1. "Cách ly thế này, còn đâu học sinh để mở cửa lại trường học trực tiếp?", đó là tâm sự của một phụ huynh ở TP.HCM. Vị phụ huynh này kể: "Con trai lớp 6 đi học được 2 ngày, bạn ngồi cạnh là F0, cháu là F1, nhà trường yêu cầu ở nhà cách ly 14 ngày. Cũng là F0 nhưng trường THPT, nơi con gái lớn học lớp 12, lại xử lý khác. Trường đề nghị học sinh F1 tự test, nếu âm tính vẫn đến trường.
Giải thích về F1 phải ở nhà, cô chủ nhiệm cậu con trai lớp 6 nói mỗi trường có cách xử lý linh hoạt khác… Đến ngày 21-2, Bộ Y tế quy định thống nhất: F1 chưa tiêm vắc xin phải cách ly 7 ngày. Hết cách ly đợt 1, con trai trở lại trường, bạn ngồi trước là F0, con tôi thành F1, ở nhà thêm 7 ngày. Tính ra, từ ngày 14-2 đến nay, con tôi đến trường được 3 ngày. Hiện lớp con tôi có hơn 20 học sinh là F0 và F1 phải ở nhà, bình quân 1 F0 có 4-6 học sinh là F1, lớp cứ vắng dần…
2. Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, số ca F0 là học sinh, giáo viên tiếp tục tăng. Thực tế tại nhiều lớp học ở TP.HCM, số học sinh thuộc diện F0, F1 chiếm hơn 50%. Khó tránh khỏi F0 trong trường học nhưng việc tổ chức dạy học khi có em đến trường, em ở nhà chưa thể làm hài lòng phụ huynh.
Một số trường có điều kiện triển khai lớp học "2 trong 1" (nhà trường đặt camera trong lớp để chuyển tải giờ lên lớp cho em ở nhà theo dõi). Cách xử lý này hay nhưng lại có trục trặc về đường truyền, công nghệ và học sinh ở nhà nghe câu được câu mất, hình ảnh không rõ, phụ huynh lại phiền lòng.
Rồi đâu phải trường nào cũng có điều kiện để dạy "2 trong 1", đành phải tải bài giảng lên web của nhà trường cho học sinh tự học ở nhà. Cách làm này sao bằng học trực tiếp, trực tuyến, thiệt cho học sinh học ở nhà.
3. Từ hai câu chuyện nêu trên cho thấy khó có quy định giải quyết được tất cả các yêu cầu của cuộc sống muôn hình muôn vẻ thời COVID-19. Nếu cơ quan chức năng để cho cơ sở linh hoạt xử lý, tùy cơ ứng biến thì khi đó nhà trường, thầy cô luôn phải đối mặt với áp lực "chín người, mười ý" bởi ai cũng cho là mình… đúng, thậm chí dẫn đến rối rắm!
Nhưng khi có quy định thống nhất thì lại có phản ứng, đại loại vì sao không cho F1 đến trường (nếu xét nghiệm âm tính), như thế tạo ra bất công giữa học sinh đến trường và học sinh phải cách ly ở nhà vì học ở nhà không được thụ hưởng trọn vẹn bài giảng.
4. Những rắc rối dạng như trên còn kéo dài, chỉnh chỗ này lại phát sinh vấn đề khác. Đó là thực tế chúng ta phải chấp nhận khi ca F0 tăng. Chỉ có đối mặt để cùng giải quyết, chia sẻ, hợp tác mới hóa giải vấn đề phức tạp thành đơn giản. Thực tế nhiều phụ huynh đã chọn cho mình cách ứng xử phù hợp có lợi cho con mình và nhà trường. Cũng có nhiều mô hình hợp tác giữa nhà trường và phụ huynh trong xử lý F0, F1 rất tốt.
Hợp tác để giải quyết tốt các lúng túng, phức tạp khi sống bình thường mới sẽ củng cố lòng tin không tái lặp cảnh "đóng cửa". Vài chục triệu người đã tiêm vắc xin, tới đây là tiêm cho trẻ từ 5 - 12 tuổi, để thực hiện mục tiêu "mở cửa", vì thế đừng để những lúng túng dạng như xử lý F0, F1 trong trường học để rồi lại nghĩ đến đóng cửa trường, ở nhà…
TTO - Quy định mới về xử lý với F0, F1 trong trường học được đánh giá là dễ thở hơn với các trường so với trước, nhưng có một điều các trường băn khoăn là quy định một học sinh F0, cả lớp phải xét nghiệm.
Xem thêm: mth.26125002062202202-auc-gnod-ned-ihgn-gnud/nv.ertiout