến đầu chống dịch. Các trường hợp nhân viên y tế là F0, F1 và các đối tượng bị cách ly, phong tỏa, chi hỗ trợ dinh dưỡng cho nhân viên y tế làm nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19.

Công đoàn ngành y tế và đơn vị đã đồng hành trao tặng 40 phần thưởng cho các bệnh viện dã chiến, các đơn vị trực thuộc ngành y tế TP.HCM và các đơn vị bạn với số tiền 2,5 tỉ đồng. Đồng thời trao tặng hai phần quà tri ân gia đình nhân viên y tế hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ phòng chống dịch với số tiền 100 triệu đồng.

(Theo Công đoàn ngành y tế TP.HCM)

Xem thêm: lmth.6635401-oh-oab-od-cam-ihk-iom-gnithgif-naht-hnit-hnid-cax-iot/eohk-cus/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

““Tôi xác định tinh thần fighting mỗi khi mặc đồ bảo hộ””0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools