Những nhà đầu tư vốn tin rằng Trung Quốc có thể sẽ giảm bớt gọng kìm đối với lĩnh vực tư nhân để tập trung tăng trưởng kinh tế sẽ buộc phải thay đổi suy nghĩ sau ngày 18/2 vừa qua khi giá cổ phiếu của hãng giao đồ ăn khổng lồ Muituan lao dốc tới 18%. Mức giảm mạnh nhất trong gần 7 tháng qua này khiến ông lớn "bốc hơi" gần 30 tỷ USD vốn hóa ngay sau tuyên bố mới của Bắc Kinh buộc các nền tảng giao đồ ăn phải giảm phí hoa hồng thu từ các nhà hàng.
Đây chỉ là một trong vô số các "đòn giáng" mà chính phủ Trung Quốc nhằm vào các tập đoàn tư nhân quyền lực, chẳng hạn như Alibaba, Tencent Holdings hay Didi Global… Việc xóa sổ 1.500 tỷ USD vốn hoá thị trường công nghệ hồi năm ngoái dường như chưa là gì.
Trung Quốc nhằm vào ai?
Duy trì sự ổn định xã hội là mục tiêu cuối cùng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vì vậy bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào làm ảnh hưởng đến tham vọng trên đều sẽ bị liệt vào danh sách đen.
Alibaba bị cơ quan chống độc quyền kìm kẹp đơn giản vì vướng vào các cáo buộc chống độc quyền. Tương lai của Meituan thì vô cùng mù mịt khi bị giới chức "sờ gáy" hoạt động giao nhanh thực phẩm. Cả Didi cũng bị Cục quản lý không gian mạng để ý do sở hữu dữ liệu khách hàng khổng lồ. Tất cả đều nhanh chóng bị "tóm gọn" trong các quy tắc chống hành vi độc quyền được soạn thảo và hoàn thiện chỉ sau vỏn vẹn 3 tháng.
Hồi tháng 2, Trung Quốc yêu cầu nhiều ngân hàng và công ty quốc doanh kiểm tra mức độ rủi ro tài chính cũng như các mối liên hệ riêng với Ant Group nhằm giám sát hơn nữa đế chế tài chính của tỷ phú Jack Ma. Ant sau đó đã buộc phải thoả hiệp, tự biến mình thành một công ty cổ phần tài chính và tuân theo các quy định về vốn tương tự như ngân hàng.
Trước đó, Alibaba, tập đoàn sở hữu 1/3 Ant cũng bị ảnh hưởng nặng nề hồi năm 2021 sau án phạt chống độc quyền kỷ lục 2,8 tỷ USD của giới chức đại lục. Gã khổng lồ này cùng hơn 20 công ty công nghệ khác sau đó cũng bị kiểm tra nội bộ sát sao để làm rõ vấn đề bảo mật dữ liệu.
Tencent, nhà điều hành siêu ứng dụng WeChat cũng không còn được truyền phát nhạc trực tuyến độc quyền như trước sau khi lọt vào tầm ngắm của chính phủ Bắc Kinh. Ngành công nghiệp dạy thêm trị giá 120 tỷ USD của nước này cũng khốn đốn khôn cùng sau khi Trung Quốc tuyên bố cấm hoạt động dạy thêm để giảm bớt sức ép tài chính lên các bố mẹ.
Big Tech điêu đứng
Động thái của Trung Quốc khiến các gã khổng lồ công nghệ điêu đứng. Chỉ số công nghệ Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) đã có lúc tụt thê thảm 50% so với mức đỉnh hồi tháng 2/2021.
Cổ phiếu của hãng giao đồ ăn khổng lồ Muituan lao dốc tới 18% trong ngày 18/2
Mới đây nhất, 3 trong số các tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc, bao gồm Alibaba, Tencent và Meituan, đã "bốc hơi" hơn 100 tỷ USD chỉ sau 3 ngày bị đàn áp. Thậm chí, Bloomberg Intelligence còn dự báo sự kìm kẹp này có thể khiến Ant mất 2/3 giá trị, đồng thời tác động tiêu cực lên mảng fintech vốn trị giá 120 tỷ USD của Tencent.
Hồi tháng 4/2021, dù nhiều chuyên gia đã dự báo về đà phục hồi đáng kể của các Big Tech, song đến nay, cổ phiếu công nghệ Trung Quốc vẫn chưa có bước chuyển mình. Giá cổ phiếu của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba và nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi thậm chí đã có lúc còn rẻ hơn cả những mã có tiềm năng tăng trưởng thấp hơn tại Hong Kong (Trung Quốc).
Lý giải cho hành động của giới chức Trung Quốc
Giới chuyên gia cho rằng động thái của Trung Quốc chỉ đơn giản nhằm mục đích xác nhận lại sức mạnh quyền lực, đồng thời dạy cho các tỷ phú công nghệ "một bài học" lớn.
Trong năm 2020, tổng vốn hoá thị trường của Alibaba, Tencent và Ant gộp lại lên tới gần 2.000 tỷ USD – lớn hơn nhiều so với những gã khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước như Ngân hàng Công thương Trung Quốc. Điều này rõ ràng khiến chính phủ ái ngại và bắt đầu để ý tới kho dữ liệu khổng lồ của các Big Tech. Đây cũng chính là lý do mà Didi phải chịu "đòn giáng" nặng nề đến vậy.
Trong năm 2020, tổng vốn hoá thị trường của Alibaba, Tencent và Ant gộp lại lên tới gần 2.000 tỷ USD
Bao quát hơn, chính quyền đang "đổ lỗi" cho sự bành trướng quá mức của các Big Tech trong thời đại công nghệ bùng nổ và bắt đầu chuyển sang giải quyết những thứ được cho là "rủi ro".
Rất khó để dự đoán về bước đi tiếp theo của giới chức đại lục, song theo các chuyên gia, Bắc Kinh có thể sẽ giám sát chặt chẽ hơn các thương vụ mua bán và sáp nhập M&A đối với hàng trăm công ty khởi nghiệp được các Big Tech "đỡ đầu". Việc nhiều giao dịch diễn ra từ nhiều năm trước vẫn đang bị cơ quan quản lý "sờ gáy" đang làm dấy lên nhiều lo ngại xoay quanh một cuộc điều tra lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực M&A. Trung Quốc cũng vừa đề xuất một liên doanh do nhà nước hậu thuẫn nhằm giám sát cách các công ty công nghệ thu thập thông tin từ hàng trăm triệu người dùng.
Hầu hết các tập đoàn đều "ngoan ngoãn" nhận lỗi – phản ứng chung sau khi bị giới chức áp đặt các lệnh hạn chế. Nhiều thương vụ lớn đã phải đổ bỏ, bao gồm lần IPO của startup thương mại điện tử Xiaohongshu. Tranh cãi xoay quanh sự bất bình đẳng giàu nghèo cũng khiến nhiều gã khổng lồ buộc phải quyên góp hàng tỷ USD từ khối tài sản kếch xù để dập tắt dư luận. Chẳng hạn như, ByteDance cam kết từ thiện 77 triệu USD cho một quỹ khuyến học tại Trung Quốc, trong khi Tencent thì tuyên bố trao tặng 7,7 tỷ USD cho những bệnh nhân gặp khó khăn về mặt tài chính.
Theo: Bloomberg
http://tintuc.vdong.vn/02/1245904.htmHuệ Anh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị